Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cao su xuống giá, nhà vườn ngưng cạo mủ
25 | 11 | 2008
3 ngày qua, giá cao su lại tiếp tục tụt với tốc độ nhanh hơn trước, từ 10-17 triệu đồng/tấn. Nhiều nhà vườn cao su miền ĐNB ngấp nghé lỗ đành ngưng cạo mủ để “dưỡng cây”. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đây cũng là cơ hội để cây cao su được nghỉ ngơi sau một thời gian dài bị khai thác quá mức
Chạy theo lợi nhuận, "thiến" cây lấy mủAnh Hùng, cán bộ khuyến nông huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương dẫn chúng tôi ra thăm vườn cao su của bà Nguyễn Thị Tám (ấp 10, xã Long Nguyên) rộng 2ha, tuy đã khai thác hơn 1 năm nay nhưng trông cây ốm tong ốm teo. Bà Tám nói: “Tui trồng 1ha tầm 450 cây, đầu tư phân bón không bao nhiều hết, mỗi ngày cạo được 55kg mủ nước, 1 ngày cạo 1 ngày nghỉ, vị chi một tháng thu được 825kg mủ đạt bình quân 28 độ.

Với giá bán bây giờ là 160 đồng/1kg mủ 28 độ thì thu nhập gần 4 triệu. Sau khi trừ chi phí công cạo 60 ngàn/ngày (1 tháng cạo 15 ngày là 900 ngàn); tiền xịt thuốc và bón lót 2 lần/năm khoảng 3-4 triệu nữa. Nhà tui lấy công cạo mủ làm lời chứ không lỗ to. Vì vậy, tui quyết định ngưng cạo chuyển qua dưỡng cây chờ năm sau ăn sản lượng”.

Theo qui định của ngành cao su VN, khi cây đến tuổi khai thác thì các Cty cao su đại điền phải áp dụng tuyệt đối theo qui trình D3 (tức 1 ngày cạo, 2 ngày nghỉ) nhưng do giá mủ tăng cao trong những năm gần đây, nên gần như đại đa số nhà vườn không áp dụng qui định này. Ông Đặng Thành Danh- PCT Hội Nông dân xã Đình Thành, huyện Dầu Tiếng cho hay, xã có hơn 1.500ha cao su tiểu điền, trong đó 800ha đã cho khai thác mủ.

“Trong đó, hầu hết các nhà vườn cạo đúp D1 tức ngày nào cũng cạo để tăng lợi nhuận, đó là chưa kể những vườn cao su theo qui định phải đạt 60% mật độ cây cạo có đường kính vanh 50cm trở lên mới được khai thác nhưng thực tế thì họ làm láng hết, có khi trồng chỉ 4- 5 năm, cây cao su chưa đạt chuẩn vẫn cứ mở miệng cạo”- ông Danh nói.

Ông Trần Tập (ấp 4, xã Đình Thành) tâm sự: “Những người dân xung quanh đây không thể chờ đủ 6 hay 7 năm để mở miệng cạo được. Gia đình tôi trồng 8ha cao su từ năm 2000, 2001, vườn cây nào cứ đủ 5 năm là tiến hành mở miệng hết. Có như vậy, chúng tôi mới có tiền trả ngân hàng và các chi phí khác cho sinh hoạt gia đình chứ!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các vườn cao su tiểu điền ở Bình Dương, Bình Phước, có khá nhiều hộ nông dân trồng cao su chỉ mới 4 năm tuổi, nhưng đã vội mở miệng cạo trong khi độ cao miệng cạo tính từ mặt đất lên có nơi vòng thân chưa đến 40cm! Thậm chí, có nhiều hộ sử dụng cả chất kích thích mủ cao su như Etherpon 2,5% bôi trên miệng cạo ngay từ năm đầu tiên khai thác, mặc dù theo khuyến cáo là chỉ được sử dụng từ năm thứ ba trở đi với mức độ hạn chế.

"Cây chút xíu cũng cạo, sử dụng chất kích thích bừa bãi, khai thác không đúng theo đúng qui trình kỹ thuật, chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả cây cao su khô kiệt, khô miệng cạo, năng suất giảm nghiêm trọng vào các năm tiếp theo”- một cán bộ của Viện Nghiên cứu cao su VN cảnh báo. (Ảnh: Thu hoạch sớm, những vườn cao su trở nên ốm yếu)

Những vườn cao su ốm yếu

Bà Ung Thị Thanh (xã Thới Hòa, huyện Bến Cát) dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cao su rộng 2,5ha của gia đình bà đã khai thác gần 5 năm nay. Đây là năm thứ hai năng suất mủ vườn cây của bà Thanh giảm thê thảm, một ngày cạo ha chưa tới 30kg mủ nước (trong khi bình quân đạt 60-70kg).

“Năm ngoái nó còn đạt 50kg mủ/ha, năm nay không hiểu vì sao sản lượng tụt dữ quá, so với giá như hiện nay thì lỗ thật nên tui quyết định nghỉ cạo hẳn, mặc dù còn hai tháng nữa mới hết mùa để tập trung chăm sóc”- bà Thanh tâm sự. Tuy nhiên, điều đáng nói là, theo ông Trương Văn Phỉ- Phòng Kinh tế huyện Bến Cát thì: “Đến nay chưa thấy ngành chuyên môn ở tỉnh chỉ đạo về vụ giá cao su giảm như tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao KHKT cho bà con nông dân nhằm đảm bảo duy trì vườn cây”.

Theo Hiệp hội Cao su VN, vào thời điểm cuối năm 2007 khi giá mủ cao su tăng cao, diện tích cao su tiểu điền tập trung phát triển rất nhanh, đến nay đứng đầu là Bình Dương (62 ngàn ha), kế đến là Bình Phước (61 ngàn ha), Tây Ninh (38 ngàn ha), Gia Lai (15 ngàn ha), Bình Thuận (13 ngàn ha)...Trong đó, có không ít những vườn cao su tiểu điền trồng giống cũ, năng suất thấp như PB 86, PR 107, RRIM 600, GT1 và các giống tạp.

Ngay như vụ trồng mới năm 2007 (bắt đầu từ tháng 6), do khan hiếm cây giống nên cũng không ít hộ “gom” cả những loại cây giống cao su không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường không được kiểm định nên lẫn tạp nhiều, không đảm bảo độ thuần cũng như tiêu chuẩn yêu cầu về giống để mang ra trồng đại trà. Vì vậy, nếu năng suất cao su đại điền ở các tỉnh miền Đông lên đến xấp xỉ 2 tấn/ha thì năng suất vườn cao su tiểu điền ở đây cứ mãi “ọp ẹp” trên dưới 1 tấn mủ/ha!

Vì vậy, theo tính toán, nếu trồng diện tích cao su từ 2ha trở lên, sau 6 năm khai thác có mức thu nhập từ 60-70 triệu đồng/ha/năm nếu như mủ cao su được giá. Tuy nhiên, khi giá mủ cao su xuống quá thấp như hiện nay, khiến cho nhiều hộ nông dân mới trồng vài năm nay mang tâm trạng lo lắng do công đầu tư chăm sóc đã chiếm hết 25-30 triệu đồng/ha. Theo những nhà vườn thì giá cao su hiện nay chỉ với những người trồng qui mô 2ha trở lên mới có lời chút đỉnh, còn những hộ trồng dưới 2ha chỉ có thể hòa vốn hoặc thua lỗ.

“Biện pháp tốt nhất trong tình hình giá mủ cao su xuống thấp là áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăm sóc vườn cây để tăng năng suất mủ, đồng thời giảm chi phí đầu vào và như vậy sẽ hạ giá thành sản xuất, các nhà vườn vẫn có thể có lời. Ngoài ra, những diện tích cao su trồng mới cây còn nhỏ nông dân có thể trồng xen canh cây ngắn ngày như bắp (ngô), các loại đậu để tăng thêm thu nhập”- (ông Trần Văn Dũng, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bình Dương)



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường