Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thế giới tháng 9-10/2008
12 | 11 | 2008
Giá cao su thiên nhiên giảm 21,8% trong tháng 9, giảm tiếp 24% trong tháng 10, do giá cao su tổng hợp giảm theo giá dầu; Cung và cầu đều thấp. Nhiều khách hàng huỷ hợp đồng do giá giảm mạnh; 3 nước SX lớn nhất sẽ giảm sản lượng để nâng giá lên; Triển vọng giá 2 tháng tới chưa hồi phục.
Thị trường cao su thế giới mấy tháng qua biến động mạnh. Trong tháng 9/2008, giá cao su tại Tokyo đã giảm 21,8%, mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng tính từ tháng 6/1988 do các hãng sản xuất ô tô cắt giảm sản lượng hoặc hạ mục tiêu doanh số bán ra. Xu hướng giảm chưa dừng lại ở đó mà vẫn tiếp diễn sang tháng 10.

Ngày 28/10, giá cao su tại Tokyo đã giảm xuống chỉ 154,6 Yên, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2005, do nhu cầu chậm lại trong bối cảnh thị trường ô tô thế giới sa sút do khủng hoảng tài chính có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong 2 ngày cuối tháng 10, giá hồi phục mạnh sau khi Mỹ giảm tỷ lệ lãi suất xuống mức 1%. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 10, giá cao su vẫn giảm tới 24%, mạnh hơn so với mức giảm của tháng 9. Hiện giá cao su thấp hơn gần 50% so với mức kỷ lục cao của 28 năm – 356,9 Yên/kg đạt được vào ngày 30/6, do lo ngại tiêu thụ ô tô giảm sẽ làm giảm nhu cầu lốp xe.
Nguồn cung cao su trong tháng 10 nhìn chung không dồi dào, do mưa ở miền nam Thái Lan. Đây là khu vực sản xuất cao su chính của nước này. Mưa làm gián đoạn hoạt động thu hoạch mủ cao su. Nguồn cung cao su của Indonesia hạn chế bởi mùa cây cao su thay lá. Tuy nhiên, giá cao su vẫn giảm do nhu cầu trì trệ. Nỗi lo về nhu cầu giảm bởi kinh tế thế giới suy yếu trầm trọng đè nặng lệ thị trường cao su. Việc một số khách hàng Trung Quốc đã huỷ bỏ hợp đồng vì giá hiện thấp hơn rất nhiều so với lúc ký kết càng ảnh hưởng xấu tới giá cao su. Khách hàng Trung Quốc đã huỷ hợp đồng mua trên 10.000 tấn cao su từ Đông Nam Á sau khi giá giảm hơn 30% chỉ trong một tháng qua. Giá cao su thiên nhiên tại Trung Quốc hai tháng qua liên tục giảm trong bối cảnh nguồn cung ổn định bởi đang là lúc thu hoạch cao điểm, trong khi nhu cầu cả cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên đều suy giảm. Do các nhà kinh doanh thận trọng trong việc thu mua nên rất ít hợp đồng được ký kết. Lượng tồn kho cao su thiên nhiên tại Sở giao dịch hàng kỳ hạn Thượng Hải tính đến giữa tháng 10 tăng đến 65.000 tấn, cao hơn 11,4% so với hồi đầu tháng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, và góp phần lớn nhất vào tăng trưởng nhu cầu cao su toàn cầu, trong quý III đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 3 năm nay, làm giảm nhu cầu các mặt hàng, trong đó có cao su.

Nỗi lo kinh tế thế giới suy yếu làm giảm nhu cầu hàng hoá, đặc biệt là ô tô. Nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật và Trung Quốc đều đang và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm. Nissan Motor Co. và Hyundai Motor Co cùng nhiều hãng sản xuất ô tô khác đang tiếp tục giảm hoạt động lắp ráp xe ô tô do khủng hoảng tài chính thế giới làm giảm nhu cầu. Hãng sản xuất lốp xe của Pháp, Michelin, đã giảm mục tiêu lợi nhuận của hãng trong năm nay do nhu cầu ô tô giảm mạnh ở châu Âu và Bắc Mỹ. Hiệp hội Sản xuất Ô tô châu Âu cho biết ngành này sẽ còn suy giảm hơn nữa trong quý IV, sau khi đã giảm khoảng 10% trong quý III. Tiêu thụ xe hơi ở châu Âu đã giảm 8,2% trong tháng 9 so với cùng tháng năm ngoái, mặc dù số ngày làm việc nhiều hơn 2 ngày, do khủng hoảng tài chính ảnh hưởng nặng nề tới ngành cao su.

Các nhà sản xuất cao su thuộc Hội đồng kinh doanh cao su của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ARBC) đã bày tỏ mối lo ngại về tình hình giá cao su "trượt dốc" mạnh trong thời gian gần đây, khi giảm tới trên 50% so với cách đây 3 tháng. Khách hàng liên tục hủy bỏ hợp đồng. ARBC bao gồm hiệp hội các nhà kinh doanh cao su từ 6 quốc gia sản xuất cao su trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Xingapo, Việt Nam và Campuchia, hiện chiếm khoảng 85% sản lượng cao su thế giới. ARBC khuyến khích các thành viên giải quyết tranh chấp hợp đồng một cách ôn hòa và không nên đồng ý với những mức giá có thể gây tổn hại đến lợi ích chung của nhóm, và không chấp nhận khi khách mua huỷ hợp đồng. ARBC kêu gọi tất cả các bên có liên quan xem xét tình hình hiện nay một cách thích hợp, nhằm thiết lập một thông lệ lành mạnh thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh lẫn nhau lâu dài.
Đặc biệt, ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonexia và Malaysia đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng cao su của mình để đẩy giá tăng lên, bằng cách tranh thủ lúc giá thấp này trồng lại những diện tích cây đã già cỗi. Malaysia, nước sản xuất cao su lớn thứ 3 thế giới, có kế hoạch giảm cung cao su của mình bằng cách thay mới 32.000 hécta cao su. Điều này sẽ ngay lập tức làm giảm khoảng 38.000 tấn sản lượng mỗi năm trong vài năm tới.
Indonexia, nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, sẽ yêu cầu người trồng cao su của mình giảm tốc độ khai thác mủ cao su để giảm sản lượng khoảng 30%. Xuất khẩu cao su của Indonexia năm 2008 dự kiến sẽ chỉ tăng 4% so với mức 2,4 triệu tấn năm ngoái, thấp hơn so với mục tiêu tăng 7%. Xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường cao su lớn thứ 3 của Indonexxia, sẽ không cao hơn nhiều so với mức 350.000 tấn năm ngoái.

Theo chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan, xuất khẩu cao su từ Thái lan, nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, có thể giảm 6% trong năm nay do nhu cầu giảm, bởi kinh tế Mỹ khủng hoảng. Trong 10 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn cao su, thu về khoảng 200 tỷ Baht. Xuất khẩu trong cả năm dự kiến sẽ chỉ đạt 2,8 triệu tấn, tức là chỉ tăng 1-2% so với năm ngoái, song trị giá đạt ít nhất 250 tỷ Baht, tăng khoảng 20%. Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường cao su chính của Thái lan, với 40% tổng lượng xuất khẩu, tiếp đến là Nhật bản với 20%, EU 20% và Mỹ 10%.

Sản lượng cao su thế giới dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn trong năm nay, tăng 3,8% so với năm ngoái, trong khi nhu cầu sẽ đạt xấp xỉ 9,8 triệu tấn, tăng 2%. Thái Lan sẽ sản xuất khoảng 3,1 triệu tấn cao su trong năm nay, tăng 2% so với năm 2007.

Dự báo thị trường cao su sẽ vẫn phải chịu áp lực về giá trong tháng tới do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Nguồn cung cao su nguyên liệu thô tăng. Thị trường tài chính bất ổn, kinh tế Mỹ, Nhật Bản và EU đều yếu kém, thu nhập của dân cư giảm, nhu cầu mua ôtô tiếp tục giảm đang cùng lúc tác động tới thị trường cao su thiên nhiên.




Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường