Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều nông sản rớt giá mạnh
31 | 10 | 2008
Giá hàng loạt mặt hàng nông sản cùng tuột dốc chưa có điểm dừng, trong đó giá 2 mặt hàng chiến lược cà phê, cao su đang là nỗi lo của hàng trăm doanh nghiệp, hàng triệu người dân Tây Nguyên.
Cà phê: May thì hòa vốn

Trang web “daktra.com.vn” của Trung tâm Xúc tiến Thương mại- Đầu tư- Du lịch Đăk Lăk sáng ngày 29/10 cập nhật thông tin giá mua cà phê nhân xô trên địa bàn tỉnh đã rớt xuống còn 23 triệu đồng/tấn. So với mức giá đỉnh 40-41 triệu đồng/tấn trong tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay, giá cà phê đã giảm hơn 43%.

Tùy cung cách quản lý, kỹ thuật thâm canh và đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng từng vùng mà giá thành cà phê nhân xô robusta có thể chênh lệch 6-7 triệu đồng/ tấn.

Ông Trần Minh Thụy, Giám đốc Cty Cà phê Phước An cho biết giá thành cà phê xuất khẩu của Cty không dưới 25 triệu đồng/tấn nên Cty sắp phải… nợ lương công nhân.

Cùng huyện, giá thành ở vườn cà phê tư nhân cao sản của Bí thư chi đoàn thôn 7C xã Ea Phê huyện Krông Păk Hoàng Lý Phong chỉ hơn 15 triệu đồng/ tấn. Còn số đông thì tính toán như ông Võ Thế Giới có 8 sào cà phê ở xã Cư Bao huyện Krông Buk: Giá xăng dầu, phân bón mua thời đỉnh cao cộng giá công thuê hái lên tới 70.000đ, giá mua bán hôm nay thực chất hòa vốn.

Nhưng nhiều hộ túng tiền bán cà phê non thời giá còn cao, giờ giá thực thấp thế này đang lo không biết xoay đâu ra tiền bù lỗ. Đầu ra chưa khó bán vì các doanh nghiệp đang cần vét hàng cung ứng cho các hợp đồng đã ký nhưng giá cả cứ ngày càng xuống thế này, lấy gì cầm hơi và tái đầu tư cho vụ sau?

Ông Vân Thành Huy, Giám đốc Cty CP XNK Cà phê Đăk Lăk phân tích: Sản lượng cà phê thế giới năm nay đạt cao hơn năm ngoái. Brazil năm ngoái thu được gần 35 triệu bao, năm nay ước đạt 43-45 triệu bao (mỗi bao 60kg nhân khô).

Việt Nam năm ngoái sản lượng gần 1 triệu tấn, năm nay khoảng 1,1 triệu tấn. Niên vụ cà phê 2008-2009 dự kiến sản lượng thế giới khoảng 134 triệu bao, tiêu thụ chừng 128 triệu bao, thừa không nhiều.

Giá cà phê rớt tự do kiểu này không phải do cung vượt cầu, mà chủ yếu do các nước phát triển chủ động cắt giảm nhu cầu tiêu dùng, trong nước lại chủ trương chống lạm phát khiến giá tất cả các mặt hàng đều xuống.

Các nhà mua bán xuất khẩu cà phê đang phải gánh chi phí thu mua chế biến khoảng 90 USD/tấn, trong đó 45% là lãi ngân hàng. Năm ngoái cùng thời điểm này lãi ngân hàng có 11%, bây giờ doanh nghiệp phải chịu đựng mức lãi 18%, dù đã giảm một phần nhưng vẫn còn cao quá.

Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Cty CP Cà phê Tây Nguyên nhận xét dè dặt: Đà giảm giá cà phê đang hạ theo chiều thẳng đứng nên khó đoán được đâu là “đáy”, thất thường chẳng khác nào thị trường chứng khoán.

Do một số lô hàng chốt bán lúc giá còn cao, nên bây giờ một số doanh nghiệp đang mua vào cao hơn giá thị trường từ nửa triệu đến 1 triệu đồng/ tấn nhưng vẫn lo sốt vó là không mua được đủ lượng hàng cần thiết để giao vì Đăk Lăk- địa bàn thu mua lớn nhất của Cty- phải từ giữa tháng 11 đến hết năm mới là cao điểm thu hoạch.

Tuy nhiên dự báo trong dài hạn, giá cà phê sẽ khó xuống quá sâu. Theo ông Guilherme Braga, Tổng Giám đốc Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil, quốc gia dẫn đầu thế giới về cà phê thì giá cà phê sẽ tăng trở lại trong vòng 6 tháng tới nếu khủng hoảng tín dụng toàn cầu dịu bớt, vì nhu cầu cà phê ở Đông Âu rất lớn.

Cao su- Người giàu cũng khóc

Khó cầm cự và chưa thấy tia lạc quan nào như cà phê, giá cao su hiện đã xuống quá sâu dưới giá thành khiến không ít doanh nghiệp và chủ vườn cây chao đảo. Những năm qua, cao su được tiêu thụ mạnh chủ yếu để phục vụ ngành công nghiệp ôtô. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, giá dầu mỏ thế giới giảm kéo theo sự tuột giá sản phẩm liên quan là cao su nhân tạo, rồi đến cao su tự nhiên.

Ama Ben là chủ trang trại người Ê-đê sở hữu nhiều cao su nhất trên cả nước: 85 hecta, ngoài ra ông còn có “rẻo nhỏ” 3 hecta cà phê. Sáng ngày 29/10, Ama Ben ngồi trong phòng khách biệt thự ở buôn Krum B, xã Cư Bao, huyện Krông Buk (Đăk Lăk), ngó ra ngoài trời tầm tã gió mưa, than thở: “Cao su giá này thì “chết” rồi!

Từ đầu đến giữa năm 2008 cao su tăng giá mạnh, có thời điểm thu mua 55-57 triệu đồng/tấn. Lúc đó phần lớn diện tích cao su xã này đều bị hạn hán sâu bệnh, rất ít mủ. Vườn nhà tôi cũng tốn kém công sá điều trị, phải mua tới 160 tấn phân bón dưỡng cho cây.

Sang tháng 9 cao su bắt đầu hồi phục, cho nhiều mủ thì cũng là lúc mất giá. Để chăm sóc 85 ha cao su, mỗi tháng tôi phải chi ra gần 200 triệu đồng trả lương cho 57 công nhân. Cầm cự suốt mấy tháng qua, giờ chịu hết nổi rồi, tôi tính sẽ cho tất cả công nhân nghỉ việc từ đầu tháng 11.

Với giá mủ chỉ còn có 21 triệu đồng/ tấn như hiện nay, ước tính năm 2008 nhà tôi sẽ lỗ trên 1 tỉ đồng. Còn may là tôi chưa phải vay ngân hàng đồng nào, chứ nếu vay, giá thì âm mà lãi thì cao quá, lấy gì mà sống”.

Cùng buôn với tỉ phú Ama Ben, vợ chồng Ama Khuôn cũng đang đau đầu lo lắng vì 30ha cao su. Theo Ama Khuôn, dù ông đã tính toán rất chặt chẽ tiết kiệm, giá thành mủ cao su cũng không thể dưới 30 triệu đồng /tấn. Lãi dăm năm chỉ đủ bù lỗ một vụ, nếu vụ tới giá cao su chưa lên nổi chắc gia đình ông phải tính đến chuyện chặt bỏ cây cao su.






Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường