Anh Trần Giang ở thôn Vĩnh Sơn, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết: “ Từ Tết đến nay, cứ hai ngày tôi cạo một lần để bù lại đợt mưa vừa qua. Với giá thu mua như hiện nay người trồng cao su ở đây có lãi”.
Được biết, do mùa mưa cuối năm 2016 vừa qua kéo dài liên tục 4 tháng, cộng với giá mủ giảm khiến việc cạo mủ cao su hầu như ngưng trệ. Từ trước tết Nguyên đán Đinh Dậu thời tiết có ấm lên và quan trọng là giá mủ tăng nên nông dân rất phấn khởi.
Ông Đinh Văn Quang ở xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa trồng 2ha cao su cách đây hơn 10 năm cho biết:”Nếu tháng 8 năm ngoái giá mủ cao su xuống còn 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc rớt xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg. Trung bình một lần cạo mủ 1ha được 40 kg thì thu được tối đa 400.000 đồng. Với doanh thu này thì chỉ đủ chi phí thuê người cạo mủ, không kiếm được bao nhiêu. Nay giá tăng lên thì có lãi và 1ha kiếm được vài trăm nghìn cho một lần cạo mủ”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 4.000ha cao su, tập trung ở 2huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa; trong đó, khoảng 50% diện tích cho khai thác mủ. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến cuối năm 2016, giá mủ liên tục giảm nên người trồng cao su không có lãi. Từ cuối năm 2016 đến nay giá mủ cao su tăng trở lại và hiện giá 13.000 đồng/kg nên người trồng cao su đang tập trung thu hoạch.
Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của vùng miền núi tỉnh Phú Yên và năng suất mủ đạt từ 1,2 tấn đến 1,5 tấn/ha. Nếu được mủ được giá, hàng năm người trồng cao su thu nhập từ 24 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ha.