Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sử dụng hiệu quả chất kích thích mủ cao su (Ethephon)
21 | 08 | 2008
Một trong những chất kích thích mủ cao su được dùng phổ biến là Ethephon, thuộc nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng ứng dụng trong việc kích thích ra hoa như xoài, dứa (khóm), tăng tỷ lệ hoa cái^ (dưa, bầu bí), phá vỡ sự ngủ nghỉ của một số loại hành, kích thích sự tiết nhựa của cây có mủ nên được dùng phổ biến ở ngành cao su thế giới. Ở Việt Nam, Ethephon được sản xuất với nhiều tên thương mại: Adephone 2.5Paste, Callel 2.5Paste, Forgrow 2.5Paste, Sagolatex 2.5PA (Công ty Cổ phần BVTV Sài Gòn)… Trên cây cao su, chất Ethephon được sử dụng bằng cách bôi vào miệng cạo để tăng sản lượng mủ. Với loại chế phẩm 2,5% dùng 1 - 2g/lần/cây cao su (khoảng 3 - 4 tuần/lần). Bôi một lớp mỏng thuốc ngay trên miệng cạo tái sinh tiếp giáp với miệng cạo. Sử dụng hợp lý thuốc tránh hiện tượng khô miệng cạo, không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Sau khi bôi thuốc, sản lượng thường tăng ngay ở nhát cạo đầu tiên, sau đó cao dần đến từ 7 - 10 lần cạo kế tiếp, rồi giảm dần trở lại mức cũ hay thấp hơn mức bình thường chút ít đối với chu kỳ bôi thuốc là 2 tháng. Sản lượng gia tăng chủ yếu là do thời gian chảy mủ kéo dài hơn so với không bôi chất kích thích. Nhưng bôi liên tục thời gian dài hiệu lực sẽ giảm dần, có nhiều giống cao su thuốc không còn hiệu quả. Miệng cạo càng xuống thấp hiệu lực của thuốc càng kém nhưng khi đổi mặt cạo (lên miệng) thì hiệu quả của thuốc nâng lên. Cao su Đông Nam bộ và Tây nguyên sử dụng vào các tháng từ 5 đến 12. Đối với dạng Paste như loại Sagolatex 2.5PA, khi sử dụng dùng 1 cây cọ nhỏ bôi 1 băng rộng 1cm, mỏng đều trên vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo. Đối với miệng cạo úp không bóc lớp mủ dây, bôi một lớp mỏng đều ngay trên miệng cạo.

Không phải lúc nào cũng có thể sử dụng chất Ethephon để kích thích mủ cao su. Bà con cần chú ý các điểm sau: chỉ bôi Ethephon trước nhát cạo kế tiếp 24 - 48 giờ; không bôi khi thân còn ướt hoặc lúc trời sắp mưa; tuyệt đối không bôi trong mùa khô hoặc mùa rụng lá; chỉ sử dụng với những cây sinh trưởng bình thường, kỹ thuật cạo tốt; không sử dụng các cây bị bệnh nấm hồng, loét sọc miệng cạo, cây bị rụng lá mùa mưa, cây có dấu hiệu khô miệng cạo hay cây chưa đủ kích thước cạo (chu vi cách mặt đất 1m phải đạt 50 cm trở lên); khai thác hợp lý: đảm bảo cạo ½ miệng cạo, 3 ngày cạo 1 lần, 1 tuần cạo 2 lần, nghỉ ngày chủ nhật)...



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường