Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Không thể có chuyện mất trắng đối với cây cao su”
19 | 11 | 2008
Giá cao su hiện nay bình quân chung là 28 triệu đồng/tấn, 9 tháng đầu năm đã đạt bình quân 42 triệu đồng/tấn, dự kiến giá kế hoạch cả năm 2008 là 36 triệu đồng/tấn, giá thực tế sẽ là 40 triệu đồng/tấn. Như vậy, với sản lượng năm trên 300.000 tấn cao su, lợi nhuận năm nay vẫn cao hơn so với năm 2007 khoảng 15-20%, nếu giá có xuống thấp nữa thì vẫn bằng mức năm 2007, lương bình quân ở vùng cao su lớn nhất nước là Đông Nam Bộ bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi, ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng ở triển vọng của ngành, bất chấp việc mặt hàng này đang giảm giá mạnh..

Gần đây có ý kiến lo ngại trước tình trạng cao su đang gặp khó khăn, thậm chí có người cho rằng “cao su rớt giá không phanh”. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Giá cao su hiện nay bình quân chung là 28 triệu đồng/tấn, 9 tháng đầu năm đã đạt bình quân 42 triệu đồng/tấn, dự kiến giá kế hoạch cả năm 2008 là 36 triệu đồng/tấn, giá thực tế sẽ là 40 triệu đồng/tấn.

Như vậy, với sản lượng năm trên 300.000 tấn cao su, lợi nhuận năm nay vẫn cao hơn so với năm 2007 khoảng 15-20%, nếu giá có xuống thấp nữa thì vẫn bằng mức năm 2007, lương bình quân ở vùng cao su lớn nhất nước là Đông Nam Bộ bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Với 1 ha cao su, kể cả phân bổ 5 năm xây dựng cơ bản, tổng suất vốn đầu tư 70 triệu/ha, nếu chỉ tính chu kỳ 20 năm, thì chi phí mỗi năm kể cả khấu hao và vật tư, phân bón, vào khoảng 6-8 triệu đồng (tùy thuộc lúc giá cao thấp). Năng suất bình quân 2 tấn/ha, nếu giá bán 14-16 triệu đồng/tấn thì hòa, công nhân vẫn có lương 2 triệu đồng/tháng; nếu giá xuống 12-14 triệu đồng/tấn thì vẫn chưa lỗ, chỉ còn lương 1 triệu đồng/tháng. Hiện nay, giá cao su 28 triệu đồng/tấn, công nhân có mức lương tháng 5 triệu đồng.

Có thời điểm cao su lên đến trên 50 triệu đồng/tấn, có vẻ đáng mừng, nhưng thật ra lại đáng lo. Nếu giá cao su trên thế giới lên 1.900-2.000 USD/tấn thì rất khó khăn cho nhà sản xuất cao su thiên nhiên. Cao su thiên nhiên gắn liền với dầu khí để làm ra cao su nhân tạo, cho nên vừa qua dầu bị đầu cơ đội giá lên quá cao, đã đẩy giá cao su lên 3.800 USD/tấn, tạo ra giá ảo.

Nay giá dầu thế giới giảm mạnh, đương nhiên tác động đến giảm giá cao su, hay nói đúng hơn là đưa cao su về đúng với giá trị thật của nó. Không phải chỉ từ lúc chúng ta gia nhập WTO, mà từ rất lâu rồi cao su Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nên giống như các ngành lương thực, cà phê, tiêu, điều, thủy sản..., ngành cao su cũng chịu chung qui luật của thị trường, không thể tự lập ra hàng rào riêng được.

Như vậy có thể hiểu, dù giá có xấu hơn nữa thì cũng không có gì đáng lo ngại?

Không hẳn như thế. Nhưng có thể nói rằng, dù giá có xuống đến 12 triệu đồng/tấn thì người làm cao su, đặc biệt là công nhân cao su vẫn sống được, vì khi đó nhiều mặt hàng cũng xuống giá tương ứng.

Tập đoàn đã tính toán, thậm chí có xuống đến mức 7 triệu đồng/tấn cao su thì vẫn hòa, chấp nhận rủi ro như đã từng ứng xử trước bão lũ, thiên tai. Không thể có chuyện mất trắng đối với cây cao su, bởi vì không thu được mủ cao su, thì vẫn thu hoạch được lượng gỗ có giá trị kinh tế đáng kể, trung bình 140 triệu đồng/ha. Nhưng tỉ lệ rủi ro, tần suất rủi ro như thế là rất nhỏ.

Trong thực tế hiện nay, với năng suất bình quân 2 tấn mủ/ha ở Đông Nam Bộ, thì vẫn có thu nhập 56 triệu đồng/ha/năm, vượt mục tiêu phấn đấu cánh đồng 50 triệu đồng/ha của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tập đoàn cao su đã tạo ra được một số giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở nước ta, cho gỗ tốt. Cây cao su không kén đất, phát triển dễ dàng ở vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, Tập đoàn là lực lượng chủ lực xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, bệnh viện, trường học...) ở khu vực nông trường, thiết thực đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa nông thôn.

Đồng thời, làm cao su yêu cầu có kỷ luật cao về thời gian cạo mủ, kỹ thuật cạo mủ, nên đã đào tạo một bộ phận nông dân trở thành công nhân. Bất kể hoàn cảnh nào, kể cả khi gặp rủi ro, công nhân cao su của Tập đoàn vẫn ổn định cuộc sống.

Ông vừa nói không thể có chuyện cao su bị mất trắng, nhưng như thế cũng không có nghĩa là nơi đâu cũng trồng được cao su. Hiện nay, Tập đoàn Cao su đang có chủ trương mở rộng diện tích ra một số vùng không phải truyền thống, liệu có phiêu lưu không?

Với tư cách là Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su, là doanh nghiệp nhà nước lớn, tôi luôn luôn coi hiệu quả kinh tế là chính, nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cũng không được tách rời xã hội, mà phải giải quyết đời sống ổn định cho cán bộ và công nhân.

Về mặt kinh doanh, nếu thua lỗ thì tôi phải chịu trách nhiệm trước tiên; nếu vì mục đích lo cho dân mà thua lỗ thì cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Chính vì thế, muốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tôi phải chọn các phương án đạt trên 70% mới làm, nên không có chuyện phiêu lưu, liều lĩnh. Có người cho rằng trồng cao su ở độ cao 700 m như ở Tây Bắc, Lào, Campuchia là không thực tế. Tập đoàn cao su qui định như thế, chọn nơi trồng như thế, đều căn cứ vào những loại giống do Tập đoàn đang có.

Tại một số nơi thử nghiệm ở Tây Bắc, chỉ sau 2 tháng cây cao su đã ra 3 tầng lá, không thua kém cao su các vùng Đông Nam Bộ, Lào, Campuchia. Chính vì vậy, Chính phủ có ý định đưa diện tích cao su toàn quốc lên 1 triệu ha.

Chúng tôi đang phối hợp với các tỉnh để triển khai dự án cao su 1 vạn ha ở Lai Châu, 1 vạn ha ở Điện Biên, 2 vạn ha ở Sơn La. Tập đoàn đầu tư cây giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dân đóng góp đất ăn chia cổ phần. Đối với các diện tích cao su tiểu điền, chúng tôi khuyến cáo không nên tự đi mua cây giống ở Trung Quốc vì dễ bị thất bại.

Ngoài khu vực Tây Bắc, tập đoàn còn có kế hoạch triển khai cao su ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường