Rất nhiều hạn chế
Theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, mặc dù luật pháp hiện hành đã có nhiều tiến bộ, đất đai được quản lý chặt chẽ hơn, chính sách giao quyền sử dụng ổn định lâu dài cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tuy nhiên Luật Đất đai hiện tại vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó nổi lên một số điểm hạn chế kềm hãm sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể về phân loại đất, chưa có quy định quỹ đất phát triển làng nghề, dịch vụ kết cấu hạ tầng nông thôn. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa quy định rõ việc phối hợp cũng như trách nhiệm của ngành NN-PTNT liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc giao đất có thời hạn đến năm 2013 đối với đất trồng cây hằng năm khiến nông dân không yên tâm đầu tư, phát triển lâu dài. Chính sách hạn điền hiện tại không khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại, nhiều trang trại khi tích tụ ruộng đất đã phải mượn người khác đứng tên sổ đỏ để tránh vượt hạn điền, khi muốn vay vốn ngân hàng thì thế chấp không được. Chính sách đất đai hiện hành cũng không khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do thiếu cơ chế để có đất quy hoạch cho phát triển làng nghề, chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung; chưa tạo điều cho cơ chế thị trường đất đai vận hành lành mạnh, không chỉ gây khó khăn cho phát triển sản xuất mà còn tạo điều kiện cho tham nhũng, đầu cơ làm giàu bất chính, khiến dân không đồng tình. Chính sách thu hồi đất cho các mục đích phi nông nghiệp với cơ chế xác định giá cả đền bù chưa hợp lý, các quy định về đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất rườm rà mà vẫn lỏng lẻo, việc phân cấp quản lý đất nông nghiệp dẫn đến tình trạng thu hồi đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp đang ở mức báo động.
Riêng tại tỉnh An Giang, mặc dù là địa phương có sản lượng lúa cao nhất cả nước nhưng số hộ có diện tích đất dưới 1 ha chiếm tỷ lệ khá cao, các hộ có quy mô diện tích sản xuất lớn phải sử dụng rất nhiều giấy chứng nhận với nhiều tên khác nhau và chịu nhiều thiệt thòi trong quan hệ tín dụng, nhiều trường hợp người sang nhượng bội tín, xảy ra tranh chấp. Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Hiện nay, mới đầu năm 2009 nhưng nhiều hộ nông dân đã hết hạn sử dụng đất theo thời hạn 20 năm, Ngân hàng Nông nghiệp không giải quyết cho vay vốn tín dụng với lý do cần phải đợi cấp giấy mới. Nếu cơ quan chức năng xử lý không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của nông dân”.
Tích tụ ruộng đất là tất yếu
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khái, chủ trang trại ở Bình Dương, đề xuất: “Tôi đề nghị bỏ 2 quy định gây khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp hiện nay là hạn điền và thời hạn sản xuất. Nông dân nếu có khả năng thì cứ việc cho họ mở rộng diện tích sản xuất, nếu làm không hiệu quả thì Nhà nước thu hồi lại. Dĩ nhiên là cần phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh các hành vi lợi dụng vào mục đích khác”. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh An Giang góp ý: “Về chính sách đất đai, đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ nâng mức hạn điền đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản từ 3 ha lên 5 ha và nâng hạn mức nhận chuyển nhượng từ 6 ha lên 10 ha, tạo điều kiện cho nông dân phát triển hàng hóa sản xuất theo quy mô trang trại. Thực hiện giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Về chính sách thu hồi đất, đề nghị Chính phủ tăng mức thời gian hỗ trợ đời sống nông dân bị thu hồi đất gấp đôi thời hạn hỗ trợ hiện tại”.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết: “Nông nghiệp VN là một nền nông nghiệp hàng hóa, chính vì vậy tích tụ ruộng đất là việc làm tất yếu. Tích tụ ruộng đất vào tay từng hộ nông dân hay là tổ chức tập thể của nông dân hay là vào tay doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp? Có 3 hướng như thế để cơ cấu lại lao động nông thôn. Luật sẽ nới rộng hạn điền để tích tụ ruộng đất. Hoặc đưa ra chính sách để nông dân hợp tác với nhau, đó là hướng tích tụ mà nông dân không bị mất đất, chứ không phải là ép người nông dân bán đất để bần cùng hóa họ đi. Đã nói đến nông dân là nói đến đất đai, làm sao cho người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của họ. Đó mới chính là hướng đi của chúng ta. Luật sửa đổi sẽ khẳng định rõ hơn quyền sử dụng đất của người dân để họ có thể yên tâm canh tác lâu dài hơn, khuyến khích họ có thể tham gia vào các tổ chức kinh tế trên chính mảnh đất của họ. Nếu họ có khả năng, có điều kiện, có nhu cầu cần một diện tích đất lớn hơn thì có thể thực hiện thuận lợi hơn bây giờ”.
Một số đề xuất sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến nông nghiệp
Có chính sách giá đất hợp lý (tăng giá thu hồi đất lúa gấp 2-4 lần giá thị trường, giá đất nông nghiệp khác gấp 1,5-2 lần giá thị trường). Có chính sách hỗ trợ người trồng lúa có thu nhập tương đương với những người sản xuất ngành nghề khác. Việc thu hồi đất lúa phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bổ sung quy định về đất cho phát triển cụm công nghiệp và làng nghề nông thôn để có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào làng nghề, tạo việc làm cho nông dân. Công nhận quyền sử dụng đất được vận hành theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Ban hành chính sách định giá bảo đảm hài hòa quyền lợi của người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước trong quá trình giải tỏa, thu hồi đất. Có chính sách giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, việc làm cho người bị thu hồi đất. Tăng thời hạn cho thuê đất sản xuất nông nghiệp từ 50-70 năm hoặc giao đất lâu dài... |