Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN Nhà nước: Muốn "chủ đạo" phải tạo áp lực cạnh tranh
24 | 03 | 2009
“Chúng ta chưa có những công ty cạnh tranh mạnh trên thế giới, nguyên nhân trước hết là do các doanh nghiệp Nhà nước dần dần phát triển thành các tập đoàn kinh tế. Trong các doanh nghiệp Nhà nước thành viên trong cùng một tập đoàn làm thành độc quyền, chứ không bổ sung cho nhau.” - Giáo sư Trần Văn Thọ.
Đặt mục tiêu giảm bớt nhập khẩu từ Trung Quốc

GS Trần Văn Thọ: Vừa rồi, khi ôn lại 20 năm đổi mới, tôi đã quên một chuyện. Đó là trong quá trình hối hả phát triển, hiệu suất của nền kinh tế kém đi, mà nguyên nhân chính là do đầu tư tràn lan, nhiều trường hợp không tính đến hiệu quả đầu tư. Đầu tư làm tăng GDP, nhưng hiệu quả của đồng vốn đầu tư kém, ảnh hưởng đến hiệu suất của nền kinh tế.

Nhà nước đang lập chiến lược phát triển đến 2020. Ngoài những mục tiêu tôi đề nghị trong phần trước, cũng nên đặt vấn đề tăng hiệu suất thành một trong những mục tiêu lớn.

Phải nghiên cứu cụ thể xem nền kinh tế của mình đang không có hiệu suất ở những lĩnh vực nào. Tình trạng kém hiệu suất trong đầu tư hạ tầng đã quá rõ, thể hiện ở việc đổ rất nhiều tiền đầu tư xây dựng hàng loạt bến cảng, sân bay, đường sá nhưng sau đó không hoặc ít dùng đến. Cần nghiên cứu xem tại sao có hiện tượng này, xét xem quy trình quyết định các dự án đầu tư lớn trong hạ tầng đã có vấn đề gì.

Hiệu suất phát triển còn liên quan đến hệ thống quản lý hành chính vì ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhìn chung, trong khoảng 10 năm qua vấn đề này đã được cải thiện một bước nhưng so với các nước chung quanh môi trường kinh doanh ở VN còn gây nhiều phí tổn hành chính cho hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu có hiệu suất dĩ nhiên năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất ra sẽ mạnh hơn. Hiện nay chúng ta đang nhập siêu nhiều, trong đó 70% từ Trung Quốc (TQ). Một trong những mục tiêu cần đặt ra cho 10 năm tới là phải thay thế được phần lớn hàng đang nhập khẩu từ TQ. Hiện nay hàng hóa VN xuất sang TQ chủ yếu là nguyên liệu thô và nông lâm thủy sản, trong khi hàng công nghiệp của TQ ào ạt đổ sang thị trường nước ta. Nếu muốn giảm nhập siêu, hàng của VN trước hết phải cạnh tranh được với hàng TQ, rồi từ đó sẽ lần lượt cạnh tranh được với hàng của những nước khác.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Giảm bớt nhập khẩu, trước hết phải giảm bớt nhập khẩu từ TQ là rất đúng, tôi hoàn toàn đồng ý.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi thị trường trong nước và ngoài nước thông nhau, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã được giảm thiểu hoặc bãi bỏ, thì xuất khẩu hay nhập khẩu không khác nhau. Khi cạnh tranh được ở thị trường trong nước thì sẽ cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Thế nên người ta đã bắt đầu chuyển sang một mô hình phát triển mới, không phải thay thế nhập khẩu hay xuất khẩu mà là phát triển trên cơ sở nâng cao sức cạnh tranh. Khi đã xuất khẩu được thì cũng sẽ hạn chế được nhập khẩu những mặt hàng đó.

Không hiệu quả thì “chủ đạo” chỉ là khẩu hiệu

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã nói nhiều về năng lực cạnh tranh nhưng dường như đó là chuyện xa vời. Trên sân chơi thế giới, vẫn chưa thấy bóng dáng doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu và uy tín cao. Các nguồn lực quốc gia vẫn chủ yếu do doanh nghiệp Nhà nước sở hữu, nhưng hiệu quả sử dụng nguồn lực, sự khẳng định vị trí trên thị trường toàn cầu thế nào? Vậy năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ nằm ở đâu?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Trước hết phải đặt họ vào môi trường cạnh tranh, buộc họ phải cạnh tranh, không cạnh tranh sẽ bị đào thải.

Nhân đây tôi cũng xin nói một xu hướng gần đây, nhiều người, đặc biệt là nhóm Harvard đề cập nhiều về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo nghĩa phủ định. Theo tôi, đặt vấn đề như vậy là chưa chính xác.

Có hai lý do: Thứ nhất, DNNN đang chiếm một tỉ trọng lớn trong nền kinh tế và là một thực tế được tạo lập bởi lịch sử phát triển của Việt Nam, không dễ gì thay thế được.

Thứ hai, không phải xóa bỏ nó mà phải làm cho nó hiệu quả hơn. Ngay ở các nước phương Tây, ban đầu người ta cũng có các DNNN và họ phải tạo lập môi trường cạnh tranh để cho DNNN có hiệu quả. Đó chính là thái độ chúng ta cần có. Đây cũng không phải ý kiến cá nhân tôi, mà nhiều nhà kinh tế phương Tây, như ông Michael Porter cũng nhận định như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có lẽ cần phải làm rõ thêm mệnh đề mà chúng ta hay nói “doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo” – chủ đạo ở đây nên được hiểu theo nghĩa là trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, họ vẫn mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh cao chứ không phải chủ đạo là nhà nước phải bảo trợ, hà hơi tiếp sức?

       Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Muốn chủ đạo thì phải có hiệu quả, có hiệu quả mới tích lũy và phát triển được, mới tái sản xuất mở rộng với tốc độ cao. Nếu không có hiệu quả thì “chủ đạo” chỉ là khẩu hiệu. Mấu chốt nhất là nâng cao hiệu quả của DNNN. Trong đó, việc đầu tiên là phải đặt họ vào môi trường cạnh tranh, buộc họ phải cạnh tranh.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông chúng ta đã tạo ra được điều đó chưa?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Chưa, chúng ta chưa tạo ra được điều đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy phải bắt đầu bằng công việc gì để tạo ra điều đó?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Có 4 khung lớn. 2 điểm tôi không cho vào khung vì đó là chiến lược phát triển vùng và chuyên ngành. Vùng là các vùng có khả năng hội tụ và lan tỏa nhanh. Còn ngành là tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Vì chúng ta không thể nào phát triển trọn một sản phẩm mà chỉ có thể chọn những chi tiết nào, cụm chi tiết nào mà ở đó có lợi thế so sánh, để tham gia vào công đoạn. Không ai có thể làm cả cái ôtô từ A đến Z được.

Trong bối cảnh quốc tế hóa quá trình sản xuất sâu sắc thế này, rất khó có khả năng VN làm được cả cái ôtô. Ví dụ, Việt Nam có thể nghĩ đến việc sau này sẽ tham gia sản xuất Boeing. Nhưng nếu được, thì cũng chỉ có thể tham gia sản xuất một chi tiết nào đấy, một bộ phận nào đấy thôi.

Tập đoàn kiểu VN: "Mỗi anh chiếm trọn cả ngành"

Giáo sư Trần Văn Thọ: Tôi cũng đồng ý với ông Tuyển, và xin bổ sung thêm:

Sở dĩ chúng ta chưa có những công ty cạnh tranh mạnh trên thế giới, tôi nghĩ là có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, các DNNN dần dần phát triển thành các tập đoàn kinh tế, trong các DNNN thành viên trong cùng một tập đoàn làm thành độc quyền, chứ không bổ sung cho nhau. Ví dụ như trước đây ở Hàn Quốc hay ở Nhật có những tập đoàn kinh tế, nhưng trong nội bộ tập đoàn có sự bổ sung cho nhau và giữa các tập đoàn có sự cạnh tranh với nhau.

Các công ty đóng tàu làm thành một tập đoàn.
Mỗi tập đoàn chiếm gần trọn cả ngành. Ảnh: VNN


Ở VN thì khác. Ví dụ tất cả các công ty đóng tàu làm thành một tập đoàn, hầu hết ngành nào cũng vậy, mỗi tập đoàn chiếm hết ngành. Họ độc quyền được, dẫn đến thiếu cạnh tranh và không có sức vươn lên, rồi lại được Chính phủ bảo hộ.

Đáng lẽ, trong tập đoàn có các công ty thương mại, công ty sản xuất, công ty tiếp thị ra nước ngoài, công ty nghiên cứu triển khai, các công ty này bổ sung cho nhau, nếu mạnh thì tập đoàn sẽ mạnh lên. Bên ngoài thì tập đoàn A với tập đoàn B cạnh tranh nhau.

Còn về các công ty tư nhân. Cho đến năm 2000 Luật Doanh nghiệp mới thông thoáng. Trước đây doanh nghiệp tư nhân không được tự do phát triển, từ lúc triển khai luật đến nay chưa đến 9 năm, lịch sử còn quá ngắn. Đó là chưa kể một số hiện tượng doanh nghiệp phất lên, giàu nhanh lại chi tiêu vào những vấn đề không chính đáng. Thay vì để tiền đó đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu hay chiêu mộ nhân tài cho công ty phát triển thêm, họ lại ăn tiêu xa xỉ, có những hành động không hợp với xã hội VN. Điều đó cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu chuyện này đã được nói rất nhiều nhưng vẫn chưa thấy hồi kết. Ông Tuyển là người gần gũi với doanh nghiệp trong quản lý nhà nước lâu nay, và bây giờ vẫn đang tiếp tục tư vấn cho Chính phủ. Theo ông, chúng ta phải làm gì, liệu có biện pháp nào, hành động nào, thậm chí từ một việc nhỏ nào đó để thay đổi hiện trạng này không?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đúng là việc này đã nói từ rất lâu rồi. Nhưng tôi tin rằng tới đây chúng ta sẽ không để quá lâu như vậy nữa, vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, chúng ta có nghị quyết Hội nghị TƯ 6 về hình thành đồng bộ kinh tế thị trường và chúng ta phải hiểu rằng đồng bộ kinh tế thị trường phải gắn với việc tạo lập môi trường cạnh tranh. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở cụm từ “kinh tế thị trường” chung chung mà không gắn với việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng về kinh tế thì chúng ta vẫn không thể nào có được kinh tế thị trường đầy đủ.

Thứ hai, chúng ta vận động, nghĩa là thuyết phục các nước là chúng ta có nền kinh tế thị trường, để họ công nhận theo các tiêu chí. Bản thân việc công nhận kinh tế thị trường là một vấn đề mang tính chính trị, chứ không phải hoàn toàn kinh tế. Kinh tế thị trường là vấn đề kinh tế, nhưng để được công nhận kinh tế thị trường thì lại có tính chính trị lồng vào. Nhưng dù sao các tiêu chí vẫn mang tính kinh tế. Đây cũng sẽ là một sức ép.

Thứ ba, báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với QH cũng nói phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu nhờ các yếu tố đầu vào sang một mô hình tăng trưởng chủ yếu nâng cao tỉ trọng của nhân tố mang tính chất tổng hợp như chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản lý và công nghệ để mà cải thiện hiệu quả tăng trưởng. Đây là vấn đề rất lớn đối với chúng ta. Như vậy cũng liên quan đến việc cạnh tranh.

Lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ

                                             Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:
Các nghị quyết khi đưa ra đều thể hiện sự quyết tâm cao. Nhưng thực tế những nghị quyết đó đi vào cuộc sống và được hiện thực hóa như thế nào, tác động đến cuộc sống ra sao, thì chúng ta gần như chưa kiểm điểm đến nơi đến chốn. Nhiều người quan ngại liệu có hay không những nhóm lợi ích tìm cách trì hoãn, khiến bước đi của chúng ta trở nên chậm chạp. Nhiều người nói vui rằng, chúng ta đang đi với tốc độ trườn như của con rắn chứ không phải đang chạy. Phải chăng, họ quá bi quan?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Báo chí cũng đã nói khá sớm đến vấn đề lợi ích nhóm, tôi cũng đọc những bài như thế. Và gần đây người ta cũng nói đến tư duy nhiệm kỳ. Để giải quyết việc này phải khắc phục hai điều đó.

Lợi ích nhóm tôi nghe nhiều nhưng chưa dám khẳng định. Nhưng tư duy nhiệm kỳ theo tôi là có, không chỉ ở cấp trên mà cả ở cấp dưới. Nghĩa là lo thế nào để cho tròn trĩnh nhiệm kỳ của mình chứ chưa thấy người đứng đầu nào dám nói chấp nhận tốc độ tăng trưởng không cao trong nhiệm kỳ của mình để tạo ra những tiền đề cho tăng trưởng bền vững của đất nước hay của địa phương.

Ai chẳng muốn tốc độ tăng trưởng cao, nhưng quan trọng là tốc độ tăng trưởng bền vững. Khi tôi còn làm Bí thư Nghệ An, tôi quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp và nông thôn. Và có lẽ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở Nghệ An có nhiều thành tựu hơn so với các lĩnh vực khác. Vì đấy là bảo đảm phát triển bền vững, vừa giải quyết trước mắt, vừa giải quyết lâu dài.

Vẫn chuyện khi tôi ở Nghệ An, tôi vừa phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng 10% chẳng hạn, nhưng đồng thời tôi cũng rất quan tâm phát triển nhân tài trong tỉnh. Ví dụ, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm với dân, chú ý phát triển nông nghiệp nông thôn. Lĩnh vực này thì tôi thành công hơn trong lĩnh vực công nghiệp, vì công nghiệp không dễ làm trong điều kiện một tỉnh nghèo như Nghệ An. Lĩnh vực có khả năng khai thác và đảm bảo tăng trưởng bền vững ở Nghệ An chính là nông nghiệp.

Từ những trải nghiệm đó, tôi cho nếu có một đồng chí nào dù là đứng đầu ở địa phương hay TƯ dám nói: Có thể chấp nhận trong nhiệm kỳ của tôi tăng trưởng không cao nhưng chất lượng tốt và tạo ra cơ sở bền vững cho tăng trưởng dài hạn, thì sẽ rất được hoan nghênh. Và chúng ta nên lấy tiêu chí đó để đánh giá nhiều hơn là tốc độ bao nhiêu.

Nhà nước hỗ trợ phải dựa trên thành quả phát triển của DN

Giáo sư Trần Văn Thọ: Tôi cũng đồng ý với quan điểm này. Theo tôi, để tăng năng lực cạnh tranh, cần chia ra: trong ngắn hạn cần làm gì, trong dài hạn cần làm gì.

Trong ngắn hạn tôi thấy có mấy vấn đề là: rà soát lại những thứ mà tôi gọi là phí tổn hành chính. Qua mấy lần cải cách hành chính, nhiều lần sửa Luật Doanh nghiệp, nhưng vẫn còn những ách tắc về vấn đề hành chính, thủ tục khiến doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Bây giờ vấn đề đó phải giải quyết triệt để.

Để tăng năng lực cạnh tranh
cần chia ra: ngắn hạn và dài hạn. Ảnh: bacninh.gov.vn

Thứ hai, giờ chúng ta đã vào WTO, ký các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước. Trong những khuôn khổ đó, vai trò của Nhà nước sẽ bị giới hạn. Nhưng có lộ trình, trong thời gian này, Nhà nước vẫn có thể can thiệp về thuế khóa, tín dụng để yểm trợ doanh nghiệp, nên những gì nhà nước có thể làm được thì phải phát huy nhanh. Nếu không làm chỉ còn mấy năm nữa là đến giai đoạn Nhà nước không thể nào can thiệp để giúp cho doanh nghiệp trong nước được nữa. Phải khẩn trương làm ngay. Vừa rồi tôi có nói đến sự can thiệp khôn ngoan của Nhà nước bằng chính sách công nghiệp. Phải tranh thủ làm ngay.

Thứ ba, trong việc giúp doanh nghiệp phải đặt vấn đề “thành quả phát triển của doanh nghiệp”, tức phải có điều kiện. Doanh nghiệp muốn được hưởng các ưu đãi về thuế hay tín dụng của Nhà nước phải phát triển có hiệu suất và cạnh tranh được.

Ví dụ chỉ tiêu về xuất khẩu, tăng được xuất khẩu, mở thêm được thị trường mới được tiếp tục hưởng các ưu đãi. Nghĩa là gắn kết những ưu đãi của Nhà nước vào thành quả phát triển của mỗi doanh nghiệp, để doanh nghiệp không ỷ lại. Nếu không có thành quả, kết quả tốt thì không nhận được ưu đãi nữa, chứ không phải các doanh nghiệp có lợi ích tập đoàn cứ móc ngoặc với quan chức Nhà nước để nhận ưu đãi mãi mãi. Phải tránh cái đó.



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường