Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bài học chủ động trong hội nhập
01 | 12 | 2008
Khó khăn tạo áp lực và cũng chính là thời cơ để các doanh nghiệp tự đổi mới mình với tốc độ nhanh hơn.

Hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang lại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, bài học về chủ động hội nhập để nắm bắt tốt nhất cơ hội và hạn chế thách thức từ WTO được nhiều DN quan tâm.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, là 1 trong 2 ngành xuất khẩu lớn nhất nước, việc gia nhập WTO là thời cơ, bước chuyển biến trong hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may.

Chỉ riêng trong năm 2007, 1 năm sau khi gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành đạt 34,7%. Nhưng bên cạnh đó là không ít thách thức phải đổi mới, hoàn thiện hệ thống thông tin nội bộ của doanh nghiệp (DN) theo chuẩn mực quốc tế; Việt Nam trở thành đối thủ ngày càng mạnh trên thế giới khiến các nhà xuất khẩu dệt may thế giới quan ngại hơn; thị trường mở ra nhưng khả năng nội lực có đáp ứng được không và đến mức nào?

Ông Lưu Văn Hải, TGĐ Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Kỹ nghệ và xây dựng Việt Nam (Tecom Vina) cũng cho biết, WTO mang đến cho các DN trong nước những cơ hội như: thị trường được mở rộng; khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế của các DN được mở rộng; qua cọ sát, năng lực cạnh tranh của DN tăng lên; có cơ hội quảng bá thương hiệu nhiều hơn…

Đồng hành với đó là không ít thách thức như: trong sân chơi có thêm nhiều người chơi mới rất có đẳng cấp, sẽ tạo sức cạnh tranh khốc liệt hơn. khả năng bị tiêu diệt và thôn tính của các DN trong nước cao. Thứ nữa là DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam trong khi khả năng hạ tầng về nhân lực không đáp ứng được, dẫn đến sự cạnh tranh về nhân lực sẽ khốc liệt, DN trong nước có nguy cơ chảy máu chất xám.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, hạn chế thách thức, ông Trường cho biết, ngành dệt may đã tuyên truyền đầy đủ về lợi ích và thách thức khi gia nhập, trong đó đề cập chủ yếu đến giám sát, cam kết, yêu cầu của thành viên WTO đối với một DN sản xuất dệt may tới tất cả các thành viên của ngành. Ngay trong thời gian đầu gia nhập, những khóa hội thảo, tuyên truyền, tập huấn, bài học kinh nghiệm liên tục được ngành tổ chức để các thành viên có kinh nghiệm hội nhập tốt hơn. Công tác tính toán giá thành được ngành đặc biệt quan tâm, vì một trong những điểm cơ bản của thành viên WTO đối với ngành dệt may là chống bán phá giá. Muốn tránh việc này phải có hệ thống theo dõi, tính toán giá thành minh bạch.

Là DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực cung ứng hạ tầng cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Hải cho biết, vấn đề đầu tiên DN ông thực hiện là cải thiện năng lực quản lý, nhân sự. Tiếp đến là có chiến lược kinh doanh cụ thể, khả thi, phải xây dựng thương hiệu, có chính sách vĩ mô dài hạn để thích ứng với những thay đổi liên tục của thị trường trong môi trường mới.

Chọn phân đoạn thị trường để tránh bị đồng hóa và có giải pháp vượt trội về vốn và công nghệ được ông Hải cho là đặc biệt quan trọng để có thể hội nhập thành công. Còn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, các DN phải đào tạo nguồn nhân lực cho mạnh hơn. Thành lập các CLB DN và khai thác lợi ích của các CLB này là vấn đề cần quan tâm. Giữa các DN cũng phải có sự liên kết chặt chẽ hơn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau - đây là vấn đề hiện các DN Việt Nam còn yếu.

Khó khăn là môi trường rèn luyện

Ông Lưu Văn Hải cho rằng, từ đầu năm đến nay, DN phải hứng chịu 3 cú đánh mạnh liên tiếp: Lạm phát cao; lãi suất cao; khủng hoảng toàn cầu, thị trường bị thu hẹp lại. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để thanh lọc thị trường, buộc DN phải liên tục đổi mới mình, nhất là những DN yếu kém.

Ông Trường cũng cho rằng, khó khăn chính là thời cơ để các DN làm tốt mình hơn. Áp lực khó khăn buộc DN phải tự đổi mới mình với tốc độ nhanh hơn. 8 tháng vừa qua, riêng lĩnh vực dệt may, tốc độ cải thiện về năng suất và tiết kiệm nhanh hơn cả 5 năm qua. Trong khó khăn xuất hiện nhiều ý tưởng và giải pháp hơn. DN nào vượt qua được thời điểm khó khăn thì sẽ có bước tiến mới về quản lý. Đặc biệt, trong khó khăn, sự liên kết trở thành một xu thế tất yếu.



Nguồn: vovnews
Báo cáo phân tích thị trường