Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội nhập và những góc nhìn mới
14 | 07 | 2008
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Xác định rõ toạ độ, chỗ đứng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay mới có thể hội nhập tốt”.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không phải là điểm bắt đầu và kết thúc của quá trình hội nhập của Việt Nam. Khó có thể đánh giá chỉ bằng những con số thống kê về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam trong một năm rưỡi qua, song ai cũng cảm nhận được thời cơ và những hiệu ứng mà hội nhập và WTO trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại.

“Điểm sáng trên bản đồ đầu tư thế giới”

Phát biểu tại cuộc hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm đàm phán gia nhập và thực thi cam kết WTO” do Quỹ Hanns Seidel Foundation và Bộ Ngoại giao vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu tham dự gồm chuyên gia đến từ ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam và đại diện một số tổ chức quốc tế ở Hà Nội đều khẳng định, gia nhập WTO đã đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Ông Holger Seuberg, Đại biện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng gia nhập WTO đã giúp Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ đầu tư thế giới và Việt Nam đã có bước tiến rất lớn trong hơn một năm là thành viên của tổ chức thương mại toàn cầu này. Ngoài những kết quả về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư, cũng theo ông Holger Seuberg, việc gia nhập WTO còn mang lại lợi ích dài hạn đối với Việt Nam và điều này cũng phụ thuộc vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam. Trong đó, điều quan trọng hơn là tốc độ cải cách thế chế của Việt Nam cần được duy trì, bởi “không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo dõi quá trình thực hiện các cam kết này mà thế giới cũng đang hết sức quan tâm”, ông Holger Seuberg nói.

Cụ thể hơn, Tiến sĩ Hans Zehetmair, Chủ tịch Quỹ Hanns Seidel- đơn vị đồng tổ chức hội thảo dẫn các con số cho thấy, sau một năm rưỡi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng tới 8,5% trong năm 2007 và đứng thứ 2 trên thế giới; đầu tư cũng thu hút được con số khổng lồ, tương đương với 5 năm trước đó cộng lại, xuất khẩu tăng trưởng 20%... Những thành tựu đó đã tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực của nền kinh tế để đáp ứng được những thách thức mới.

Người đứng đầu Quỹ Hanns Seidel nhận định rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam còn vấp phải những thách thức như lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng, song “khó khăn của Việt Nam hiện nay, cũng như các nước đang phát triển khác, đã không làm mờ nhạt đi những chỉ số cơ bản của nền kinh tế, đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” và “những can thiệp của Chính phủ, đặc biệt trong phát triển nông thôn, nông nghiệp sẽ có vai trò quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình hội nhập”.

Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã tổng kết và cho thấy, 1,5 năm qua đã để lại cho Việt Nam những dấu ấn đáng ghi nhớ. Qua đó có thể rút ra nhiều bài học quan trọng. Trong đó, sự kết hợp thực thi cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, việc gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam và qua đó thúc đẩy đầu tư (nhất là FDI), kinh doanh phát triển.

Bên cạnh những lợi thế, việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững.

Ngoài những “nút thắt cổ chai” cơ bản gồm bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hai rủi ro là bất ổn kinh tế vĩ mô và gắn kết xã hội yếu đi. Lạm phát cao, nhập siêu lớn và sự xuất hiện những dấu hiệu dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính- ngân hàng là bài toán đa diện phức tạp mà Việt Nam đang phải đối phó trong năm 2008.

“Xác định rõ toạ độ mới có thể hội nhập tốt”

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức là 2 xu hướng đang làm thay đổi mạnh mẽ logic về công nghiệp hoá hiện đại. Kinh tế thế giới sẽ vận hành theo hướng bất định, khó dự báo, với những nguy cơ mất an toàn hệ thống và những cuộc cạnh tranh khốc liệt chủ yếu dựa trên tri thức và công nghệ cao.

Cùng chung nhận định này, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cảnh báo, những biến đổi ngày nay diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, nếu không có những bước đi phù hợp sẽ dễ dẫn đến sai lầm.

Theo ông Jonathan Pincus, toàn cầu hoá đã phân chia quy trình sản xuất thành nhiều công đoạn riêng biệt tại các khu vực cách xa nhau. Quá trình này mang đến nhiều cơ hội song cũng tạo ra nhiều cạnh tranh hơn tại mỗi công đoạn của chuỗi giá trị. Để tăng khả năng cạnh tranh, các công ty toàn cầu khổng lồ đang đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) với tỉ lệ chưa từng có từ trước đến nay. Chi phí cho R&D từ năm 2000-2005 tăng hàng năm 23%. "Sáng tạo đã trở thành vũ khí cạnh tranh được ưa chuộng. Thất bại trong việc duy trì cuộc đua này là nguy cơ đe doạ sự tồn tại của doanh nghiệp".

Tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra một “nguyên tắc tiếp cận hội nhập”. Theo đó, Việt Nam cần nhận thức rõ muốn hội nhập vào thế giới nào và định sẽ làm gì trong thế giới đó. Cần xác định rõ toạ độ, chỗ đứng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay mới có thể hội nhập tốt. Với hoàn cảnh gia nhập WTO muộn, kinh tế và điều kiện gia nhập khó khăn hơn, để có thể hội nhập sâu rộng, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ rượt đuổi truyền thống (dựa vào khai thác tài nguyên, hướng nội, dựa chủ yếu vào vốn, kinh tế nhà nước, ưu tiên tốc độ tăng GDP) sang rượt đuổi hiện đại (dựa vào lao động và công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực tư nhân và FDI, định hướng chất lượng và sức cạnh tranh).

Hay nói như ông Holger Seuberg, Đại biện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam“gia nhập WTO không có nghĩa là nền kinh tế sẽ có sự bùng nổ ngay lập tức nhưng sẽ tạo ra nhiều cơ hội, và điều quan trọng là Việt Nam có nắm bắt được cơ hội đó hay không”.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường