Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiền có mọc ở trên cây?
29 | 04 | 2008
Agroinfo - Đó là chủ đề của Café khoa học do Hội đồng Anh phối hợp với Tạp Chí Tia sáng tổ chức hôm 24/4/2008, trong khuôn khổ Tuần lễ Rừng Châu Á Thái Bình Dương. Ở đây mọi người có dịp đối thoại trực tiếp với các “đại gia hiểu biết ” về rừng như: Nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Võ Quý, TS. Đặng Kim Sơn, GS. Nguyễn Ngọc Lung.
Nhà văn Nguyên Ngọc

TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

GS.Võ Quý

GS.Nguyễn Ngọc Lung, Nguyên Cục trưởng Cục lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT



Nếu như năm 1945, diện tích rừng của Việt Nam là 14 triệu ha, bằng 50% diện tích đất liền, có độ che phủ rừng là 43%, thì đến năm 1995, diện tích rừng của Việt Nam còn có 9 triệu ha, với độ che phủ 28%, trung bình mỗi năm diện tích rừng giảm 100.000 ha, và chỉ còn bằng khoảng ¼ diện tích đất liền. Cho đến nay, Tây Nguyên không còn những cánh rừng đại ngàn của những năm 1975. Diện tích rừng “tốt” : rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới, đang mất dần. Đây là tổn thất vô cùng lớn bởi chức năng của rừng nguyên sinh cực kỳ lớn, mà không một cánh rừng trồng nào có thể đuổi kịp. Bởi lẽ, khả năng sản sinh chất hữu cơ, công suất hút CO2 và sản sinh O2 của rừng nhiệt đới cao gấp 30 lần so với rừng trồng! Và kết quả là, trong những năm gần đây, các hiện tượng bão, lũ, biến đổi khí hậu bất thường như rét đậm kéo dài, nóng nực và khan hiếm nước… diễn ra với tần suất ngày một nhiều hơn.

Cùng điểm lại trong quá khứ, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Năm 1954, 1 năm sau giải phóng miền Bắc, Nhà nước đã triển khai trồng rừng chống cát bay ở dọc các tỉnh miền Trung. Năm 1980, 5 năm sau giải phóng toàn đất nước, triển khai trồng phủ xanh khu vực đèo Hải Vân bằng rừng keo. Cách đây hơn 10 năm, từ năm 1992, Chương trình 327 của Chính phủ bắt đầu đi vào triển khai, cho đến năm 1997, có khoảng 2,5 triệu ha đất trống đồi trọc được phủ xanh. Đánh giá về kết quả của Chương trình 327 rất đa dạng, có quan điểm khen có, chê cũng có… Đến kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội nước khoá X, đã ban hành Nghị quyết 08/1997/QH10 về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng….

TS. Đặng Kim Sơn chia sẻ từ góc độ nhìn nhận khía cạnh kinh tế của rừng. Từ 2007, Việt Nam cùng hòa nhập với thế giới, thu nhập bình quân đầu người đang được cải thiện, nhưng vẫn còn tới 90% người nghèo của Việt Nam đang sống ở các vùng rừng, miền núi, đang gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện sống, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, khoa học công nghệ…. Trong khi phải đảm đương những trọng trách bảo vệ biên cương, biên giới của Tổ quốc. Vậy nhìn từ góc độ kinh tế, làm thế nào để chia sẻ lợi ích và khuyến khích người dân chủ động bảo vệ, phát triển, kinh doanh rừng. Đã đến lúc chính sách trồng và phát triển rừng cần được thay đổi về cách làm.

Trong phòng họp ấm cúng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, buổi Café Khoa học diễn ra sôi nổi và hòa nhập giữa nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học với khán thính giả, những người đang có một điểm chung, đó là mối quan tâm tới Rừng và đang thảo luận làm thế nào để bảo vệ và phát triển Rừng như một giải pháp giúp đối phó với tình hình biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của nó tới đời sống mọi cá nhân và gia đình trên mọi miền cả nước.


Liên hệ với người viết tin này:
Phạm Hoàng Ngân - phamhoangngan@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường