Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên nhân khủng hoảng lương thực châu Á
27 | 04 | 2008
Chính phủ các nước châu Á có vẻ như quá mải mê theo đuổi mục phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ mà bỏ quên đầu tư cho ngành nông nghiệp.
Dân số tăng nhanh và sự xao nhãng của các chính phủ đối với phát triển nông nghiệp khiến thực phẩm khan hiếm

Nhiều nơi tại châu Á, chính quyền địa phương đã không còn chú ý tới công tác tưới tiêu và nâng cao kỹ năng sản xuất cho người dân nhiều như trước. Khi khủng hoảng lương thực tại châu Á ngày càng tăng cao đe dọa gây ra bất ổn chính trị và xã hội, sự yếu kém trong công tác quản lý và phát triển ngành nông nghiệp của các nước châu Á ngày càng lộ rõ.

Nhiều thập kỷ qua chính phủ các nước châu Á đã khuyến khích phát triển lĩnh vực dịch vụ và xây dựng thật nhiều những nhà chọc trời mà dường như bỏ quên tăng năng suất nông nghiệp. Nguồn tài chính giành cho nông nghiệp không còn dồi dào như trước.

Sự thờ ơ của chính phủ các nước châu Á đối với lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính cho cái mà một số chuyên gia phân tích gọi là một “cơn bão” trên toàn cầu. Trong cơn bão đó, những vấn đề nổi cộm là giá dầu tăng kỷ lục, hạn hán tại Australia và thời tiết khắc nghiệt.

Ông Duncan Macintosh, phát ngôn viên của Tổ chức nghiên cứu về gạo quốc tế trụ sở tại Laguna, Manila, Philippins nhận xét, các nước châu Á đã không nhìn nhận đủ về tầm quan trọng của nông nghiệp. Đối với họ có lẽ ngành nông nghiệp là lỗi thời, cái cần phát triển là công nghiệp và dịch vụ.

Philippin – tâm điểm của khủng hoảng lương thực

Phillippin là tâm điểm của cuộc khủng hoảng lương thực bởi nước này là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hàng năm nước này nhập khẩu khoảng 10 đến 15% lượng gạo tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên khi tình hình nguồn cung gạo hạn hẹp như hiện nay bởi nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam đều đã hạn chế xuất khẩu, Philippin đang trong thời kỳ hết sức khó khăn để có thể tìm được nguồn cung khoảng 1 triệu tấn.

Nước này đang mua gạo tại bất kỳ mức giá nào có thể, đây chính là một phần đẩy giá gạo thế giới tăng gấp đôi trong một năm qua. Tình hình thiếu lương thực rất cấp bách tại nước này đang gây nhiều áp lực đối với chính phủ.

Một câu hỏi lớn khiến nhiều người băn khoăn là: Tại sao Philippin và một số nước khác tại châu Á không thể sản xuất đủ gạo cho nhu cầu của chính nước họ?

Một số người đưa ra lý do rằng việc quản lý nền nông nghiệp tại những nước như Indonexia, Philippin và Malaysia hết sức nan giải bởi diện tích đất nông nghiệp không nằm tập trung mà rải rác trên nhiều hòn đảo. Việc sản xuất, vận chuyển gạo trở nên hết sức khó khăn.

Philippin có 4 triệu héc ta đất nông nghiệp, tuy nhiên 4 triệu hécta đó trải rộng trên khoảng rất nhiều hòn đảo. Nguồn nước nông nghiệp không sẵn có bởi nước này không có các vùng đồng bằng châu thổ ven sông. Việt Nam, Ấn Độ, và Campuchia có ưu thế về đồng bằng châu thổ ven sông nên việc sản xuất lúa gạo cũng như các loại lương thực khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Những yếu tố khác gây ra cuộc khủng hoảng gạo nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Philippin. Giá dầu tăng cao, giá phân bón, chi phí vận chuyển tăng, tình trạng sâu bệnh kéo dài đã khiến sản lượng gạo giảm đáng kể. Sự sụp đổ của lĩnh vực sản xuất gạo Australia đã khiến giá gạo tăng vọt.

Nguyên nhân khác gây ra khủng hoảng lương thực là nguồn tiền giành cho phát triển nông nghiệp tại châu Á đã giảm trong những năm gần đây. Trên thực tế, tuy nguồn tiền dành cho nông nghiệp tại châu Á tăng nhanh trong thập niên 1960, 1970 – thời kỳ của cuộc Cách Mạng Xanh. Nguồn tiền này đã giảm một nửa trong suốt những năm 1990.

Các nước châu Á đang biến đất nông nghiệp thành tòa nhà văn phòng và khu đô thị. Tại Philippin, một nửa đất nông nghiệp đã chuyển sang sử dụng cho mục đích công nghiệp và dịch vụ. Đúng là khi chuyển đổi mục đích sử dụng như vậy ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ có những bước tiến mới, song quỹ đất để sản xuất thực phẩm bị thu hẹp rất nhiều.

Nguồn nước, quỹ đất và nhân lực cho nông nghiệp ngày càng ít

Khi dân số tăng nhanh, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần thêm nhiều nước và quỹ đất. Dân số châu Á tăng với tốc độ 1%/năm, tuy nhiên châu Á cần phải bảo đảm được nguồn cung lương thực cho dân số tăng nhanh với quỹ đất và nguồn nước như cũ. Điều này đặt ra một thách thức trong lĩnh vực quản lý nông nghiệp, làm sao tăng năng suất với những điều kiện tự nhiên không thay đổi.

Dân số Philippin tăng 2%/năm từ năm 2000, một trong những tỷ lệ cao nhất châu Á, điều này khiến mức tiêu thụ gạo tăng vọt. Và trên khắp châu Á, tầng lớp trung lưu giàu có ngày càng tiêu thụ nhiều gạo và thịt. Việc sản xuất thịt cần nhiều nước, nhân lực và ngũ cốc, điều này khiến quỹ đất trồng lúa gạo tiếp tục bị thu hẹp.

Tuy nhiên các chính phủ châu Á lại không chú ý nhiều tới việc tăng năng suất lương thực khi dân số tăng bởi họ cho rằng họ có thể nhập khẩu được nhiều gạo hơn. Trữ lượng gạo cũng như ngũ cốc đang ở mức thấp nhất từ năm 1976, nguyên nhân trực tiếp do diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, quản lý chưa hiệu quả và thời tiết xấu.

Cuộc khủng hoảng nông nghiệp này cũng để lộ ra sự ảo tưởng về nguồn cung dồi dào. Đồng thời, việc hợp tác hiệu quả hơn giữa chính phủ các nước châu Á cũng sẽ có tác động tích cực để giải quyết khủng hoảng lương thực hiện nay.

Bởi trên thực tế, trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, thay vì hợp tác với nhau để cùng giải quyết vấn đề, các chính phủ châu Á ngay lập tức đã áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu. Điều này chỉ khiến cho giá gạo ngày càng tăng trên thị trường tự do.

Chính phủ Philippin mới đây đã đưa ra những biện pháp đúng hướng khi áp dụng chính sách hỗ trợ thị trường với nguồn cung gạo từ nhập khẩu, đồng thời kêu gọi hạn chế tiếp tục chuyển đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác. Theo phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc, những biện pháp mới của chính phủ nước này là hết sức hợp lý.

Đã đến lúc cần có một cuộc Cách Mạng Xanh

Khi tình hình khủng hoảng lương thực tăng cao, những nhà quan sát đều nhất trí rằng đã đến lúc châu Á cần một cuộc Cách Mạng Xanh như những năm 1960. Điều này sẽ giúp mức tăng năng suất trở lại ngưỡng 2 con số do đầu tư hiệu quả vào tưới tiêu và nghiên cứu phát triển nông nghiệp.

Chính phủ Philippin đã bắt đầu tiến hành những biện pháp đầy tính quyết đoán để giải quyết tình trạng thiếu lương thực. Tuần trước, thủ tướng Arroyo công bố đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất gạo. Tiền đầu tư sẽ giành cho việc sản xuất, đào tạo giúp đỡ nông dân về các biện pháp tưới tiêu nông nghiệp và vận chuyển sản phẩm.



Nguồn: Doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường