Người ta đồn ông chủ trang trại chơi ngông muốn lập một kỷ lục Guinness nào đó nên đã xây chuồng nuôi toàn những cóc, nhái, tắc kè, kỳ tôm, thằn lằn, rắn mối rồi cả bò cạp... Tưởng thú “chơi ngông” này ngày một, ngày hai rồi cũng như bong bóng xì hơi, nào ngờ trang trại của ông ngày một phình to ra...
Từ nuôi chơi đến xuất khẩu
Ông chủ trang trại ấy tên là Lê Kỳ Phùng, bước sang năm 2005 mới vừa tròn 46 tuổi. Ông vốn gốc người miền Tây Nam bộ lên Sài Gòn ăn học. Nghề nghiệp của ông cũng chẳng dính dáng gì đến ngành động vật học, thực vật học hay chăn nuôi trồng trọt gì cả. Bởi vậy, thấy ông tự dưng bỏ Sài Gòn đi xa hơn 50km lập trang trại nuôi bò sát ở tận xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai người ta càng thêu dệt nên nhiều chuyện. Có người bảo, ông đọc sách Guinness thế giới thấy có người lập kỷ lục sống chung 1 tuần liền với trên 2.000 con bò cạp nên nảy ý định phá kỷ lục này chơi. Cũng có người thực tế hơn đồn ông cố làm chuyện lạ để gây sự tò mò của du khách đến rồi hốt bạc (!).
“Thực ra ban đầu chỉ là chuyện tình cờ - ông Phùng tâm sự - Vào khoảng năm 1994, do có người bạn ở vùng này giới thiệu, tôi mua một mảnh vườn rộng 1,4ha với ý định trồng một số cây ăn trái, cây cảnh lâu lâu lên chơi đổi gió. Một lần đi qua chợ Cầu Mống ở TPHCM thấy người ta bán nhiều động vật hoang dã như kỳ tôm, thằn lằn núi, tắc kè, chàng hươu, nhái bầu..., tôi mua về khu vườn nuôi chơi. Ai dè nuôi được thời gian thấy chúng cũng sinh sôi nảy nở đâm ra mê...”.
Rồi cũng rất tình cờ, một lần có người quen làm ở Công ty XNK lâm nghiệp lên chơi thấy ông Phùng nuôi bò sát đã đặt mua với điều kiện phải có số lượng mỗi loại từ vài nghìn con trở lên. Bấy giờ ông mới tính chuyện xây chuồng trại nuôi theo kiểu công nghiệp. Nhưng bắt tay vào nuôi bài bản để có nhanh số lượng thì cái khó lại lòi ra: kỳ tôm, bò cạp... chết khá nhiều. Mỗi lần như vậy ông phải đập chuồng xây lại theo kiểu khác. Cứ mò mẫm mãi (vì trên thế giới chưa có sách vở, tài liệu nào hướng dẫn), cuối cùng ông cũng tìm ra được mỗi kiểu chuồng phù hợp cho từng loại bò sát khác nhau, trong đó có cây xanh thiên nhiên, đất, cát, hồ nước, ánh nắng...
Đến bây giờ thì trang trại đã có 3 dãy chuồng xây dựng ổn định, trong đó riêng kỳ tôm có 15 chuồng kinh doanh (mỗi chuồng 1.000 con), 15 chuồng sinh sản (mỗi chuồng 170 con); cóc, nhái: 15 chuồng; lưu điu chỉ: 2 chuồng; bò cạp: 2 chuồng (mỗi chuồng 1.000 con); rắn mối 1 chuồng... Doanh thu xuất khẩu của trang trại hiện đạt tới 1 triệu USD/năm, một con số thật ít ai ngờ tới.
Dự án du lịch xanh
Bẵng đi một thời gian, vào giữa tháng tư này tôi mới gặp lại Lê Kỳ Phùng, nhưng lần này ông không hẹn ở trang trại nuôi bò sát mà tại vùng đất mới cách đó 5km. Tại đây Lê Kỳ Phùng đang say sưa thực hiện một dự án mới với tầm quy mô rất lớn: Xây dựng Khu du lịch sinh thái Giang Điền có diện tích giai đoạn 1 rộng 67ha nằm tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cách TP Hồ Chí Minh chừng 50 km. Tôi hỏi vui: “Ông vua bò sát đã chán bò sát chuyển sang làm du lịch rồi sao?”. Ông Phùng cười: “Không có đâu, chính nhờ bò sát mà tôi mới phát triển được như hôm nay”. Rồi ông Phùng kể, nhờ xuất được bò sát, tôi có tiền mua thêm đất mở rộng trang trại lên trên 17ha. Nơi ấy bây giờ là “hậu cứ” của dự án này bởi ngoài nuôi bò sát còn có một vườn ươm cây cảnh với hàng trăm loại giống quý khác nhau dành cung cấp toàn bộ cho khu du lịch”.
Vừa kể, ông Phùng vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu du lịch sinh thái còn bề bộn các công trình xây dựng... Thấy tôi mải mê giơ máy hình bấm hết cảnh này sang cảnh khác xung quanh thác nước Giang Điền thơ mộng, ông Phùng hồ hởi nói: “Bây giờ cảnh đẹp và hấp dẫn thế đấy, song chỉ cách vài năm thôi, nơi đây là quả đồi cây cỏ mọc rậm rạp lút đầu người. Một vị lãnh đạo ở địa phương đã gợi ý nên đến nghiên cứu đầu tư làm một công trình gì đó ở cái thác nước này. Tới đây khảo sát, vượt qua tầng tầng cây cỏ hoang dã dày đặc, khi nhìn thấy con thác là tôi mê ngay. Song để có cái nhìn chắc chắn hơn, tôi đã mời Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, một người anh đồng hương đang công tác tận Hà Nội vào tư vấn.
Với con mắt nhà nghề, khi đến đây anh Trị chẳng những “OK” ngay mà còn đồng ý nhận thiết kế toàn bộ khu du lịch và hùn vốn cùng xây dựng...”. Bây giờ sau 3 năm khởi công, hình hài của khu du lịch sinh thái Giang Điền đã hiện khá rõ: Một con đường lát bằng đá chẻ tận dụng đá tại chỗ chạy dài cả cây số dọc theo dòng sông Buông uốn lượn. Từ cổng vào có hàng loạt công trình đã và đang mọc lên: Nhà điều hành, khu giải trí trong nhà, công viên nước, CLB thể thao, khu khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, hồ bơi... Xen kẽ các khu này là những vườn cây cảnh được trồng và chăm sóc công phu tạo cho cảnh quan hết sức thơ mộng. Phía bên kia dòng sông được nối bằng chiếc cầu treo vừa mới khánh thành là khu nghỉ dưỡng, cắm trại với những căn nhà lợp lá ẩn hiện trong rừng cây trái. Một điểm nhấn và sẽ rất hấp dẫn khách đến đây là hai bãi tắm sông bên cạnh thác nước Giang Điền cũng đang được khẩn trương thi công hoàn thành trong mùa khô này...
Tôi biết để tạo được hình hài một khu du lịch tầm cỡ như ngày hôm nay, sau 3 năm, vợ chồng ông Phùng và một số người bạn đã đổ vào đây tới 80 tỷ đồng. Song điều này không làm ông Phùng nản chí. Ông tâm sự: “Dự kiến đến 1-12-2005 khu du lịch này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đón những vị khách đầu tiên đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Song từ nay tới đó, công trình cần đầu tư thêm 20 tỷ đồng nữa. Có khó khăn về vốn, nhưng đổi lại chắc chắn chúng tôi sẽ tạo được một khu du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần làm cho quê hương đất nước mình đẹp hơn và người dân có thêm một địa chỉ đến vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả”.