Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đậu tương - Cây trồng vụ đông chủ lực của Hà Nội
04 | 10 | 2008
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, vụ đông năm nay, toàn thành phố phấn đấu gieo trồng 70.600 ha rau màu các loại, chiếm 68% diện tích lúa vụ mùa, tăng gần 5.000 ha so với vụ đông năm 2007. Trong đó diện tích đậu tương là 33.965 ha tăng 13% so với vụ trước, năng suất dự kiến: 15 tạ/ha, sản lượng: 50.947 tấn; giá trị sản xuất vụ đông 2008 phấn đấu đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, cây đậu tương đã trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông, chiếm tới 48,11% diện tích cây vụ đông toàn thành phố. Nhiều huyện có diện tích cây đậu tương chiếm trên 80% diện tích cây vụ đông của huyện như Ứng Hoà (91,67%), Phú Xuyên (87,78%), Mỹ Đức (86,3%)…

Sở dĩ trong những năm qua, cây đậu tương đã được bà con nông dân Hà Nội lựa chọn đưa vào sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, đặc biệt có hàng trăm hộ nông dân trồng đậu tương đông với diện tích từ vài ha lên tới hàng trăm ha, là do bà con đã biết áp dụng những TBKT vào trong gieo trồng đậu tương như biện pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất, sử dụng máy gieo đậu tương: mỗi ngày 2 người có thể gieo được 3 - 4 ha, sử dụng các giống ngắn ngày và trung ngày như: DT84, DT96, ĐT12, DT2000, ĐVN5, ĐVN6… giúp tranh thủ được thời vụ, tiết kiệm đáng kể chi phí công lao động, góp phần mở rộng diện tích và cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đỗ Công Chiến, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên - một người gắn bó với cây đậu tương đã lâu, phấn khởi cho chúng tôi biết: Vụ đông năm 2007, ông trồng 1 mẫu đậu tương, với năng suất đạt 80kg/sào, sản lượng thu về là 8 tạ đậu tương. Thương lái đến tận nhà thu mua với giá 10.000 đ/kg và ông đã thu được 8 triệu đồng. Trừ mọi chi phí ông cũng lãi được hơn 5 triệu, lại nhàn hơn nhiều so với trồng lúa. Nếu tính 1 ha đất ruộng trồng đậu tương sau gần 3 tháng sẽ cho lãi khoảng 13 - 14 triệu đồng. Có thể nói cây đậu tương đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con.

Nếu trồng nhiều có thể làm giàu từ cây đậu tương. Qua tìm hiểu, bà con nông dân xã Nam Phong cho biết: trồng đậu tương đông trên đất 2 lúa là “kiểu làm chơi mà ăn thật”. Vì cây đậu tương không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít sâu bệnh, tốn ít phân bón, thuốc BVTV và thời gian sinh trưởng ngắn. Tính từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 80 - 90 ngày. Vả lại, cây đậu tương có vai trò cải tạo, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, những diện tích sau khi trồng đậu tương chuyển qua trồng lúa cho năng suất cao hơn. Chính vì những ưu điểm này nên diện tích cây đậu tương đông trên đất 2 lúa ngày càng nhân rộng ở huyện Phú Xuyên nói riêng và trên toàn thành phố Hà Nội nói chung.

Tuy nhiên, một số nơi bà con có nghề phụ, hoặc đi làm thuê ở thành phố nên đã bỏ ruộng không làm cây vụ đông. Để tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, đặc biệt là cây đậu tương đông. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí của thành phố, ngành nông nghiệp tích cực tuyên truyền, quảng bá các giống mới, các TBKT mới trong trồng và thâm canh đậu tương đông, thì các quận, huyện, các xã cần tích cực hơn nữa vận động bà con nông dân tham gia trồng đậu tương đông. Đặc biệt các xã cần có cơ chế tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu trồng với diện tích lớn được mượn đất hoặc thuê với giá thoả thuận. Đã có nhiều xã làm tốt việc này như Hồng Dương - Thanh Oai, Đại Hưng, Đốc Tín - Mỹ Đức...

Hiện nay vấn đề tiêu thụ đậu tương rất thuận lợi. Thị trường tiêu thụ đậu tương khá rộng mở, bởi những năm gần đây, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hàng tỷ đồng tiền đậu tương phục vụ cho việc chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc là người trồng đậu tương sẽ không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều bà con ở các quận, huyện của Hà Nội cho biết: vào mùa thu hoạch đậu tương, tư thương hối hả đến tận nhà thu mua, đậu tương thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó.

Để tăng sản lượng đậu tương sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu thì Hà Nội và các địa phương trong cả nước cần tiếp tục tuyên truyền vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trồng đậu tương, đặc biệt là đậu tương đông ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Đồng thời chuyển giao nhanh các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật mới, đưa cơ giới hoá vào các khâu gieo trồng và thu hoạch đậu tương nhằm giúp giảm chi phí, hạ giá thành để có thể cạnh tranh với đậu tương nhập khẩu.



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường