Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cá tra tăng trở lại: Người nuôi lẫn doanh nghiệp cùng... khó
17 | 09 | 2008
Giá thu mua cá tra ở ĐBSCL đang tăng đột biến. Chỉ trong 2 ngày, cái giá ổn định trong thời gian dài là 14.000 đồng/kg đã tăng lên 16.500-17.000 đồng. Theo dự báo, từ nay đến quý I-2009, nhiều khả năng giá cá tra sẽ tăng đến 19.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nữa. Tuy nhiên, trái với thời "giá thấp", gần như chỉ có ngư dân gặp khó, trong đợt tăng giá lần này cả ngư dân và doanh nghiệp cùng gặp khó.

*Tăng giá: Hết cá, cũng như không:
Ngay khi nhận được tin: Cá tra tăng giá, chúng tôi đã nhanh chóng quay trở lại để chia vui với những "nhân vật" đã từng ướt nước mắt trong những ngày "giá bán dưới giá nuôi". Thế nhưng, trái với những gì mong đợi, khi tôi vừa hớn hở báo cáo: "Giá cá tra đã nhích lên 17.000đ…" ngay lập tức, nhiều "thân chủ" ở Châu Phú, Phú Tân… đã cắt ngay sự sung sướng ấy lại bằng sự lạnh lùng: "Tăng giá, hết cá, cũng như không". Đó cũng là tâm trạng phổ biến của những người nuôi ở An Giang, vương quốc cá tra của cả nước.

Tháng 8, theo lệ thường, An Giang đang vào mùa thu hoạch cá tra phục vụ nhu cầu xuất khẩu chuẩn bị cho thị trường lớn: Noel và Tết Dương lịch, thế nhưng giờ đây về vùng chuyên nuôi cá tra ở Châu Phú, Phú Tân… mà tôi cứ ngỡ như đang lộn địa chỉ bởi nhiều, rất nhiều ao nuôi đang trong tình trạng "tạm nghỉ". Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) cho biết: Qua trao đổi với các Hiệp hội bạn tại ĐBSCL, được biết, hiện toàn vùng chỉ còn khoảng 10% sản lượng cá của cả năm 2008". Điều này có nghĩa là sẽ có rất ít người nuôi cá tra được hưởng giá tăng này.
Tuy nhiên, theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA, với mức giá này, cao nhất cũng chỉ có khoảng phân nửa (trong số 10%) người nuôi có khả năng hòa vốn. Bởi theo tính toán, giá thành cá hiện đã lên đến 18.000 đồng/kg. Nói cách khác là ngay cả khi doanh nghiệp nâng giá mua lên 17.000 đồng/kg, ngư dân vẫn chưa thoát khỏi vòng lẩn quẩn của sự thua lỗ. Vì vậy, cú tăng giá này trên thực tế chưa đủ sức để mang lại tác động tích cực đến quá trình hồi phục để người nuôi đủ sức trở lại đường đua của hành trình nuôi cá tra.

*Doanh nghiệp cũng sẽ chết,nếu…:
Theo nhận định của Sở Công thương An Giang, mặt hàng cá tra đang khởi sắc ở Nga, Ucraina, Đông Âu… do người dân đã qua thời gian nghỉ hè và nhiều khả năng sẽ phát triển lên đến đầu quý I-2009 do nhu cầu đón lễ Noel và đón Tết Dương lịch… Thế nhưng trên thực tế, chính sự khởi sắc này đã khiến nhiều doanh nghiệp lo "thất sắc" trước cơn bão khó khăn nguồn nguyên liệu đang ập tới. Bởi ngay thời điểm này, cao nhất các nhà máy cũng chỉ đáp ứng được 50-60% công suất. Trong khi đó, việc tái đầu tư sau thời gian "đóng băng" đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi động mạnh trở lại. Ông Phan Văn Danh nhấn mạnh: Do chi phí nuôi cá tra rất cao, bình quân 1 ha mặt nước cần đến 4-5 tỷ đồng. Vì vậy 100% ngư dân đều vay vốn, trong khi đó, số người do bị lỗ nặng không dám tiếp tục trở lại ngay với nghề. Số khác do bị ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ nên khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Vì vậy, khả năng cung ứng cá nguyên liệu trong thời gian tới là rất thấp, khi mà nhiều dự báo cho thấy giá thành cá sẽ tiếp tục tăng theo xu thế hội nhập.
Vì vậy, doanh nghiệp sẽ "chết" nếu không thay đổi phương thức ứng xử với người nuôi, ông Danh nhấn mạnh: Mấy ngày qua, trên kênh truyền thông, có doanh nghiệp đã tự "trấn an" bằng việc hô hào sẽ tự tạo nguồn nguyên liệu, thậm chí còn "răn đe" người nuôi bằng hợp đồng tiêu thụ. Theo ông Danh, quan điểm này như một cách gạt người nuôi ra khỏi cuộc chơi. Bởi cho đến nay chưa có doanh nghiệp hay cơ quan chức năng nào đưa ra được dự báo về thị trường để xác định quy mô nuôi ngay từ đầu vụ mà hầu hết chỉ "lên tiếng" khi chuyện đã rồi, nên chỉ làm tình hình thêm xấu hơn là cải thiện nó. Mặt khác, lâu nay mối quan hệ mua-bán giữa doanh nghiệp-ngư dân đang bất bình đẳng khi doanh nghiệp muốn ràng buộc ngư dân bằng hợp đồng tiêu thụ, nhưng lại không xây dựng được giá sàn và tỷ lệ chia sẻ rủi ro cũng như may mắn nên sẽ rất khó để hai phía có được tiếng nói chung. Và, trên thực tế mâu thuẫn này nó còn xuất hiện ngay trong lòng doanh nghiệp. Bởi mới đây, nhóm thành viên của Công ty xuất khẩu cá tra đã "phản ứng mạnh" khi lãnh đạo đơn vị duy trì giá mua 16.000 đồng/kg cá khi giá thị trường đã lên 17.000 đồng.
"Nếu không đổi mới phương thức hợp tác, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ khó thoát khỏi cái "chết"… Bởi sau khi ngư dân không còn sức theo đuổi cuộc chơi, thì doanh nghiệp sẽ phải tự làm tất cả và khi đó, họ sẽ phải đối mặt với chi phí lớn cho việc thuê mướn mặt bằng và cả rừng chi phí khác mà hộ nuôi cá nhân gần như không phải tốn: Phí quản lý, phí mua lấy lòng người dân trong vùng…", ông Danh nhấn mạnh.



Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường