Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế
13 | 09 | 2008
Kết quả điều tra từ 282 doanh nghiệp trên cả nước do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành 6 tháng đầu năm 2008 cho thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp khá tốt so với 2007, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 10,9% so với mức 5,0% của cùng kỳ năm 2007.
Hơn 50,7% doanh nghiệp khẳng định có doanh thu tốt hơn 2007, 15,7% doanh nghiệp còn khẳng định là rất tốt. 37,1% doanh nghiệp có doanh thu không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù khó khăn song doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng phát triển

Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cũng chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi của môi trường kinh doanh, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là sự gia tăng các chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh, chưa kể những rủi ro về tỷ giá, thiếu ngoại tệ để thanh toán, sức mua giảm tại các thị trường nhập khẩu, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới... Kết quả điều tra cho thấy, chỉ có 13,9% doanh nghiệp đã tận dụng được những thay đổi của môi trường kinh doanh để phát triển xuất khẩu.

Về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, 42,1% doanh nghiệp cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ mức ổn định.Nhiều doanh nghiệp còn lạc quan hơn khi cho rằng nền kinh tế nước nhà sẽ được cải thiện hơn trong những tháng cuối năm 2008 và những năm tới (30,6% doanh nghiệp). Thậm chí có 3,7% doanh nghiệp kỳ vọng vào một sự trỗi dậy ngoạn mục của nền kinh tế trong thời gian tới. Điều này thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp với các chính sách hiện nay của Chính phủ.

Hướng tới chiến lược sản xuất kinh doanh bền vững

Báo cáo của VCCI cho biết, phần lớn các doanh nghiệp (52,4%) đều lựa chọn giải pháp giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh như hiện nay. Trong khi đó 41,3% doanh nghiệp dự định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp muốn thu hẹp quy mô sản xuất.

Để phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị những điều kiện, trong đó ưu tiên hàng đầu là nâng cao trình độ của cán bộ quản lý và phát triển thị trường. Cùng với giải pháp này, 56% doanh nghiệp hướng tới việc mở rộng thị trường kinh doanh, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Đánh giá về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, Báo cáo cho rằng những giải pháp doanh nghiệp đưa ra mang tính chiến lược và lâu dài, điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vượt qua những thử thách của thị trường hiện nay.

Trong thời gian tới, có tới 97,2% doanh nghiệp mong muốn nhận được từ Chính phủ thông tin dự báo về tình hình kinh tế và các chính sách một cách kịp thời. Đồng thời tăng tính thanh khoản cho thị trường tiền tệ, tài chính, nhanh chóng hỗ trợ hồi phục thị trường chứng khoán, và tiếp tục tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước đẩy mạnh các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời bố trí nguồn vốn đầu tư hợp lý theo hướng ưu tiên các công trình, dự án có liên quan đến cơ sở hạ tầng. Sớm xây dựng hệ thống các hàng rào phi thuế quan đối với các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu.


Nguồn: www.cpv.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường