Ông Nguyễn Quốc Dư - ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, còn tồn 4 ao với hơn 1.000 tấn cá tra quá lứa. Suốt tháng nay, ông Dư kêu bán cá tra nhưng thương lái đều lắc đầu vì cá quá lứa.
Ông Dư cho biết: “Tui nuôi được 9 ao, khi tới lứa thì kêu bán. Tuy nhiên, đang đợt cá sụt nên bán không kịp. Vì vậy, tui chỉ bán được hơn 1.000 tấn cá, có lời kha khá. Còn bây giờ tồn cả ngàn tấn cá ngày một lớn chỉ có nước năn nỉ không biết doanh nghiệp có mua hay không nữa!”.
Ông Võ Văn Đệ - ở khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, cũng đang đau đầu vì 2 ao cá khoảng 100 tấn chưa tiêu thụ được. Ông Đệ tính toán: “Để nuôi 100 tấn cá tra thì người nuôi cá cần 2,3 tỷ đồng. Bây giờ cá trong ao nuôi của ông mới 700g nhưng bắt đầu tìm mối bán vì cá càng lớn càng khó bán và người nuôi càng lỗ nặng hơn”.
Người nuôi cho rằng bây giờ phải chia sẻ thông tin để người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều có lợi. Trong đó, doanh nghiệp cần đưa ra chuẩn về size cá, giá sàn để người nuôi biết. Mới đây VASEP tổ chức họp với các nhà xuất khẩu cá tra lớn để đưa ra mức giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu ở mức 26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay người nuôi vẫn rất khó bán được với giá này dù cá đang ở size nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Phấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Hiệp Thanh (TP.Cần Thơ), cho rằng: Giữa người nuôi cá và doanh nghiệp cần phải tôn trọng, hợp tác lẫn nhau. Khi giá cá tra tăng cao, doanh nghiệp chịu lỗ vẫn chấp nhận mua nhưng người nuôi lại cố tình găm hàng không bán. Bây giờ vùng nuôi của một số doanh nghiệp vào vụ thu hoạch nên cá thừa dẫn đến rớt giá là đương nhiên. Để giải quyết tình trạng này các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khó khăn với người nuôi, thu mua cá tra quá lứa để đẩy giá cá tra nguyên liệu lên…
Theo Hoàng Mai
Dân Việt