|
Chế biến cá tra xuất khẩu. |
Người nông dân trên ao nuôi không được hưởng nhiều thành quả từ ngành công nghiệp cá tra đem lại, trong khi họ luôn đối đầu với nhiều rủi ro...
Theo số liệu của cơ quan hải quan, trong nửa đầu tháng 7, các doanh nghiệp (DN) cả nước đã XK được hơn 28.500 tấn sản phẩm cá tra, với tổng giá trị khoảng 84,7 triệu USD. Tính từ ngày 1.1- 15.7, cả nước XK được gần 295 ngàn tấn các sản phẩm cá tra, với tổng giá trị gần 668 triệu USD, xấp xỉ với kim ngạch XK các mặt hàng tôm.
Với nhiều hợp đồng lớn XK cá tra đã được các DN thực hiện trong nửa cuối tháng 7, dự báo cá tra đã vượt qua tôm trong XK thủy sản, cả về sản lượng lẫn kim ngạch. Đó là tin vui cho ngành công nghiệp cá tra VN. Tuy nhiên, tùy vào vị trí của mình trong dây chuyền sản xuất - XK cá tra mà cách cảm nhận của từng người có khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Đạo - TGĐ Cty CP Gò Đàng (KCN Mỹ Tho, Tiền Giang) - cho rằng, XK cá tra đang phục hồi tốt trong một vài tháng trở lại đây. Nguyên nhân là do sự phục hồi kinh tế của các thị trường tiêu thụ chính cá tra VN, cùng với những nỗ lực của toàn ngành thủy sản trong việc tìm kiếm thị trường mới, củng cố chất lượng sản phẩm... Năm nay Cty Gò Đàng duy trì tốt tiến độ sản xuất, XK cá tra, bảo đảm cao hơn năm 2008.
Ông Đạo nhận định: Năm nay XK cá tra cả nước không chỉ đạt kế hoạch 1,2 tỉ USD, mà còn có thể cao hơn, vượt xa các mặt hàng tôm. Theo ông Đạo, việc ra đời của nhiều nhà máy chế biến cá tra trong thời gian gần đây và xu hướng nuôi tập trung với diện tích lớn đang góp phần làm cho XK cá tra phát triển.
Ông Trần Văn Trứ - Trưởng phòng Kinh doanh Cty CP Cadovimex II (KCN Sa Đéc, Đồng Tháp) - cho biết, yếu điểm "chết người" của ngành công nghiệp cá tra là vấn đề "cá quá lứa", nay đã được khắc phục. Trước đây, nếu vì lý do nào đó mà người nuôi cá tra chậm bán sản phẩm, để cá tồn ứ trong ao và đạt trọng lượng từ 1,2kg/con trở lên, thì trở thành "cá quá lứa". Cá quá lứa thường chỉ tiêu thụ nội địa, giá rất thấp.
Thời gian gần đây, các DN đã "thuyết phục" được nhiều thị trường (chủ yếu là các nước Đông Âu) mua cá tra cỡ lớn. Nhờ vậy mà cá tra "quá lứa" vẫn tiêu thụ tốt, giá chỉ thấp hơn chút ít so với cá "trong size".
Ông Nguyễn Minh Hùng - GĐ Cty TNHH Thiện Tâm, chuyên về nuôi cá tra, huyện Châu Thành, Bến Tre - cho biết, năm nay người nuôi cá không bị lỗ nặng như năm rồi, nhưng tỉ suất lợi nhuận rất thấp, trong khi rủi ro thì nhiều. Mới đây, các DN đồng loạt giảm giá mua cá tra nguyên liệu 300 - 400đ/kg, chỉ còn 14.800đ/kg (giá tại ao, kích cỡ 0,8 - 1,1kg/con). Trong khi đó, giá thành khi việc nuôi diễn ra suôn sẻ là khoảng 14.500đ/kg. Chỉ một trục trặc nhỏ xảy ra trong vụ nuôi là người nông dân không còn lời, thậm chí lỗ.
Theo ông Hùng, khâu cung cấp thức ăn nuôi cũng là nguyên nhân làm cho giá thành cá tra tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn cho cá tra đã 3 lần tăng, mỗi lần khoảng 200đ/kg.
Theo ông Hùng, ngành sản xuất thức ăn nuôi cá tra hiện đang lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài (DN nước ngoài, nguyên liệu nhập khẩu...) càng làm cho người nuôi thêm rủi ro.
Còn ông Huỳnh Văn Thường - một người nuôi cá ven sông Tiền thuộc TP.Mỹ Tho - do bị thiệt hại sau vụ nuôi cá tra năm 2008, năm nay ông đã chuyển sang nuôi cá điêu hồng. Theo ông Thường, những người nuôi cá tra nhỏ lẻ như ông khó mà tồn tại được trước những "toan tính" từ cả 2 phía: Nhà cung cấp thức ăn và DN thu mua nguyên liệu cá.
Kỳ Quan
(Theo Lao Động)