Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý giá cá tra!
15 | 05 | 2008
Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL chỉ thu mua cá cầm chừng với giá từ 14.700 đồng - 14.800 đồng/kg. Một số nhà máy còn chuyển sang "mua xô" với giá chỉ còn 13.600 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi cá tra thương phẩm trên 15.000 đồng/kg. Tình trạng bán cá lỗ vốn kéo dài đang đẩy nhiều người nuôi cá tra đến bờ vực phá sản...
“Trăm dâu" đổ vào... người nuôi cá!

Trong những ngày qua, anh Võ Văn Óc ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ đã đến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở địa bàn huyện Thốt Nốt và một số doanh nghiệp ở tỉnh An Giang nhưng vẫn chưa thể bán được 130 tấn cá đã đến kỳ thu hoạch. Anh Óc bức xúc: “Các doanh nghiệp đều cho rằng ĐBSCL đang dư thừa cá, nên họ không thể mua cá với giá 15.000 đồng/kg.

Trước đây, khi người nuôi cá dễ vay vốn ngân hàng, các đại lý thức ăn thủy sản cũng sẵn sàng bán trả chậm một lượng lớn thức ăn cho cá. Còn bây giờ, người nuôi cá rất khó vay được vốn ngân hàng, nên các đại lý thức ăn chăn nuôi thủy sản không bán hàng theo hình thức trả chậm. Trước tình cảnh này, tôi buộc phải bán bớt một ao cá để có tiền mua thức ăn cho các ao còn lại. Cứ như thế này, chắc tôi không dám nuôi cá tra nữa!”.

Cách đây 1 tháng, anh Trần Minh Hòa ở Thới Thuận, huyện Thốt Nốt xuất bán 60 tấn cá tra với giá 15.000 đồng/kg, nhưng giá thành nuôi cá của anh lên đến 15.600 đồng/kg. Anh Hòa đang phải tiếp tục giữ ao cá còn lại (cỡ 4 con/kg) nhưng rất lo ngại sẽ lỗ vốn nặng. Anh Hòa cho biết, trong đợt cá trước anh đã dùng đến 100 tấn cám với giá 3.700 đến 3.800 đồng/kg, nhưng nay giá cám đã tăng thêm 1.000 đồng/kg; các loại thức ăn công nghiệp, thuốc thú y thủy sản, nhân công đều tăng làm cho chi phí nuôi cá tăng đáng kể, nhưng giá thu mua cá lại giảm. Theo anh Hòa, một số nhà máy chế biến thủy sản ở Thốt Nốt và ở An Giang đang thu mua cá với giá 14.700 - 14.800 đồng/kg. Cá biệt, có hộ chỉ bán cá được 13.600 đồng/kg do nhà máy chê thịt cá màu vàng. Trong bối cảnh cá rớt giá như hiện nay, nhiều nhà máy hạn chế mua cá bên ngoài để ưu tiên thu mua cá trong nội bộ. Một số nhà máy không thực hiện đúng hợp đồng mua cá cho người chăn nuôi bằng cách viện ra các lý do như : cá quá cỡ, thịt cá màu vàng... để chậm hoặc không mua cá của người chăn nuôi.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người nuôi cá tra ở Thốt Nốt còn cho biết ngoài chuyện buộc phải bán cá tra thương phẩm dưới giá thành, bà con còn phải chịu thêm cảnh vay “nóng” để lấy tiền mua thức ăn cho cá với lãi suất từ 4% đến 5%/tháng. Thông thường, sau khi nhà máy thử mẫu cá, thấy đạt yêu cầu thì mới ký kết hợp đồng thu mua cá và cho người nuôi ứng trước một khoản tiền nhất định và người nuôi cá phải chịu lãi suất 3%/tháng cho khoản tiền ứng trước trong vòng từ 40 ngày đến 60 ngày (từ ngày nhận tiền đến ngày giao- nhận cá.

Nhiều trường hợp người nuôi phải chịu lãi kéo dài cho đến ngày doanh nghiệp thanh toán tiền cá. Khi đề cập vấn đề này, ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, phân tích: “Do các nhà máy chế biến thủy sản cũng phải sử dụng vốn vay, nên người chăn nuôi phải chịu lãi suất khi ứng tiền trước của nhà máy trong giai đoạn từ khi ký kết hợp đồng đến khi giao cá cho nhà máy là hợp lý. Tuy nhiên, chuyện các nhà máy “ép” người chăn nuôi phải chịu lãi suất trong khoảng thời gian nhà máy chậm thanh toán tiền cá cho người chăn nuôi là không hợp lý. Vì như thế người nuôi cá đã bị chiếm dụng vốn”.

Cá tra thương phẩm rớt giá đang là khó khăn chung của những người nuôi cá tra ở ĐBSCL. Theo ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, ở tỉnh này đang còn khoảng 30.000 tấn cá tra thương phẩm đến kỳ thu hoạch. Nhiều người chăn nuôi cá tra đang chịu cảnh lỗ vốn khi xuất bán cá tra dưới 15.000 đồng/kg. Ông Thái An Lai nói: “Với tình cảnh giá bán cá tra thấp như hiện nay, những hộ nuôi cá nhỏ lẻ có nguy cơ bị phá sản và bỏ nghề. Thậm chí những đại gia (người nuôi lớn) chỉ thả nuôi cầm chừng”.

Vì sao cá tra rớt giá?

Các sản phẩm chế biến từ cá tra đã chính thức tham gia thị trường xuất khẩu cách đây 13 năm. Tuy nhiên, đến nay nước ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn về chất lượng của cá tra để làm chuẩn mực giới thiệu và định giá sản phẩm trong thương mại. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nói: “Do chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng cá tra nên người nuôi và các nhà chế biến, xuất khẩu của Việt Nam đều chưa biết tường tận về chất lượng của các sản phẩm chế biến từ cá tra ngon đến đâu, có các chất dinh dưỡng cần thiết gì? Trong khi đó, các nhà nhập khẩu nước ngoài thì biết rất rõ các thành phần, tố chất trong sản phẩm cá tra. Do đó, họ luôn ở thế chủ động trong việc đưa ra các yêu cầu về chất lượng sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam”.

Mặt khác, cũng do chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng nên người nuôi cá tra không có cơ sở để đối chiếu, xác định chất lượng sản phẩm của họ làm ra và phải phụ thuộc vào việc định giá thu mua cá từ các nhà máy chế biến thủy sản. Vì vậy, người nuôi cá luôn chịu nhiều rủi ro nhất trong chuỗi sản xuất từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trước đây, các sản phẩm cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ với yêu cầu thịt cá tra phải trắng như thịt cá ba sa. Do đó, hầu hết các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu đều dựa vào màu của thịt cá (trắng, vàng hoặc hồng) để phân loại khi thu mua cá tra nguyên liệu.

Trong khi đó, thị trường Tây Âu lại ưu tiên sử dụng các sản phẩm cá tra thịt hồng. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, dẫn chứng, ông đã nhiều lần tiếp và đưa các nhà nhập khẩu ở khu vực Tây Âu đến làm việc với các nhà máy chế biến thủy sản ở An Giang. Hầu hết các nhà nhập khẩu này cho biết họ chỉ ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm cá tra thịt hồng với giá cao. Trong khi đó, các nhà máy chế biến thủy sản ở An Giang và cả khu vực ĐBSCL đều “đánh rớt” loại cá tra thịt hồng để mua với giá rẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, để nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra của vùng ĐBSCL phát triển ổn định, các bộ ngành cần sớm xây dựng và công bố bộ tiêu chuẩn chất lượng cá tra để làm chuẩn mực trong giao dịch thương mại. Mặt khác, việc điều hành xuất khẩu cá tra nên áp dụng theo mô hình điều hành xuất khẩu gạo như trong thời gian vừa qua; công khai xử phạt nghiêm các đơn vị xuất khẩu cá tra với giá thấp...




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường