Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý cá tra: Xuất khẩu tốt, giá vẫn giảm!
26 | 05 | 2008
Tại các tỉnh ĐBSCL, giá cá tra, ba sa vẫn ở mức rất thấp, trong khi sản lượng cá quá lứa thu hoạch ngày càng nhiều nhưng kêu bán không ai mua. Đã có nhiều hộ nuôi cá thua lỗ, số chuẩn bị phá sản cũng không ít. Cá tra, ba sa từng “làm mưa làm gió” trên thương trường quốc tế và là niềm tự hào của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nay đang thật sự lâm nguy.
Mức lỗ “khủng khiếp”


Sáng 22-5, giá cá tra thịt trắng ở ĐBSCL tiếp tục giảm xuống còn 13.500đ - 13.600đ/kg, cá đẹp chỉ 14.000đ - 14.200đ/kg… nhưng thương lái ít mua. Giá cá sụt trong khi giá thức ăn nhảy vọt nên giá thành sản xuất cá tra lên 15.500đ - 16.000đ/kg. Như vậy, bình quân mỗi ký cá nông dân ĐBSCL chịu lỗ, từ 1.500đ - 2.000đ trở lên, mức lỗ khủng khiếp nhất trong nhiều năm qua. Ông Võ Văn Thố, ở xã Thới Thuận (Thốt Nốt, TP Cần Thơ), vừa bán 80 tấn cá lỗ đến 400 triệu đồng.

Từ làng cá Thới Thuận sang Tân Lộc (TP Cần Thơ) đến Long Xuyên, Châu Phú, Chợ Mới (An Giang); Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp)… nghề nuôi cá đang rệu rã. Người vừa bán cá xong lỗ đứt vốn, lâm nợ chẳng dám ra đường, kẻ chưa bán được cá thì “kêu trời” vì kéo dài lỗ sẽ nặng hơn. Đau lòng nhất là những hộ mới vào nghề “chân ướt chân ráo” đã bị “hạ gục”, phải kêu bán đất - bán hầm tháo chạy.

Điều nghịch lý là giá cá càng thấp, người nuôi kêu bán nhiều nhưng doanh nghiệp “làm eo làm sách” không chịu thu mua. Trong khi ngân hàng cũng quay lưng với người nuôi cá, không cho vay thêm. Các đại lý thức ăn tuyên bố “đóng cửa” không bán gối đầu… Tất cả như dồn người nuôi vào ngõ cụt. Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, lo lắng: “Tình hình ngày càng xấu, đẩy nghề cá ở ĐBSCL vào chỗ hết sức bấp bênh. Chưa thống kê được con số cụ thể nhưng chắc chắn thiệt hại lần này sẽ rất lớn…”.

Quản lý hay thả nổi?

Điều khiến người nuôi cá và cả chính quyền địa phương không thể hiểu được là thị trường xuất khẩu vẫn tốt nhưng tại sao giá cá trong nước liên tục giảm? Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang: “Khi làm việc với một số doanh nghiệp, hầu hết đổ lỗi là thiếu vốn, ngân hàng hạn chế cho vay… nên không có tiền mua cá của dân”.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề vì sao giá cá lại sụt thê thảm và kéo dài như vậy thì không ai trả lời. Các nhà chuyên môn cho rằng, nhiều khả năng các doanh nghiệp đã lợi dụng đợt điều chỉnh cho vay của ngân hàng để liên kết thao túng thị trường, hạ giá cá. Khi giá cá xuống tận đáy dân kêu bán ào ạt, lúc đó họ mua vào sau đó mới xuất bán thu lời gấp bội. Cần thấy rằng, thị trường cá tra, ba sa ở ĐBSCL nhiều năm nay luôn do doanh nghiệp nắm cán, còn người nuôi cầm lưỡi, giá lên hay xuống phần lớn do doanh nghiệp quyết định.

Ông Nguyễn Trung Thành, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, bức xúc: “Năm 2007, xuất khẩu cá tra, ba sa đạt giá trị khoảng 1 tỷ USD. Năm 2008, dự kiến mang về không dưới 1,2 tỷ USD. Với kim ngạch như vậy thì không ai chấp nhận được viễn cảnh 2kg cá tra hiện nay chưa bằng 1kg cá lòng tong.

Cá tra bây giờ thua cả cá chốt, cá biển tạp nhạp… thì thử hỏi có còn là thế mạnh của ĐBSCL nữa không?”. Theo ông Thành, lẽ ra chúng ta phải tự hào khi thiên nhiên ưu đãi cho ĐBSCL nghề nuôi cá tra thuận lợi. Từ đó, chính quyền, doanh nghiệp, người nuôi… cùng hợp tác phát triển để đem về ngoại tệ. Nhưng có người đã vì lợi ích cá nhân, tìm cách hạ giá cá gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Sâu xa hơn, họ còn làm ảnh hưởng hình ảnh con cá tra, ba sa Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Để tháo gỡ tình trạng khủng hoảng cá tra, ba sa, đồng thời tìm hướng phát triển bền vững, các tỉnh ĐBSCL kiến nghị các bộ, ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, tăng cường quản lý nhà nước, có biện pháp xử lý những doanh nghiệp bán phá giá, thao túng thị trường… Đồng thời cần xem xét ban hành một cơ chế quản lý về xuất khẩu cá tra, ba sa chặt chẽ như xuất khẩu gạo và các mặt hàng khác. Phân loại cụ thể thế nào là cá loại 1, loại 2, loại 3… để quy định giá chuẩn. Doanh nghiệp nào tự ý xuất với giá thấp hơn sẽ xử phạt, thậm chí rút giấy phép nếu vi phạm nhiều lần.

Ngoài ra, cần quy về một mối, quản lý chặt việc xuất khẩu… Có như vậy, nghề nuôi và chế biến cá tra, ba sa mới mong bền vững.

Đồng Tháp: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo trong thu mua cá tra
Mấy ngày nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện thủ đoạn lừa đảo trong thu mua cá tra. Lợi dụng tình trạng giá cá tra sụt giảm như hiện nay, một số đối tượng đến tận biên giới Hồng Ngự và Tân Hồng mạo nhận là người của một công ty chế biến thủy sản nào đó để lừa người nuôi ký hợp đồng.

Sau đó chỉ vài ngày, bọn lừa đảo trên đã quay trở lại, vào tận ao nuôi đòi bắt cá sớm với lý do “công ty đang thiếu nguyên liệu”. Bởi tin tưởng vào “người của công ty vừa ký hợp đồng” nên vừa qua có 2 hộ nuôi ở Tân Hồng đã bị “sập bẫy” bọn lừa đảo với số cá lên đến gần 60 tấn. Ở huyện Hồng Ngự cũng có 2 hộ nuôi bị “quả lừa” tương tự. Đây là kiểu lừa đảo mới vừa xuất hiện, người nuôi cá cần hết sức cảnh giác, đề phòng.





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường