Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Chết đứng" vì con cá tra
14 | 05 | 2008
Chi phí đầu vào tăng, giá bán cá giảm khiến hàng chục ngàn hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL rơi vào thua lỗ. Chỉ tính từ tháng 3-2008 đến nay, người nuôi cá tra bị thiệt khoảng 300 tỉ đồng. Nhiều hộ đã bỏ nghề...
Mấy ao cá của hộ ông Nguyễn Thiện Pháp (Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) vào lứa thu hoạch hai tháng nay. Chạy đôn chạy đáo mãi tới ngày 10-5 mới bán được 100 tấn cá cho Công ty Cadonimex (Đồng Tháp) với giá 13.900 đồng/kg. Lỗ trên 150 triệu đồng, tuy buồn nhưng ông lại nói như reo: "Bán được là may lắm rồi, càng để càng lỗ".

Đầu vào trên trời, đầu ra dưới đất

Những ngày này, nơi nơi người nuôi đổ xô đến các doanh nghiệp kêu bán nhưng rất ít người bán được cá. Giá cá vì thế cứ trên đà tụt giảm. Đầu tháng doanh nghiệp mua 14.500 đồng, nay còn 14.000 đồng/kg. Ở các vùng nuôi phía đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu giá cá chỉ còn 13.800 đồng/kg.

Từ đầu năm tới nay thức ăn thủy sản đã bốn lần tăng giá. Giá các loại nguyên liệu làm thức ăn tự chế biến cũng leo thang. "Tất cả đều tăng hơn 40%. Giá thành nuôi mỗi ký cá nguyên liệu đã lên tới 16.000 đồng. Với giá bán hiện nay nông dân lỗ từ 2.000 đồng/kg" - ông Bùi Hữu Trí, chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, nói.

Đã vậy, ngân hàng lại "cấm vận" khiến người nuôi điêu đứng. Từng nhiều năm vay, gửi tiền ở Ngân hàng NN&PTNT, ông Đinh Công Thành (ấp Hiệp Hưng, Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) xin vay 500 triệu đồng nhưng nơi này bảo họ chỉ thu hồi vốn chứ không cho vay. Nhiều hộ vốn là "mối ruột" của ngân hàng nộp hồ sơ vay cũng đều bị từ chối. Ngân hàng có cho vay thì số tiền cũng hạn chế, lãi suất 1,8%/tháng.


Trong khi khó bán cá thì các đại lý, cửa hàng cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản... cũng không còn bán gối đầu như trước, người nuôi lại còn bị đòi nợ cũ. Nhiều người nuôi cá cho biết xưa nay chưa từng vay nóng, thế mà nay họ phải đi cầm cố tài sản chịu lãi suất tới 5%/tháng để trả nợ. Nhiều người vay nóng cũng không được, phải bán dần xe cộ, đất đai...

Trăm cái khó đổ đầu người nuôi cá

Theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, số cá cần tiêu thụ khoảng 100.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, các nhà máy chỉ mua "nhỏ giọt" khiến lượng cá toàn vùng ngày thêm ứ đọng. An Giang, nơi tập trung gần 20 nhà máy, những ngày này tất cả chỉ hoạt động cầm chừng. Ông Phan Văn Danh, chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản (AFA), cho biết phần lớn nhà máy chỉ chạy 30% công suất... Cũng có một số đơn vị có tiền vẫn tranh thủ mua vào nhưng với giá thấp, khi người bán nhiều hơn người mua thì giá cá cứ giảm dần.

Tuy nhiên, tiền bán cá thường bị doanh nghiệp "neo" hàng tháng trời. Ông Trần Văn Tưởng (Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) bán một ao hồi đầu tháng 2-2008. Doanh nghiệp hứa trả tiền trong vòng 15 ngày, dù ông năm lần bảy lượt đến tận nơi đòi nhưng chỉ nhận "nhỏ giọt" mỗi lần vài chục triệu và hiện còn "neo" lại hơn 240 triệu đồng. Ngày 16-4 mấy cha con ông bán thêm 347 tấn cá cho doanh nghiệp Thanh Hải, văn phòng đại diện tại Công ty Hải sản 404, Bình Thủy (Cần Thơ).

Hợp đồng thanh toán trong 20 ngày mà tới nay mới trả 500 triệu đồng. "Không còn khả năng nuôi nên mình bán bớt trước hai ao để có tiền nuôi mấy ao còn lại và trả nợ ngân hàng tới hạn. Nào ngờ lại bị giam vốn" - ông bức xúc. Không có tiền cho cá ăn hằng ngày, cha con ông đành phải vay nóng 4-5%/tháng.

Chưa hết, vài doanh nghiệp lớn còn đứng ra... cho vay lãi suất cao. Lúc ký hợp đồng bán cá, ông Bùi Văn Kịch được nhận 100 triệu đồng, số tiền đặt cọc này vẫn bị tính lãi 3%/tháng.

Chông chênh nghề nuôi cá tra

Anh Ngô Minh Tấn, Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, cho biết hầu như ao nào thu hoạch xong cũng ngưng thả lại con giống. Gia đình anh cũng vậy, vốn nuôi ba ao thì bỏ treo hai ao. Ông Phan Văn Danh cho biết tại An Giang đã có trên 20% hộ ngưng nuôi. "Đấy là mới khảo sát... sơ sơ, chứ thực tế còn cao hơn nhiều" - ông nói.

Theo nhiều hộ nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, giá nông sản, nguồn nguyên liệu chủ yếu làm thức ăn thủy sản, cũng tăng theo khiến giá thức ăn thủy sản tăng thêm. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá thu mua cá do đã ký hợp đồng bán cá với giá 3 USD trở lại khiến người nuôi ngán ngại không dám đầu tư.

"Chưa bao giờ tình hình bi đát như lúc này. Con cá tra đang bên bờ vực phá sản!" - ông Bùi Hữu Trí bức xúc. Theo ông, một khi người nuôi bỏ nghề sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống hàng chục ngàn công nhân và cả hàng chục ngàn lao động làm công, làm các dịch vụ trong khâu nuôi trồng...




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường