Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cá tra tăng nhưng người nuôi đã kiệt sức
03 | 09 | 2008
Gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại do cá tra quá lứa đến kỳ thu hoạch đã giảm nhiều. Tuy nhiên, đến lúc này, người nuôi cá tra đã kiệt sức sau một thời gian dài cầm cự.
Nguồn cung cạn dần

Mấy ngày qua, nhiều chủ nuôi cá tra ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đang chăm chú theo dõi diễn biến thị trường giá cá tra nguyên liệu. Anh Nguyễn Văn Liêm, ấp Tân Hoà Trung, xã Tân Hội, Hồng Ngự, Đồng Tháp - người nuôi 3 ao cá tra, mỗi ao 1,2ha mặt nước cho biết, hy vọng giá cá sẽ tăng lên 16.000-17.000 đồng vào cuối quý IV/2008. Nguyên do là nguồn cung ứng cá tra nguyên liệu các tỉnh đang cạn dần, vì đa phần chủ nuôi cá tra sau khi bán đã treo ao nghỉ nuôi.

Cũng theo anh Liêm, hiện nay các doanh nghiệp ở An Giang qua Đồng Tháp mua cá loại 1,2kg trở lên, thịt trắng là 14.2000 đồng, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cách đây 10 ngày; còn cá thịt trắng từ 0,8kg đến 1,1kg giá 15.000 đồng.

Cá cỡ lớn hiện nay đã gần như cạn nguồn, trong khi đó cá nguyên liệu chưa tới hoặc gần tới lứa thu hoạch hiện nay không nhiều. Nếu từ tháng 9, tháng 10 các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá nguyên liệu thì sẽ thiếu cá nguyên liệu và giá cá tăng lên là tất yếu.

Trong 3 ao cá của anh Liêm, tháng 4/2008, anh thu hoạch một ao, số lượng 500 tấn cá tra nguyên liệu, với giá hợp đồng lúc đó là 15.200 đồng/kg, anh Liêm thu được gần 8 tỉ đồng. Nhờ tiền bán lần đó anh duy trì nuôi hai ao còn lại, một ao hiện đang tới lứa, một ao cá khoảng 0,5 kg/con. Anh Liêm hy vọng trong đợt giá cá tăng lần này, anh sẽ bán với giá cá có lời, nghĩa là từ 16.000 đồng/kg trở lên. Nhờ thả nuôi chia làm nhiều đợt và có vốn cầm cự nên anh không thua lỗ nhiều.

Tuy nhiên, đó là những trường hợp chủ ao cá tra có vốn mạnh, còn phần lớn người nuôi cá tra năm nay đều bị lỗ. Lỗ nhiều hay ít còn tuỳ thời điểm thu hoạch cá, tuỳ vào vốn nhà hay vốn vay ngân hàng, tuỳ thuộc vào tỉ lệ cá hao hụt nhiều hay ít.

Trao đổi với ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Đồng Tháp, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Đồng Tháp, ông Quốc cho biết: “Trong tuần qua, giá cá tăng nhưng nhiều ngư dân vẫn than lỗ, vì đầu tư 1kg cá tra nguyên liệu khoảng 15.500 đến 16.000 đồng, trong khi đó giá cá vẫn nằm ở dưới mức đầu tư. Lý do này khiến cho toàn tỉnh đến nay có khoảng 300ha nuôi cá sau khi thu hoạch, chủ đã “ treo ao” không nuôi nữa. Nguyên do là người nuôi đã cạn kiệt nguồn vốn do trả nợ ngân hàng, bị thua lỗ. Một nguyên nhân khác hết sức quan trọng là người nuôi cá đã kiệt sức về tinh thần, mất niềm tin nuôi cá làm giàu như tục ngữ thường hay nói: “Muốn giàu nuôi cá”.

Cá tra nguyên liệu sẽ khan hiếm

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá tỉnh An Giang dự báo: “Cá tra nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy sẽ khan hiếm vào giũa cuối quý IV/2008 và sẽ thiếu nguyên liệu gay gắt vào quý I/2009, sau đó tình hình sẽ vãn hồi vào quý II/2009.

Nguyên do thiếu nguyên liệu của các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu là vì hiện nay An Giang có gần 50% diện tích nuôi cá tra sau thu hoạch không thả nuôi lại hoặc thả nuôi cầm chừng với mật độ thấp. Vì từ khi thắt chặt tiền tệ (3/2008) đến nay, người nuôi cá tra điêu đứng vì thua lỗ, giá cá quá thấp, thức ăn tăng cao, lãi suất cao ngất trời… Sau thu hoạch người nuôi cá phải trả tiền vay ngân hàng, nhiều ngân hàng thấy nghề nuôi cá bấp bênh và dễ bị rủi ro nên thu hồi vốn không cho vay lại… đó là những "cái chết" mà người nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL đang “ngậm đắng nuốt cay”.

Không chỉ ở An Giang, Đồng Tháp, mà nhiều tỉnh có nuôi cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với nợ nần, tán gia bại sản. Tại Cù lao Tân Lộc - huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, cách nay 3 năm, nhiều người gọi là “Cù lao tỉ phú”, nay "cơn bão" giá đi qua, quét sạch giấc mơ làm giàu của người nuôi cá tra và nhiều người đang có nguy cơ vỡ nợ, trốn nợ bỏ ao, trắng tay là chuyện có thật.

Một chủ nuôi cá tra ở đây than thở: “Nghề nuôi cá tra nguyên liệu khi lên thì như diều gặp gió, khi xuống thì sạch sành sanh, nói xin lỗi chứ nếu cái áo của vợ bán trả nợ được thì người nuôi cá cũng bán nốt”. Một đại gia nuôi cá có tiếng tăm ở Cù lao Tân Lộc, người có kinh nghiệm nuôi cá khoảng 10 năm nay, mỗi năm anh cung ứng cá tra nguyên liệu 5.000-6.000 tấn, nay cũng đã than lỗ 5-6 tỉ đồng từ mấy tháng qua.

Từ đầu tới đuôi Cù lao Tân Lộc, hiện nay bao trùm không khí lo âu và nguy cơ vỡ nợ. Râm ran người này, người khác nay mai sẽ vỡ nợ vì con cá tra. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch huyện Thốt Nốt Cần Thơ cho biết: “Chưa năm nào người nuôi cá tra khủng hoảng tài chính và lâm vào cảnh khốn khó như năm nay. Cù lao Tân Lộc và những vùng nuôi cá tra khác của huyện đang phải đối mặt với nợ nần và treo ao hàng loạt do thua lỗ. Tình trạng này sẽ kéo theo vào đầu năm 2009 thiếu cá nguyên liệu là tất yếu. Ai cũng biết, nếu hiện nay thả cá tra nuôi lại năm 2009 có khả năng sẽ gỡ vốn năm 2008, nhưng không nhiều người đủ sức, đủ can đảm và đủ vốn nuôi cá tra lại.

Giải pháp nào cho vùng nguyên liệu cá tra ?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng: “Tình trạng tồn đọng cá quá lứa với số lượng lớn thời gian qua là do sản xuất không theo kế hoạch và chưa cân đối cung cầu".

Năm 2007 sản lượng cá tra, ba sa ở ĐBSCL đạt khoảng 800.000 tấn, nếu theo kế hoạch mỗi năm tăng khoảng 200.000 tấn là vừa. Thế nhưng thời gian qua đã có tình trạng sản xuất ào ạt, không theo kế hoạch và vượt mức cầu trong 6 tháng đầu năm 2008. Vấn đề cần rút ra trong thời gian qua về con cá tra, ba sa đó là vấn đề cân đối cung cầu.

Việc tạo vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp cũng là vấn đề cần quan tâm, vì việc làm này góp phần cân đối vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp.

Đến nay hầu hết doanh nghiệp chế biến cá tra đều có vùng nuôi cá nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp có vùng nuôi cá nguyên liệu đạt đến 20-30% nhu cầu chế biến hằng năm

Theo ông Nguyễn Phước Hậu, Giám đốc Công ty Agifish An Giang. Thị trường xuất khẩu cá tra đang được mở rộng, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam, tại ĐBSCL hiện có hơn 60 doanh nghiệp chế biến ca tra, ba sa xuất khẩu, vì vậy việc duy trì vùng nuôi để đủ cá tra nguyên liệu cung ứng là hết sức quan trọng. Vấn đề là làm thế nào cân đối vùng cá để đảm bảo cân đối cung cầu cho các doanh nghiệp chế biến.

Làm gì để duy trì và phát triển vùng nuôi cá tra ĐBSCL, đảm bảo quyền lợi người nuôi và doanh nghiệp chế biến là vấn đề quan trọng hiện nay. Theo ông Phan Văn Danh, ngay bây giờ thả cá, thì phải đến hết tháng 2/2009 mới có cá nguyên liệu. Các cấp các ngành hữu quan phải làm gì để tránh khủng hoảng thiếu cá tra nguyên liệu vào đầu năm 2009 đây là câu hỏi chưa có lời đáp.



Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường