Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn cung cá ngừ ngày càng khan hiếm sẽ hậu thuẫn giá
27 | 08 | 2008
Giá nhập khẩu cá Ngừ vằn đông lạnh hiện tại ở Băng-cốc ở mức khoảng 2.000 USD/tấn, mức giá cao nhất từ trước tới nay, do nguồn cung cấp cá Ngừ cho ngành đồ hộp tiếp tục trong tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. Sản lượng khai thác cá Ngừ vằn và cá Ngừ vây vàng ở Ấn Độ Dương đạt thấp.
Ở khu vực Đông Thái Bình Dương, sản lượng cá Ngừ vây vàng có khá hơn và sản lượng cá Ngừ vằn song cũng không mấy dồi dào. Vì vậy giá cá Ngừ sẽ không có khả năng giảm, trái lại còn được dự báo có thể tăng mạnh hơn nữa. Tác động của sự tăng giá nguyên liệu đối với ngành đồ hộp đã diễn ra với mức giá tăng mạnh ở mọi thị trường.

Uỷ ban Cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (IATTC) đã thất bại trong việc đi đến thoả thuận về các biện pháp quản lý khai thác cá Ngừ ở Đông Thái Bình Dương cho năm 2008 và 2009. Sự thất bại này gây ra mối lo ngại lớn cả trong ngành cá ngừ lẫn trong các tổ chức phi chính phủ.

Có khả năng Ecuađo và một số nước khácsẽ đơn phương thông qua những quy định hạn chế khai thác để chứng tỏ về biện pháp quản lý có trách nhiệm. Điều này làm dịu đi những dự đoán về khả năng giá sẽ tăng mạnh bởi một lệnh cấm khai thác bắt buộc. Và các công ty sản xuất đồ hộp ở Mỹ Latinh hy vọng rằng hoạt động khai thác và nguồn cung cấp cá Ngừ sẽ không bị gián đoạn đột ngột trong nửa cuối năm 2008.

Cuối tháng 6/2008, các tổ chức khai thác cá Ngừ ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã đi đến sự nhất trí ngừng hoạt động trong vài tháng do phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao. Tình hình kinh tế đã gây khó khăn cho ngư dân. Biện pháp này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới sự sụt giảm trữ lượng cá Ngừ đang diễn ra trên khắp các đại dương. Việc các đội tàu phải nằm bờ dự kiến sẽ đẩy giá cá Ngừ mắt to và vây vàng (hai loài cá ngừ được tiêu thụ chủ yếu ở dạng sống và đóng hộp) tăng cao. Hiệp hội Khai thác cá Ngừ Nhật Bản hiện đang trong quá trình sửa chữa khoảng 20% trong tổng số 2000 tàu khai thác sẽ ngừng hoạt động trong hai tháng kể từ tháng 7/2008. Những biện pháp này sẽ có tác động lớn tới thị trường cá Ngừ thế giới, không chỉ đối với thị trường sashimi.

Có hiệu lực từ ngày 15/6/2008, một lệnh cấm khai thác do 9 nước khu vực Thái Bình Dương áp đặt ở hai vùng biển quốc tế, một ở phía Bắc và một ở phía đông của Papua Niu Ghinê. Hai khu vực này được bao quanh bởi các vùng nước ven biển của Papua Niu Ghinê, quần đảo Solomon, Kiribati, Palau, Nauru, quần đảo Marshall, Micronesia và Ôxtrâylia. Mục đích cơ bản của lệnh cấm này là để bảo tồn nguồn lợi hai loài cá Ngừ mắt to và cá Ngừ vây vàng.

Dự báo

Thị trường cá Ngừ thế giới tiếp tục ổn định và không sự cải thiện nào về sản lượng đánh bắt ở các đại dương. Ở Ấn Độ Dương, sản lượng cá Ngừ vây vàng và sản lượng cá Ngừ vằn vẫn không khả quan. Ở Đông Thái Bình Dương tình hình cũng không sáng sủa hơn. Ở Tây Thái Bình Dương mùa vụ đánh bắt của đội tàu Kinkai Nhật Bản cũng không đạt kết quả tốt, hầu hết sản lượng đánh bắt được được cung cấp cho thị trường Nhật Bản, nơi nhu cầu mạnh. Vì vậy, nguồn cung cấp cho thị trường Băng-cốc dự kiến sẽ thấp đi. Sản lượng đánh bắt ở Đại Tây Dương tiếp tục thấp. Kết quả là giá cá Ngừ đông lạnh xuất sang Băng-cốc sẽ vẫn giữ mức 2.000 USD/tấn. Đối với các nhà máy đồ hộp Mỹ Latinh, giá nguyên liệu cũng sẽ tăng lên.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường