Nhiều chuyên gia nhận định, lợi nhuận của người nuôi cá tra hưởng từ chuỗi giá trị “trang trại – nhà máy – xuất khẩu” lại rất ít, doanh nghiệp xuất khẩu hiếm khi chịu chia sẻ với người nuôi trong lúc gặp khó khăn. Đây là những nguyên nhân sâu xa của vấn đề “bể hợp đồng” khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng lên.
Rộng đường xuất khẩu
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong năm 2010, tiêu thụ cá bình quân đầu người ở Đức là 15,7 kg (cao hơn mức 11 kg vào năm 1980), thì trong năm 2011, con số này đã là 16 kg/người. Trong đó, cá tra (pangasius) là một trong 5 loại cá được ưa chuộng nhất tại Đức, gồm có cá tra, cá minh thái Alaska, cá trích, cá hồi, cá ngừ.
Không chỉ gia tăng về số lượng, so với năm 2010, hiện giá cá được Đức nhập về để tiêu thụ đã tăng 3,6%, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tăng cao.
Vasep dẫn lời ông Matthias Keller, Giám đốc Trung tâm thông tin thủy sản Đức (GFIC) nhận định, tăng giá là xu hướng chung do tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển ngày càng ưa chuộng và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm cá. Hơn nữa, nguồn cung cấp cá hiện không ổn định. Việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá ngày càng khó khăn đã đẩy giá tăng cao.
Ngoài Đức, tại các quốc gia thuộc EU khác hiện các nhà nhập khẩu đang tăng cường tìm nguồn cung cấp cá tra để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong dịp Giáng sinh và năm mới sắp đến, họ sẵn sàng mua với mức giá cao hơn 20% so với mức giá trước đó (mức giá trong dịp hè).
Tại thị trường Mỹ, trong những tháng cuối năm nay, diện tích nuôi cá da trơn liên tục sụt giảm cũng là nguyên nhân đẩy giá cá tra tăng cao, vì vậy nhu cầu nhập khẩu để bù vào số lượng thiếu hụt theo đó cũng tăng lên.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep cũng thừa nhận: “Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu các tra của các nước khối EU đang tăng cao, họ (các nhà nhập khẩu) sẵn sàng tăng giá nhập khẩu lên 20% để có được sản phẩm”. Điều này cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rằng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước sẽ tăng vào những tháng cuối năm.
Bí nguồn cung hay tự hại mình
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, sau kỳ nghỉ hè tại các nước châu Âu, Mỹ…, nhu cầu nhập khẩu cá tra của các nước đã sôi động trở lại. Dù nhu cầu tăng cao, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn không “dám” ký hợp đồng xuất khẩu bởi hiện nay tình hình thiếu hụt nguyên liệu đang rất căng thẳng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp hủy hợp đồng xuất khẩu đã ký trước đó với giá 2,8-2,9 đô la Mỹ/kg”.
Lý giải chuyện thiếu nguyên liệu, ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), vốn tập trung nhiều chủ trại nuôi cá, cho biết, nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu khan hiếm như hiện nay là hậu quả của việc các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra “đối xử tệ” đối với người nuôi.
Ông Nguyên dẫn chứng: “Cách đây không lâu- khi kỳ nghỉ hè tại các nước EU, Mỹ bắt đầu, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại những thị trường này sụt giảm. Lúc này, các doanh nghiệp xuất khẩu “làm mình, làm mẩy” chê bai đủ điều để giảm giá mua cá trong dân. Sự việc này làm diện tích nuôi sụt giảm đáng kể, kéo theo là thiếu nguyên liệu như bây giờ. Tự mình (ý nói doanh nghiệp xuất khẩu) hại mình chứ tại ai mà than lỗ, than không có nguyên liệu để ký hợp đồng xuất khẩu”.
Theo báo cáo mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến ngày 20/9 diện tích treo ao tại Đồng Tháp đã tăng lên 98 héc ta (chỉ tính riêng số ao thu hoạch 2 tháng qua chưa thả nuôi trở lại). Tại huyện Châu Phú, An Giang chỉ còn 10-20% diện tích thả nuôi trên tổng số diện tích ao cá tra tại địa phương này.
Điều đáng nói nhất, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào cảnh “đói” nguyên liệu.
Qua bài học không biết lần thứ bao nhiêu này, không biết các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn các nhà quản lý ngành nông nghiệp có rút ra được bài học kinh nghiệm nào hay không hay vẫn tiếp tục để cái điệp khúc “thừa thiếu - thiếu thừa” tái diễn mãi?
Theo TBKTSG