Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Con cá tra & 1,2 tỷ USD
03 | 05 | 2008
Con cá tra vùng châu thổ Mekong đã mang về lượng ngoại tệ lớn thứ 2 sau cây lúa. Dự báo thị trường xuất khẩu năm 2008 là 1,2 tỷ USD, ngư dân ngập tràn niềm vui.
Gỡ khó

Anh Năm Tự ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Bình, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: Từ sau tết đến nay người nuôi cá vật lộn với cơn "bão giá" đầu vào và độ trượt dốc đầu ra. Trung tuần tháng 2 giá cá nguyên liệu từ 15.000 - 15.200 đ/kg đã tụt xuống còn dưới 14.000 đ/kg vào cuối tháng 3. Trong khi giá thành sản xuất: xăng dầu, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, lãi tiền vay ngân hàng từ 1,2% lên 1,6%, vay vốn tư nhân 2%/tháng.

Bên cạnh đó, sự “đóng băng” của các ngân hàng đã làm cho người nuôi cá và DN chế biến chung cảnh “không tiền đồng” để mua thức ăn, mua cá nguyên liệu chế biến. Để giải bài toán vốn, ngư dân phải cắt giảm 50% thức ăn cho đàn cá. Cho đến bây giờ khi giá cá tăng trở lại khoảng 15.300 đồng/kg nhưng người nuôi và DN vẫn vướng vốn. Các đại lý thức ăn cứu nông dân bằng cách bán thức ăn cho nợ nhưng tính lãi suất 2%/tháng (thu hoạch cá mới trả). Hiện tại, ao cá 8.000 m2 mặt nước của Năm Tự đã đến tuổi thu hoạch nhưng nợ đại lý gần 1 tỷ đồng.

Bà chủ DN tư nhân Sâm Dũng ở khu vực ngã 3 lộ tẻ huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ chuyên cung ứng thức ăn nuôi cá tra, bật mí: Với năng lực của DN chỉ giúp được cho khoảng 20 ngư dân là hết vốn (bình quân 1 tỷ/hộ). Hiện tại, ngư dân đang rất cần vốn để mua thức ăn cho cá.

Ông Võ Kế Nghiệp, Chi Hội trưởng Chi hội Nghề cá Phú Quí, xã Vĩnh Thạnh, huyện Châu Phú (An Giang) nói: Đã hơn 10 năm lăn lộn với con cá tra, nó luôn thăng trầm theo năm tháng. Nhà lầu, xe hơi...tất cả là của ngân hàng chứ không phải của dân. Ước tính sơ bộ của Hội Nghề cá Việt Nam, qua đợt biến động giá vừa qua người nuôi thiệt hại gần 200 tỷ đồng (tính bình quân mỗi tháng cá tra cả vùng ĐBSCL đến thời điểm thu hoạch 100.000 tấn/tháng, mỗi kg cá giảm từ 1.200 - 1.500 đ/kg).

Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ cho biết: “Trong xuất khẩu thuỷ sản hiện có nhiều nghịch lý: Đó là trong suốt thời gian qua, giá thành cá tra luôn tăng nhưng giá xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa lại giảm. Năm 2006 trở về trước, bình quân giá xuất trên 3 USD/kg fillet, nay đã dưới 3 USD. Nguyên nhân là do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN chế biến xuất khẩu. Để tránh tình trạng này đề nghị Chính phủ vận dụng cách điều hành xuất khẩu cá tra, basa như xuất khẩu lương thực vì đây là nghề nuôi có độ rủi ro cao...”.

Bắt tay

Liên kết tránh rủi ro là một giải pháp đang được nông dân tính đến. Anh Đoàn Văn Minh, ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: Gắn kết được với DN, nhất là Cty chế biến là một giải pháp an toàn. Còn trong điều kiện sản xuất manh mún như hiện nay thì ngư dân luôn bị cảnh thương lái chèn ép giá cả. Vừa qua tôi bán 149 tấn cá lỗ mất 37 triệu đồng vì phải qua trung gian.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (A.F.A) nói: Giảp pháp liên kết giữa ngư dân và DN chế biến đã được hiệp hội hướng đến 5 năm nay nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Nó mới chỉ mới dừng lại ở kêu gọi. Trong khi đó, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng khâu qui hoạch sản xuất và khâu xuất khẩu còn quá rời rạc. Nên chăng phải hợp nhất giữa VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam lại thành một. Và theo đó, phía sau Hội nghề cá Việt Nam sẽ có các Hội nghề chuyên ngành từng loại thủy sản.

Cái vướng lớn nhất dẫn đến con cá tra luôn thăng trầm là từ DN chế biến. Trong thời gian qua, sản xuất chế biến mặt hàng cá tra quá lời nên khi người có vốn, đất, chạy được mặt bằng là lao vào xây dựng nhà máy chế biến. Trong số trên 100 DN chế biến cá tra thì số DN có khách hàng, có năng lực tài chính chỉ khoảng 50%, số còn lại là gia công.

Ông Danh nói: Con cá tra ở ĐBSCL là con kinh tế mạnh trên vùng nước ngọt, vì thế Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cần sớm hình thành một tổ chức quản lý “cộng đồng” thống nhất và giao cho Hội Nghề cá Việt Nam quyền rộng hơn, để thực hiện việc gắn kết giữa người nuôi và DN chế biến xuất khẩu một cách chặt chẽ. Khi đã có quyền thì sẽ quản lý được việc DN chào giá xuất khẩu cụ thể đối với từng khu vực theo tiêu chuẩn chất lượng được thống nhất. Còn không cứ cái đà mạnh ai nấy làm “cha chung không ai khóc” sẽ diễn ra sự tranh giành khách hàng, tự mình kéo giá xuống.

Khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và VASEP, sản lượng cá tra thu hoạch trong quý 2/2008 tại một số địa phương sẽ khó đáp ứng nhu cầu chế biến. Dự báo cá tra sẽ vượt lên ngưỡng 17.000 đồng trong quí 3.




Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường