Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỹ: Vụ án cá tra và cá ba sa Việt Nam
21 | 05 | 2009
Các chủ trại cá Mỹ đang làm khó cá Việt Nam. Cá tra biến thành cá mú.

Ngày 18-5, tòa án liên bang tại bang California đã tuyên án Peter Xuong Lam và Arthur Yavelberg trong loạt xét xử các công ty Mỹ nhập khẩu cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam rồi dán nhãn các loại cá khác bán ra thị trường Mỹ.

Cá tra biến thành cá mú

Peter Xuong Lam 49 tuổi, chủ tịch Công ty nhập khẩu thủy hải sản Virginia Star Seafood, bị tuyên án 63 tháng tù và phải nộp phạt hơn 12 triệu USD cho chính phủ Mỹ vì đã trốn thuế bán phá giá (cá tra của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ phải chịu thuế chống phá giá). Đây là bản án cao nhất mà tòa án liên bang Mỹ dành cho hành vi gian lận nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Arthur Yavelberg, chủ Công ty nhập khẩu thủy hải sản Silver Seas ở bang Virginia, là tòng phạm bị tuyên phạt một năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng, từ năm 2004-2005, công ty của Peter Xuong Lam và Công ty International Sea Products ở bang Virginia đã nhập khẩu 4.500 tấn cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam trị giá 15,5 triệu USD.

Sau đó, Peter Xuong Lam và các bị cáo khác trong vụ án này đã dán nhãn cá tra thành cá bơn, cá mú, cá lóc, cá dưa có giá trị cao hơn để bán ra thị trường nhằm bán được giá cao hơn và trốn thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đây là cá tra.

Peter Xuong Lam và Yavelberg bị đưa ra xét xử và kết tội từ tháng 10 năm ngoái nhưng đến nay tòa mới tuyên án. Ngoài hai bị cáo này, 10 bị cáo và công ty khác trong vụ án này đã bị kết án. Người chủ mưu vụ nhập khẩu gian lận là Henry Nguyen đã đào tẩu.

Cá Việt Nam sẽ bị kiểm tra gắt hơn?

Nhật báo tài chính The Wall Street Journal số ra ngày 20-5 đã có bài bình luận phê phán chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với cá tra và cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo bài báo, Bộ Nông nghiệp Mỹ đang cân nhắc xếp cá ba sa và cá tra của Việt Nam vào hạng mục catfish (cá da trơn) trong Dự luật Nông trại năm 2008. Theo Dự luật Nông trại năm 2008, catfish nhập khẩu phải chịu kiểm tra chất lượng an toàn gay gắt hơn so với cá tra và cá ba sa.

Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề chữ nghĩa. Chính các chủ trại cá ở Mỹ đã đề nghị Bộ Nông nghiệp xếp hai loại cá trên vào danh mục catfish nhằm dụng ý ngăn cản cá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào tháng 10 tới.

Những người phản đối cho rằng cá tra và cá ba sa của Việt Nam đã chịu kiểm tra chất lượng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, bây giờ nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của Bộ Nông nghiệp Mỹ nữa thì sẽ rất tốn kém và xem như cá Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường Mỹ.

Ông Gavin Gibbons, Giám đốc truyền thông của Viện Ngư nghiệp quốc gia Mỹ, gọi đó là áp đặt rào cản thương mại. Trong thư gửi Bộ Nông nghiệp hồi tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Barney Frank nhận xét: Định nghĩa cá ba sa và cá tra thành catfish sẽ đe dọa đời sống của công nhân ngành chế biến cá nhập khẩu của Mỹ.

Cá tra và cá ba sa Việt Nam là loại cá khác với catfish nuôi ở sông Mississippi (Mỹ) và ở Trung Quốc. Theo Báo The Wall Street Journal, lý do Dự luật Nông trại năm 2008 bắt buộc phải kiểm tra nghiêm ngặt catfish nhằm bảo đảm chất lượng catfish của Trung Quốc chứ không phải chất lượng cá tra và cá ba sa Việt Nam.

Theo ông Gavin Gibbons, trong 28.000 container cá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ năm ngoái, chỉ có chín container không được chấp nhận. Tỷ lệ này cho thấy mức an toàn của cá Việt Nam khá cao.

Năm 2002, vì lo ngại sức cạnh tranh cá nhập khẩu từ Việt Nam, các chủ trại nuôi catfish ở Mỹ đã thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật khẳng định cá tra và cá ba sa Việt Nam không phải là catfish và không thể bán ra thị trường với nhãn catfish. Lúc đó, cá Việt Nam phải bán với tên gọi là “basa”, “tra”, “swai”. Dù vậy, người tiêu dùng Mỹ vẫn ưa chuộng cá ba sa và cá tra Việt Nam vì giá rẻ và chất lượng ngon.

Không kìm hãm được sức cạnh tranh của cá Việt Nam, năm 2003, các chủ trại cá lại vận động Bộ Thương mại áp thuế chống bán phá giá đối với cá ba sa và cá tra Việt Nam lần lượt là 36% và 64%. Bây giờ họ lại muốn gọi cá ba sa và cá tra của Việt Nam là catfish, thuật ngữ mà họ đã từng phản đối trước đây.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường