Kết quả này đã giải toả nỗi uất ức cho ngành thuỷ sản trên thị trường thế giới, khi thời gian gần đây liên tục bị "đánh", mà điển hình là vụ cá tra vừa qua...
Theo Bộ NNPTNT, EU là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam - chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Năm 2008, thị trường này mua của Việt Nam 350.000 tấn thuỷ sản với kim ngạch 1,14 tỉ USD. Hiện nay, 26 trong 27 quốc gia thuộc EU có mua thuỷ sản của Việt Nam. Vượt được hàng rào EU cũng là cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam vươn xa hơn nữa.
Theo Bộ NNPTNT, đoàn thanh tra EU nhận xét, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến kiểm soát ATVS thuỷ sản nói chung và nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam đã tương đương với luật lệ của EU. Năng lực kiểm nghiệm của Nafiqad (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản - Bộ NNPTNT) cũng được đánh giá tốt. Bên cạnh đó, các DN chế biến được đánh giá đã đáp ứng cơ bản yêu cầu của EU về điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị.
Tuy nhiên theo EU, thuỷ sản Việt Nam vẫn còn "sạn" ở khâu chế biến sản xuất ở một số DN như công nhân xịt cồn khử trùng găng tay, vệ sinh nền trong khi đang sản xuất có thể gây mất an toàn cho sản phẩm; nhiệt độ tâm sản phẩm đông lạnh và điều kiện bảo quản của kho lạnh không đảm bảo theo quy định. Các cơ sở sản xuất nước đá (phục vụ cho việc bảo quản thuỷ sản đông lạnh), điều kiện vệ sinh kém, khuôn khay gỉ sét, vật liệu chưa phù hợp.
Trước vấn đề này, theo ông Lương Lê Phương (Thứ trưởng Bộ NNPTNT), yêu cầu Nafiqad cùng Cục Nuôi trồng và Cục Khai thác và BVNLTS nhanh chóng phối hợp, tìm giải pháp để cấp mã vùng nuôi và vùng đánh bắt đáp ứng yêu cầu EU.
Ông Phương cũng khuyến cáo, các DN thuỷ sản cần có ý thức hơn khi tuân thủ quy định của EU. Bởi dù đã được cấp giấy phép xuất khẩu vào EU, nhưng hàng vẫn bị trả về nếu không đạt chất lượng. Và hơn nữa, "một con sâu sẽ làm rầu nồi canh".
Việt Nam có hơn 300 DN thuỷ sản đã được cấp code vào EU, đứng thứ hai thế giới. Hiện khoảng 30 DN nữa cũng đang chờ được cấp code vào thị trường này!