Để khắc phục hạn chế đó, ngày 11-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị chuyên đề: "Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020". Dự kiến cuối tháng 5, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ dự thảo chiến lược này.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Đến nay ngành thủy sản đã xác định được 544 loài cá thuộc 288 giống. Tiềm năng nguồn lợi thủy sản ước tính dao động trong khoảng 4,5-5 triệu tấn, sản lượng khai thác bền vững từ 1,8 đến 2 triệu tấn. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản nước ngọt cũng rất đa dạng như tôm càng xanh, cua đồng… sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt hằng năm đạt khoảng 200.000 tấn, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam bộ. Nuôi trồng thủy sản có thể phát triển ở nhiều vùng sinh thái khác nhau. Tổng diện tích có thể phát triển nông - thủy sản là 2,2 triệu héc ta mặt nước. Từ năm 1985 đến 2008, ngành thủy sản tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình từ 6 - 10%/năm.
Tuy nhiên, các đại biểu dự hội nghị đều nhận định: Phát triển ngành thủy sản Việt Nam có tăng trưởng cao song hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng; nhiều nơi vẫn còn mang tính tự phát và luôn trong tình trạng "được mùa, rớt giá"; cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghề cá chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu phát triển, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; hệ thống cầu, cảng, khu neo đậu, tránh trú bão còn nhiều hạn chế; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng: Tồn tại lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam là chưa có chiến lược phát triển, nên việc quy hoạch còn tùy tiện dẫn tới chồng chéo. Ngoài ra, chưa có cách tiếp cận về nguồn lợi thủy sản dẫn đến tình trạng phát triển tự phát; năng lực quản lý điều hành không đúng thực tế, chậm tìm ra giải pháp tháo gỡ; sự tăng trưởng của nghề cá không đi đôi với việc thay đổi bộ mặt của đời sống ngư dân.
* Năm 2010, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 5,0 triệu tấn, năm 2015 là 5,7 triệu tấn; năm 2020 là 6,5 triệu tấn. * Năm 2010, sản lượng tăng bình quân 2,15%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 - 5,0 tỷ USD; năm 2015, sản lượng tăng 2,76%/ năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,0 tỷ USD; đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,0 tỷ USD với khối lượng thành phần xuất khẩu đạt 1,8 tỷ tấn/4,7 tấn nguyên liệu thủy sản, chiếm 74,6%. |
Chú trọng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa
Đó là giải pháp cần thiết để phát triển ngành thủy sản bền vững, TS Lê Thanh Lựu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để phát triển thủy sản là thị trường, chú ý xúc tiến thương mại. Để cạnh tranh, Việt Nam phải phát triển được tiềm năng sẵn có trong nước, như đầu tư mạnh cho nuôi tôm sú và cá tra. Đồng thời, dự báo về biến đổi tài nguyên liên quan đến thủy sản để nâng cao chất lượng thủy sản. Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại, nông, lâm, thủy sản và Nghề muối kiến nghị: Cần phải củng cố, tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để cải tiến và đa dạng hóa hàng hóa, sản phẩm thủy sản. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, sản xuất và lồng ghép vấn đề "tam nông" nhằm hạn chế rủi ro về thị trường và nguồn vốn sản xuất. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường ngày một cao nên các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản phải tập trung nâng cao chất lượng.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để đạt được những mục tiêu phát triển ngành thủy sản vào năm 2020 phải đồng thời quan tâm khai thác thị trường xuất khẩu gắn với nội địa. Trước mắt, cần phải tính toán cân đối hài hòa, chú trọng phát triển thị trường nội địa. Năng suất, chất lượng, đời sống của ngư dân phải luôn đi kèm với nhau, tuy nhiên, phát triển phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Giải pháp phát triển chung của ngành thủy sản là chú trọng chất lượng và giá trị, mở rộng hơn về diện tích và tổng sản lượng. Phát triển một số sản phẩm chủ lực như: các sản phẩm đặc sản bản địa; đồng thời rà soát lại các chương trình dự án, từ đó đưa ra các chương trình dự án mới. Trước mắt, để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2009 đạt 4 tỷ USD, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần rà soát lại diện tích nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện cho các vùng nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, nuôi sinh thái; điều chỉnh quy mô sản xuất cá tra, tôm các loại theo nhu cầu thị trường, các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng và sạch bệnh, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm cách giải quyết những ách tắc, để khai thông cho ngành xuất khẩu thủy sản trong nước như kiểm soát chặt chẽ chất lượng cũng như giá cả đầu vào; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật… Bên cạnh đó, VASEP cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu; theo đó, nên tập trung vào các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi vì nơi đây yêu cầu giá phải có tính cạnh tranh với cá thịt trắng của các nước khác. Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua lãi suất vay vốn tín dụng, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các kho dự trữ thủy sản.