Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiểm soát VSATTP: Ngoài "tấn công", trong "không phòng thủ"
27 | 08 | 2009
Đó là thực tế tình hình vệ sinh an toàn thực phầm (VSATTP) hiện nay khi mà thực phẩm không đảm bảo chất lượng ồ ạt NK vào, còn trong nước không chỉ thiếu các biện pháp chống đỡ mà DN còn cố tình "bịt mắt" người tiêu dùng. Vấn đề nóng này được đặt ra hôm 25/8 tại Hội nghị kiểm soát VSATTP do Bộ NN- PTNT tổ chức…

Tình trạng đáng lo ngại này thực tế còn cao hơn nhiều khi kết quả kiểm tra của Cục BVTV tại 25 mẫu rau phía Bắc phát hiện tới 44% mẫu có dư lượng thuốc BVTV, trong đó 4% có hoạt chất độc hại vượt quá mức cho phép. Còn tại phía Nam, kiểm tra 35 mẫu rau phát hiện tới 54,3% có dư lượng thuốc BVTV, trong đó 8,6% phát hiện có dư lượng thuốc BVTV có thể gây ngộ độc.

Nóng bỏng hơn rau “bẩn”, tình trạng thịt gia súc, gia cầm không bảo đảm VSATTP (đặc biệt là nguồn thịt NK) đang gây bức xúc lớn trong dư luận. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nửa đầu năm nay, VN nhập trên 42.000 tấn thịt gia súc, gia cầm với trị giá khoảng 49,6 triệu USD (con số của Cục Thú y cao hơn thế- 47.800 tấn). Đáng nói rất nhiều lô hàng bị phát hiện nhiễm khuẩn, nhiều mặt hàng không sử dụng cho người cũng được nhập về (vụ Cty Trúc Đen, Cty N.D.T, Cty Vinafood…).

Bên ngoài thịt “bẩn” tấn công, trong nước gia súc, gia cầm bệnh, chết, kém chất lượng cũng “tung tẩy” trong các lò mổ lậu. Theo ông Đoàn Hải – PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, “thủ phủ” heo của cả nước thì có tới 50% lượng thịt gia súc là giết mổ lậu, giết mổ gia cầm trên 10% nằm ngoài tầm kiểm soát. Đáng ngại là Đồng Nai đang cung cấp một lượng thịt khổng lồ cho miền Đông Nam bộ, nhất là TPHCM nhưng tình trạng trộn thịt chưa qua kiểm dịch với thịt đã được kiểm dịch không kiểm soát được. Kết quả kiểm tra còn cho thấy, hầu hết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở đây có mẫu nước và mẫu thịt nhiễm vi khuẩn gây bệnh E.coli. Đây là "đầu mối" gây nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, LMLM, tai xanh…

Tại TPHCM, ông Nguyễn Phước Trung – PGĐ Sở NN-PTNT cho biết, kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh sỉ trâu bò thì có 77% cơ sở không có Giấy chứng nhận VSATTP. Tiếp tục kiểm tra 21 cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật đông lạnh lại phát hiện tới trên 52% cơ sở hoạt động bất cần đến VSATTP là gì. Ông Trung cũng cảnh báo, việc dùng hóa chất cấm trong chăn nuôi đang tái diễn và người tiêu dùng đang "ăn đủ" hoá chất độc hại này. Lo ngại của ông Trung được thể hiện rất rõ ràng từ thực tế kiểm tra của Cục Chăn nuôi: Trong số 164 mẫu TĂCN được phân tích thì có tới trên 44% nhiễm E.Coli, trên 31% không đạt về Protein, trên 11% không đạt về NaCl, 17% mẫu không đạt về Ca…

Bắt gần 1 tấn thịt tươi không có giấy kiểm dịch

Sáng qua 25/8 tại khu vực xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức), tổ tuần tra CSGT cùng Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP quận 2 đã tình cờ kiểm tra và phát hiện gần 1 tấn thịt tươi các loại do ông Nguyễn Phi Hùng (ngụ xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đang vận chuyển vi phạm các quy định về vệ sinh thú y.

Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện có tổng cộng 769,5kg thịt heo, 183kg thịt bò, 30kg thịt gà làm sẵn được đựng trong 9 giỏ, trong đó 8 giỏ có dấu kiểm soát giết mổ của Chi cục Thú y Đồng Nai với xác nhận giết mổ tại lò của bà Huệ (Trảng Bom, Đồng Nai) nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y địa phương và 1 giỏ (đựng thịt bò, gà làm sẵn) không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y cũng như dấu kiểm soát giết mổ.


Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, thực tế đáng ngại này đã được thể hiện trong Nghị quyết 34/2009 của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã liên tiếp phải ban hành 2 Chỉ thị và Công văn nêu rõ những công việc trọng tâm phải thực hiện trong công tác đảm bảo VSATTP, với yêu cầu phải tạo sự chuyển biến rõ nét từ giờ cho đến cuối năm 2009: Rau–thịt–cá lưu thông nội địa an toàn.

“Muốn làm được điều này, chúng ta phải triệt tiêu được các loại thuốc BVTV và hóa chất bảo quản độc hại, đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng bộ thuốc an toàn cho cây trồng, vật nuôi và người sử dụng. Ngoài ra, đến cuối năm 2009 phải phấn đấu tất cả các thành phố lớn không còn điểm giết mổ nhỏ lẻ, mất VSATTP” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Quyết tâm là thế, tuy nhiên theo ông Phùng Hữu Hào – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu nhận thức. Từ đó dẫn đến thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng và nguồn lực xã hội đầu tư. Để minh chứng, ông Nguyễn Thanh Sơn đưa ra con số: Khi Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương báo cáo về vấn đề kiểm soát chất lượng VSATTP TĂCN thì chỉ có 11/63 tỉnh thành hồi âm, số còn lại “xù” không thấy đâu. Ngay tại Hội nghị, khi Thứ trưởng Bùi Bá Bổng yêu cầu báo cáo mới phát hiện một số địa phương bặt tăm…không ai tham dự!

Đề xuất một số giải pháp cấp bách

+ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản kiến nghị đối với nhóm sản phẩm rau, phải chấn chỉnh ngay việc kinh doanh thuốc BVTV. Đối với nhóm sản phẩm thịt, rà soát lại các quy định về điều kiện của các lò mổ động vật để điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới cấm không cho kinh doanh thịt ngoài chợ nếu không được kiểm soát về thú y.

+ Về thịt NK, ông Mai Văn Hiệp – Phó Cục trưởng Cục Thú y cũng khẳng định dứt khoát không cho thịt nhiễm khuẩn vào VN qua con đường “hợp thức hóa” bằng hình thức chiếu xạ như trước đây.

+ Cục Chăn nuôi đề nghị Bộ triển khai biện pháp test (kiểm tra) nhanh với tất cả các trang trại chăn nuôi và lò mổ trong toàn quốc.



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường