Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng 10 lần kinh phí cho quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
24 | 04 | 2009
Mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông báo kết quả giám sát tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm(VSATTP) cùng với chính sách pháp luật quản lý chất lượng VSATTP trong thời gian vừa qua.
Rau sạch: chỉ đạt 8,5% tổng diện tích

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất lượng VSATTP, hiện cả nước sản xuất khoảng 11,5 triệu tấn rau các loại. Trong đó, 43 tỉnh, thành phố đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT). Tuy nhiên, diện tích RAT mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước.Việc kiểm soát sản phẩm này còn kém, thực trạng ô nhiễm vi sinh vật trong rau xanh rất đáng báo động. Ở một số thành phố lớn cũng chỉ kiểm soát được 20- 30% nhu cầu rau xanh. Theo kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TP HCM cho thấy, trong 76 mẫu rau thì 40 mẫu nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,6%); 6 mẫu rau nhiễm Salmonella (chiếm 7,9%). Môi trường đất, nước để trồng và cung cấp rau đều không đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau có chiều hướng tăng. Rau ô nhiễm do tồn dư hóa chất BVTV giai đoạn 2004- 2006 là 4,9%, thì đến giai đoạn 2007- 2008 đã tăng lên 5,72%.

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Từ Liêm trong thời gian ngắn đã kiểm tra 49 cơ sở kinh doanh, giết mổ thịt chó... thấy 4 quầy hàng thịt chó của thôn Đông, xã Xuân Đỉnh- nơi bệnh nhân mắc phẩy khuẩn tả đầu tiên trong năm 2009 sinh sống- đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; người bán hàng không được khám sức khoẻ định kỳ, không mang bao tay... Tại Hà Nội, trong số 72 mẫu thịt lợn được kiểm tra có 3 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 4,1%) và 4 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 5,5%); trong số 72 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,3%) và 7 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 9,7%).

Tại TP Hồ Chí Minh, trong số 69 mẫu thịt lợn có 4 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 5,8%) và 37 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 53,6%). Điều kiện giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống hiện nay vẫn còn là một khâu yếu trong chuỗi cung cấp sản phẩm thịt. Một số hóa chất như Salbutamol và Clenbuterol là chất cấm sử dụng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt. Tồn dư hóa chất cũng có chiều hướng tăng bởi giai đoạn 2004-2006 tồn dư hóa chất trong thịt.

Kinh phí cho quản lý VSATTP tăng gấp 10 lần

Việc kiểm tra VSATTP của thực phẩm nhập khẩu được giao cho 12 cơ quan nhà nước do Bộ Y tế chỉ định. Thực tế, các cơ quan này mới chỉ tập trung vào kiểm soát thực phẩm nhập khẩu chính ngạch. Việc quản lý nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, phát hiện, phòng chống buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có giấy xác nhận chất lượng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra nhà nước, nhập lậu động vật và sản phẩm động vật, hoa quả tươi không qua kiểm dịch diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm còn thiếu và lạc hậu, thiếu các testkit kiểm tra nhanh. Do vậy, việc kiểm tra chất lượng VSATTP chủ yếu dựa vào cảm quan.

Mặt khác, tình trạng thiếu kho ngoại quan tại các cửa khẩu cũng là trở ngại lớn cho việc kiểm soát VSATTP vì thông thường khi hàng hoá được đưa về kho của chủ hàng để đợi kết quả kiểm tra VSATTP đã xảy ra trường hợp bị chủ hàng phát tán hàng hóa không chờ kết quả kiểm tra nên rất khó kiểm soát.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội- cho biết, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực VSATTP chưa đủ mạnh. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần được đẩy mạnh, nếu không sẽ phải trả giá về sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. Đoàn giám sát kiến nghị ban hành Luật an toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng VSATTP, chú trọng tập trung làm rõ 4 vấn đề: cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP; cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chất lượng VSATTP; trách nhiệm của người đứng đầu DN trong hoạt động SXKD thực phẩm; chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe.

Ủy ban Thường vụ nhất trí đề nghị Quốc hội tăng kinh phí cho công tác quản lý VSATTP từ ngân sách tối thiểu đạt mức bình quân khoảng 9.000 đồng/người/năm, tăng hơn 10 lần so với hiện nay.

Tăng cường công tác kiểm soát VSATTP, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-UBND về việc lập 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm do lãnh đạo các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn.Theo đó, đoàn thanh tra, kiểm tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.


Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường