Chậm nhất vào cuối tháng 3 này cá tra Việt Nam sẽ xuất khẩu trở lại thị trường Nga sau hơn ba tháng bị cấm nhập khẩu.
Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã cho phép 30 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào Nga. Trong số này có 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, gồm Hùng Vương, Vĩnh Hoàng, Mêkông, Việt An, Bến Tre, Hiệp Thanh, Hùng Cá, Việt Thắng... Số còn lại xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khác như khô hay chả cá.
Ông Minh cho biết thêm, dự kiến trong năm nay sản lượng cá tra xuất khẩu vào Nga từ 80.000 đến 100.000 tấn với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD. Khác với trước đây, hàng xuất khẩu sang Nga lần này phải do chính doanh nghiệp được phép xuất khẩu chế biến chứ không phải thu gom từ các doanh nghiệp khác như trước đây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho biết sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Nga sẽ được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Hàng xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhiễm kháng sinh, vi sinh, hóa chất độc hại, không được phép mạ băng vượt quá 20%. Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn và thú y thủy sản của Việt Nam (NAFIQAD) sẽ thành lập ra một ban chuyên trách đặc biệt nhằm theo dõi các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga.
Phía Việt Nam cũng đề nghị VPSS thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM nhằm tiết kiệm kinh phí, rủi ro cho các nhà xuất khẩu. Văn phòng sẽ chịu trách nhiệm chính về chất lượng trước khi hàng thủy sản được xuất đi, tránh tình trạng doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sang Nga nhưng do không đạt chất lượng lại phải đưa về nước.
Ông Dương Ngọc Minh cho biết phía Việt Nam đang tiếp tục đàm phán kiến nghị Nga mở thêm đợt hai nhằm nâng số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu sang Nga nhiều hơn. Trong năm nay, sản lượng cá tra xuất khẩu sẽ bị thiếu hụt khoảng 30% do nhiều thị trường được mở rộng như Brazil, Trung Đông (tăng gấp ba lần), Mỹ (tăng gấp hai lần). Đặc biệt, tại Nga hàng thủy sản Việt Nam đã mở rộng tới cả thị trường nông thôn.