Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bao giờ mới hết lo vệ sinh an toàn thực phẩm
26 | 11 | 2009
Hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm xảy ra đang khiến niềm tin người tiêu dùng giảm sút.
 

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn xã hội bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tại  TP.HCM, trong tháng 11, báo chí và các cơ quan chức năng đã phanh phui hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh thực phẩm. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong quản lý của cơ quan chức năng cũng như sự xuống cấp về đạo đức của nhà sản xuất.

Đến tháng 9 năm nay, tại TP.HCM xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1024 người phải nhập viện. Đáng chú ý, chỉ hơn 1 tuần đã xảy ra liên tiếp 8 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do sử dụng cá ngừ kém chất lượng.

Tháng 10 và đặc biệt trong suốt tháng 11, các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm liên tiếp xảy ra gây bức xúc dư luận. Cụ thể, ngày 24/11, công an TP.HCM đã phát hiện, thu giữ hàng chục tấn mỡ thành phẩm được chế biến từ phế phẩm của heo, bò ở huyện Hóc Môn. Khi đoàn thanh tra đến hiện trường, hai tạ lòng heo, lòng bò đã ngả màu vàng, chảy nhớt, bốc mùi nồng nặc nằm la liệt trên nền gạch cáu bẩn.

Ngày 11/11, Sở Y tế TP.HCM công bố kết quả kiểm nghiệm 6 mẫu mứt, quả khô, xí muội được lấy ngẫu nhiên tại chợ Bình Tây. Hầu hết các mẫu xí muội đều chứa từ 2% đến 13% chất cyclamate, một chất phụ gia nằm trong danh mục cấm của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, hàm lượng chì trong mẫu xí muội và mẫu mứt kiwi đều vượt quá giới hạn cho phép.

Dùng dầu đen xì để phi hành

Ngày 23/11 Sở Y tế TP.HCM đóng cửa 5 cơ sở sản xuất hành phi ở huyện Củ Chi khi phát hiện các cơ sở này không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất tẩy trắng để thay màu dầu ăn sử dụng nhiều lần, dùng máy giặt rỉ sét để vắt ráo hành phi.

Trước đó, Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố phát hiện hàng trăm tấn thịt đông lạnh nhập khẩu quá hạn sử dụng đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Một số thịt đông lạnh còn ngâm trong kho cả năm trước khi bán cho các chợ và nhà hàng...

Những vụ vi phạm trên chỉ là bề nổi trong quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.HCM hiện nay. Là một thành phố công nghiệp, lượng thực phẩm thành phố sản xuất chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, còn lại nhập khẩu từ nước ngoài và chuyển đến từ 20 địa phương khác. Nói như một lãnh đạo ngành nông nghiệp, thì quản lý 80% thực phẩm nhập này chỉ là quản lý theo phần ngọn. Còn về quy trình sản xuất, bảo quản… đều phó mặc cho các nơi sản xuất.

Với  dân số gần 8 triệu người, TP.HCM chỉ có 160 cán bộ y tế phụ trách về vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, trung bình một cán bộ y tế gánh trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho khoảng 50.000 dân. Do nếp sống công nghiệp, nhiều người dân ở TP.HCM có thói quen ăn uống ở bếp ăn công nghiệp, quán cơm văn phòng, căn tin trường học. Trong hoàn cảnh đó, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, đạo đức kinh doanh của nhà sản xuất kém, lực lượng thanh tra mỏng, ngộ độc thực phẩm xảy ra là điều tất yếu.

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là một vấn đề mới. Nhiều năm nay, vấn đề này đã được mổ xẻ trong nhiều hội nghị, hội thảo và các phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Nhiều giải pháp để giải quyết bất cập trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn dừng ở mức độ kiến nghị.

Vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề nhạy cảm. Hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm xảy ra đang khiến niềm tin người tiêu dùng giảm sút.

Hôm nay, trong bữa cơm hàng ngày, người dân phát hiện thịt gà mình đang ăn được chế biến từ thịt đông lạnh nhiễm khuẩn, nước mình đang uống không đạt tiêu chuẩn hóa lý. Thậm chí, xí muội bày bán ở căn tin trường học cũng nhiễm chì. Vậy, liệu còn bao nhiêu thực phẩm kém chất lượng sẽ tiếp tục được công bố trong thời gian tới? Và cơ thể mỗi người đã tiếp thụ bao nhiêu nguồn thực phẩm không đạt tiêu chuẩn? Những thực phẩm này đang ngày ngày gậm nhấm sức khỏe người tiêu dùng như thế nào? Người dân hoàn toàn không thể cầu cứu cơ quan chức năng nào để làm rõ vấn đề trên.

Để nâng cao hiệu quả quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, TP.HCM cần nâng cao vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhanh chóng thành lập ngay Chi cục quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để công tác quản lý thu về một mối. Đồng thời, cần quy định cụ thể về tự trách nhiệm, tự kiểm tra của doanh nghiệp để thực hiện quản lý theo hướng “doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng”. Có như vậy, sức khỏe của 8 triệu người dân thành phố mới được đảm bảo. Và người tiêu dùng sẽ không còn cảnh “vừa ăn vừa lo” ngộ độc xảy ra.



Theo VOVNEW
Báo cáo phân tích thị trường