Tại Hội nghị đoàn công tác UBTVQH giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chất lượng VSATTP hôm 4/2, ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, những quy định chặt chẽ này nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân thành phố
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc thực hiện những quy định này là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.
Trước tiên, nói về địa bàn thành phố Hà Nội thì hiện nay rất nhiều khu vực lớn của Hà Nội là các vùng nông thôn và xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của hàng triệu người dân tại đây. Phần lớn sản phẩm gia súc, gia cầm được bán tại các chợ nhỏ. Mỗi tiểu thương tại các chợ này nhiều nhất một ngày cũng chỉ bán được vài con lợn hoặc hơn chục con gà. Người ít có thể chỉ vài chục kg thịt lợn, thịt bò. Có người tự nuôi gà, vịt, hàng ngày thịt vài con rồi đem ra chợ bán. Nếu yêu cầu họ chuyên chở sản phẩm gia súc, gia cầm bằng xe chuyên dụng là điều không tưởng.
Còn tại các khu vực trung tâm thành phố, lượng người mua sản phẩm gia súc, gia cầm tại các siêu thị là không nhiều. Các bà nội trợ chủ yếu mua thực phẩm tại các chợ xanh, chợ cóc. Mỗi quầy hàng tại các chợ này hàng ngày cung cấp số lượng thịt lợn, bò hoặc gà là không nhiều. Việc chuyên chở thực phẩm hầu hết đều được thực hiện bằng xe máy, xách lô, thậm chí cả xe đạp. Điều này thuận tiện cho người buôn bán, phù hợp với tập tính buôn bán nhỏ lẻ của người Việt Nam và cũng giảm chi phí, khiến giá thành dễ được chấp nhận bởi số đông người lao động.
Chị Nguyễn Như Mai, người chuyên chăn nuôi, sau đó làm thịt và mang gia cầm từ Bắc Ninh về chợ Ngọc Khánh (Hà Nội) để bán cho biết: mỗi ngày chị chỉ làm thịt khoảng gần chục con gà, vịt. Chị là cán bộ phụ nữ của một xã nên rất hiểu biết các quy định về an toàn thực phẩm. Vì vậy, hàng của chị bao giờ cũng được kiểm dịch đúng quy định. Tuy nhiên, nói về quy định mới của UBNDTP Hà Nội, chị Mai cho rằng nếu quy định này được thực hiện một cách nghiêm túc thì những người buôn bán nhỏ lẻ như chị sẽ không thể nào làm ăn được. “Theo tôi, chỉ nên quy định chặt chẽ về những phương tiện bảo quản trong giết mổ và quá trình vận chuyển để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ, khi chúng tôi vận chuyển đều dùng các thùng kẽm đảm bảo vệ sinh”.
Quan sát của phóng viên VnMedia sau 3 ngày, kể từ khi quy định về việc giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm của thành phố thì việc vận chuyển hầu như không có gì thay đổi. Khi được hỏi về quy định này, hầu hết các tiểu thương đều cho rằng không hề hay biết và khi đi qua các chốt kiểm dịch của thành phố, họ chỉ bị kiểm tra các giấy tờ kiểm dịch và sản phẩm chứ không hề được nhắc nhở về phương tiện vận chuyển.
“Nếu thành phố cương quyết thực hiện quy định này thì có lẽ, chúng tôi phải vào siêu thị mới mua được thịt gà, thịt lợn. Và chắc chắn, giá thành sẽ bị đẩy lên rất cao” - một bà nội trợ cho biết.
Hàng ngày, việc chuyên chở sản phẩm gia súc, gia cầm bằng các phương tiện thô sơ hoặc xe máy mà không có bao bì thì quả thật là rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, quy định chặt chẽ cũng phải tính đến những tập tính mua bán của người dân. Thay đổi thói quen phải có thời gian, và phải có lộ trình chuẩn bị. Khi thành phố chưa có phương án cung cấp sản phẩm gia súc, gia cầm cho người dân thì không thể một sớm một chiều mà thực hiện quy định này được. “Nhà tôi không có tủ lạnh, mỗi sáng vợ tôi không thể vào tận siêu thị ở trung tâm thành phố để mua mấy lạng thịt, hay vài mớ rau cho an toàn như lời một đồng chí phó chủ tịch thành phố đã từng nói. Vậy thành phố đã chuẩn bị để có các cửa hàng cung cấp thực phẩm cho người dân trước khi ra quy định này hay chưa?” – anh Phan Văn Cường, ở thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh thắc mắc.
“Hãy thử tưởng tượng ngày mai, khi tất cả các tiểu thương của Hà Nội dừng bán các sản phẩm gia súc, gia cầm vì không thể vận chuyển một con lợn hoặc dăm con gà bằng xe chuyên dụng thì người dân Hà Nội sẽ ăn bằng gì?” - chị Phương Thu Linh – nhà ở khu tập thể 8/3, quận Hai Bà Trưng nói.