Khách tham gia toạ đàm gồm có:
1. Ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm
2. Ông Trương Văn Dũng - Viện trưởng Viện Thú y
3. Ông Nguyễn Trung Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long
Mọi thông tin chi tiết trao đổi trong Diễn đàn sẽ được phát trực tiếp cho Quý vị trên Hệ Thời sự - Chính trị của Đài Tiếng nói Việt Nam và trên trang web Cổng Thông tin Doanh nghiệp Nông nghiệp Nông thôn: www.agro.gov.vn của Trung tâm Thông tin PTNNNT - Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT.
Ngay từ bây giờ, Quý vị có thể gửi câu hỏi liên quan đến Diễn đàn "Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm và biện pháp quản lý" cho chúng tôi tại địa chỉ: www.agro.gov.vn
Mong nhận được sự theo dõi của Quý vị và Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý vị!
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là một trong những mối quan tâm chung của toàn xã hội và là vấn đề thời sự được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi cơ quan chức năng mới đây phát hiện hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, cho đến giờ, các biện pháp khắc phục dường như vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Sáng ngày 25/11/2007, Ban Kinh tế - Khoa học & Công nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Thông tin - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức Diễn đàn kinh tế trực tiếp trên sóng VOV1 và trực tuyến trên trang web Cổng thông tin DNVVN NNNT www.agro.gov.vn với chủ đề: “Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm và biện pháp quản lý". Khách tham gia toạ đàm gồm có: Ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Ông Trương Văn Dũng - Viện trưởng Viện Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ông Nguyễn Trung Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long. - PV: Thưa các vị khách mời, thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là rất đáng báo động và trong nhiều trường hợp không thể kiểm soát được. Tôi biết là Tiến sĩ Trần Đáng vừa có chuyến công tác kiểm tra thực tế ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước và một số tỉnh miền Trung trở về chiều tối qua, thông tin mới nhất mà ông có được sau chuyến thực tế này là gì?
- TS Trần Đáng: Có thể nói qua tháp tùng Bộ Trưởng đi kiểm tra 4 tỉnh phòng chống bệnh tiêu chảy cấp sau lũ lụt, chúng tôi có một nhận xét chung là, nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Cái nổi bật nhất là vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa đạt yêu cầu. Ví dụ như phần lớn các quán ăn, các nhà hàng ở các chợ, các siêu thị cũng như các cửa hàng ăn là đều chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện, chế biến thực ăn ngay trên nền đất, đặc biệt người tiêu dùng ăn ngay trên bãi rác, nước cống thải chảy qua nơi ăn uống, nơi chế biến. Thứ hai là nguy cơ nhận thức của người dân, người tiêu dùng đang còn rất hạn chế. Hầu như ăn là lẫn với ruồi, với rác và không chịu rửa tay, bởi vì nguy cơ tiêu chảy cấp tức là bệnh tả nó lây chủ yếu bằng đường ăn uống nếu chúng ta không giữ gìn vệ sinh là rất nguy hiểm. Thứ ba là, nước thải ở các ngõ ngách, ở các xóm đang còn rất bẩn chưa xử lý được, bây giờ chỉ cần một số vi khuẩn tả lây lan ra đó thì có thể nói là rất khó kiểm soát. Đấy là ba nguy cơ lớn nhất hiện nay sau lũ lụt.
- PV: Tôi cũng thông tin thêm là liên tục trong thời gian gần đây Sở Y tế Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra một số chợ đầu mối lớn của Hà Nội thì phát hiện ra một loạt các vi phạm ví dụ như là quán cơm bình dân dùng dấm axít vô cơ để phục vụ khách hàng hay là một số cơ sở sản xuất giò chả thì sử dụng hàn the, sử dụng phân urê để giữ cho tôm cá tươi lâu, vấn đề này chúng ta đã nõi từ rất lâu rồi hay là chuyện tăng độ đạm cho nước mắm người ta cho phân urê vào hay là dùng thuốc diệt kiến để xịt vào cá khô tôm khô để bảo quản tốt hơn. Thưa TS Trần Đáng, ông đã từng tham gia rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, với thực trạng như vậy ông cho ràng cái đáng lo nhất hiện nay là gì?
- Ông Đáng: cái lo nhất hiện nay với tình trạng trên là gây là ô nhiễm thực phẩm, nó làm cho thực phẩm chứa vi sinh vật, chứa các hoá chất độc hại và chứa yếu tố, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới người ăn, thứ hai là ảnh hưởng tới việc kinh doanh thực phẩm, ví dụ như mình xuất khẩu thuỷ sản ra nước ngoài bị trả lại rất nhiều do dư lượng kháng sinh, do dư lượng một số chất độc hại, trong tôm, trong mực, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới người dân Việt Nam chúng ta ví dụ như hoá chất bảo vệ thực vật, như thuốc kháng sinh còn tồn dư đấy là nguy cơ chúng ta còn chưa đo đếm được hết.
- PV: Thưa ông Trương Văn Dũng, Viện trưởng Viện Thú Y - Bộ Nông nghiệp PTNT, ngay ngày 23/11 tức là cách đây 2 ngày Chi Cục Quản lý Thị trường Đà Nẵng đã phát hiện và quyết định thu giữ gần 400 hộp thịt lợn, bò và batê gan thối hỏng trong khi hạn sử dụng ghi trên bao bì là đến 2009 và rõ ràng là trong chăn nuôi giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay phần lớn các cơ sở giết mổ động vật không đáp ứng yêu cầu vệ sinh và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nằm luôn ở khâu chế biến, kinh doanh thực phẩm là chuyên gia trong ngành ông có những thông tin mới về vấn đề này?.
- Ông Dũng:Vâng, quả thực là như vậy TS Trần Đáng cũng đã phác qua cho chúng ta thấy tình hình ô nhiễm VSATTP hiện nay. Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị và tất cả các địa phương là chúng ta phải thiết lập lại hệ thống giết mổ và các cơ sở chế biến. Trong các văn bản quy định của Bộ NN & PTNT yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh đều phải đăng ký và ghi rõ tiêu chuẩn chất lượng, thế như trong thực tế thì rất nhiều các cơ sở không chấp hành theo yêu cầu này. Phần lớn hiện nay các cơ sở giết mổ là không đảm bảo VSATTP trừ các cơ sở lớn mà có truyền thống từ trước đến nay và vấn đề khâu chế biến thực phẩm cũng không đảm bảo được tiêu chuẩn vệ sinh, cho nên vấn đề này là vấn đề rất lớn. Qua cái khảo sát kiểm tra của chúng tôi, thực tế có lấy một số mẫu để kiểm tra thì ngay như sản phẩm ví dụ như nem chua chẳng hạn thì chúng tôi đã phân lập được vi khuẩn samuna. Tức là ngoài việc vi khuẩn tả đang lưu hành và gây bệnh tiêu chảy cho người dân thì samuna cũng là một trong những đối tượng quan trọng gây nên hiện tượng tiêu chảy. Chúng tôi đã kiểm tra và tới đây sẽ công bố về vấn đề này trên thông tin đại chúng. Chúng ta có thể nói rằng vấn đề kiểm tra VSATTP hiện nay mặc dù về chính sách quy định của Chính phủ và các Bộ (Bộ NN& PTNT; Bộ Y tế) là rất rõ ràng về VSATTP nhưng việc chấp hành ở dưới địa phương là không tốt. Tôi cho rằng đây là vấn đề có tính lỗi hệ thống.
- PV: Rõ ràng chấp hành ở địa phương và chấp hành ở các doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vấn đề bảo đảm VSATTP đặc biệt là đối với thực phẩm chế biến và đồ hộp chẳng hạn .Thưa ông Nguyễn Trung Hải, là doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đặc biệt là các đồ chế biến thuỷ sản, nông sản, cái khó nhất của Công ty cổ phần Đồ Hộp Hạ Long trong việc thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là gi?
- Ông Hải: Việc chế biến thuỷ sản có 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chúng ta tập trung nguyên liệu, thứ hai là vận chuyển nguyên liệu về nơi chế biến và thứ ba là công đoạn chế biến thực phẩm. Trong doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đối với công ty đang áp dụng hệ thống chương trình quản lý rất tốt về ISO, nhưng cái Khó khăn nhất lđối với chúng tôi là việc xử lý nguyên liệu ,xử lý đầu vào. Vì thực ra mà nói tất cả các doanh nghiệp, các nhà cung cấp nguyên liệu này hết sức manh mún, nhỏ lẻ. Bản thân những người chế biến cung cấp nguyên liệu thuỷ sản người ta cũng dùng phụ gia, hoá chất để bảo quản tẩm ướp. Vậy cái khó khăn của chúng tôi là làm sao có thể phân loại, phân lập và tách biệt những nguyên liệu đó để không ảnh hưởng đến chế biến của chúng tôi
- PV: Liên quan đến vấn đề mà chúng ta đang trao đổi ngay lúc này có một thính giả là chị Phạm Thị Hải Yến ở phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên có hỏi:Tôi biết là có trường hợp doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã đóng lại date đồ hộp rồi đưa ra thị trường, tức là quay vòng, trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào? Xin hỏi ông Hải.
- Ông Hải: Về nguyên tắc, tất cả các sản phẩm đã hết hạn sử dụng chúng ta không nên sử dụng lại, còn những doanh nghiệp nếu như cố tình làm những việc đó là làm sai nguyên tắc
- PV: Thưa các vị khách mời, có nhiều chuyên gia cảnh báo, vì muốn lợi nhuận cao nên không ít chủ doanh nghiệp đã dùng hóa chất công nghiệp rẻ tiền để chế biến thực phẩm….Thưa ông Trương Văn Dũng, với một hàm lượng hoá chất như vậy, người dân thường, không có chuyên môn chắc khó có thể phát hiện ra được và hậu quả của nó như thế nào ?
- Ông Dũng: Vấn đề hiện nay một số cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng hóa chất rẻ tiền mà lại có liên quan ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng thì tôi cho rằng không phải chỉ là người dân thường không nhận thấy mà ngay cả các nhà khoa học đôi lúc cũng không thể nhận thấy . Bởi vì hoá chất chúng ta không thể nhìn thấy nhưng tác động của nó đến sức khỏe con người thì là khôn lường. Vì những hoá chất này tích luỹ từng ngày, từng giờ đến khi tích luỹ đủ lượng có thể gây bệnh cho con người và thậm chí là gây ung thư. Chúng ta thấy rằng hiện nay tỷ lệ số người mắc bênh ung thư ở VN là khá cao, phần lớn là liên quan đến vấn đề VSATTP.
- PV: Có một đáng lo ngại nữa là tôi muốn chia sẻ với ông là hiện nay có hàng trăm nghìn
doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm dưới dạng nhỏ lẻ, thậm chí sản xuất thực phẩm dưới dạng hộ gia đình chẳng hạn.Với tình trạng như vậy liệu các cơ quan chức năng liệu có quản lý được các cơ sở này không? thưa TS Trần Đáng.
- Ông Đáng: Về nguyên tắc thì không có cái gì ta không quản lý được, chỉ có điều ta không làm mà thôi. Cho đến hiện nay nhà nước chúng ta có tương đối đầy đủ các quy định pháp luật để kiển soát an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, vì tại sao để tình trạng thực phẩm vẫn còn bung lung như vậy bời vì người ta không chịu làm. Ví dụ giao cho uỷ ban nhân dân phường, xã quản lý toàn bộ vấn đề thực phẩm ở trên địa bàn phường xã, UBND Huyện quản lý toàn bộ vấn đề thực phẩm trên huyện, UBND tỉnh quản lý toàn bộ vấn đề VSATTP ở trên địa bàn tỉnh, nhưng tại sao những cơ sở đó chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện mà vẫn cứ hoạt động, vẫn cứ vi phạm không xử lý đấy rõ ràng là trách nhiệm hoặc là người ta quy định tất cả hàng hoá đưa vào trong chợ phải được công bố tiêu chuẩn đều phải chứng nhận an toàn nhưng tại sao vẫn có hàng hoá bán trong chợ không an toàn mà tại sao ông trưởng ban quản lý không bị cắt chức, đấy rõ ràng là người ta quy định nhưng không chịu làm cho nên tôi nghĩ là không có cái gì là không quản lý được.
!!
- PV: Năm 1998 nước ta có quy định là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có giấy chứng nhận và đủ điều kiện VSATTP mới được phép hoạt động vậy liệu rằng các đơn vị thực hiện quản lý cũng như các đơn vị thanh tra kiểm tra là chúng ta đã không làm hết mà trách nhiệm của cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm hiện nay là như thế nào?
- Ông Đáng: Cục VSATTP chỉ là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y Tế để đề xuất ra các chủ trương chính sách, các quy định các tiêu chuẩn chứ không phải Cục VSATTP làm thay cho tất cả mọi người. Chúng ta phải hiểu cái phân công thực phẩm ở nước nào cũng vậy. Ví dụ ở địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, trưởng ban quản lý các chợ phải chịu trách nhiệm toàn bộ hàng hoá trong chợ, hiệu trưởng các trường phải chịu toàn bộ ATTP trong nhà trường mình, tinh thần phân công là như thế. Còn tiêu chuẩn của một cái chợ, tiêu chuẩn của một cái bếp ăn tập thể Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ, đấy là trách nhiệm của Bộ Y tế - là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP. Cái nguy hiểm của chúng ta là những cơ quan được phân công kia người ta không chịu làm, chưa làm đến nơi đến chốn. Nếu mọi người làm đến nơi đến chốn thực hiện đầy đủ các quy định trách nhiệm thì chúng ta kiểm soát được chất lượng thực phẩm.
- PV: Rõ ràng như này là đặt ra vấn đề là các cơ quan quản lý phải làm quyết liệt hơn trong vấn đề ATTP. Với góc độ là một doanh nghiệp thưa ông Nguyễn Trung Hải ông quản lý chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm đồ hộp như thế nào khi tung ra thị trường?
- Ông Hải: Việc quản lý chất lượng sản phẩm là một vấn đề hết sức quan trọng trong bất kỳ một doanh nghiệp, đặc biệt đối với Hạ Long chúng tôi phải xây dựng một hệ thống quản lý đang áp dụng hệ thống HACCP, tìm ra những mối nguy trong quá trình chế biến thực phẩm và việc thực hiện nó chúng tôi phải xây dựng được một đội ngũ KCS hết sức tinh nhuệ, việc kiểm soát đấy không phải ở một khâu, có thể tổng hợp tất cả các khâu xuất phát từ đầu vào có nghĩa là nguyên liệu, đến hoá chất phụ gia, đến quá trình chế biến, bảo ôn, bảo quản thực phẩm. Sau khi đạt yêu cầu chúng tôi được phép tung ra thị trường tiêu thụ.
- PV: Liên quan đến vấn đề ông nói, có một thính giả có nói là: Tôi là Nguyễn Thị Biên - người tiêu dùng ở TPHCM xin được hỏi ông Giám đốc CTy đồ hộp Hạ Long, vừa qua trên thị trường có rất nhiều vụ việc sửa lại hạn sử dụng thực phẩm chế biến bị phát hiện. Vậy từ kinh nghiệm của đơn vị sản xuất ông có thể cho chúng tôi là người tiêu dùng biết là làm sao để phát hiện việc sửa lại hạn sử dụng trên sản phẩm chế biến? Xin mời ông Hải.
- Ông Hải: Thực ra cái này là rất khó, nếu những doanh nghiệp cố tình làm điều đó. Thật ra mà nói hạn sử dụng đó trong chế biến thực phẩm, nếu ta quy định là 2 năm hay 3 năm nhưng cũng có thể phát sinh 3 năm không ảnh hưởng gì quá lớn, nếu chúng ta không phát hiện được ra việc sửa đổi của họ, chính vì thế mà tôi nghĩ rằng là cái việc này là do trách nhiệm và lương tâm của nhà cung ứng, nhà cung cấp đối với người tiêu dùng như thế nào.
- PV: Liên quan đến vấn đề này tôi cũng muốn hỏi trong trường hợp doanh nghiệp phát hiện ra có chuyện sửa date hoặc là khi họ sử dụng nó không đảm bảo VSATTP thì công ty đồ hộp Hạ Long có chính sách gì để đền bù cho người tiêu dùng không giả sử trong trường hợp họ sử dụng chất lượng sản phẩm chất lượng của mình?
- Ông Hải: Điều đó chúng tôi sẵn sàng, nếu như Hạ Long có làm chuyện đó, nhưng ngược trở lại với lương tâm trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà nội trợ cho cộng đồng cho xã hội tôi không bao giờ chấp nhận những chủ trương để làm chuyện đó.
-PV: Có một vấn đề đặt ra là thực phẩm nhập khẩu hiện nay rất đa dạng và nhiều chủng loại, bao gồm rất nhiều mặt hàng có nguy cơ ô nhiễm, gây ngộ độc cao. Mặt khác, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới... hầu như chưa có biện pháp để ngăn chặn và không thể kiểm soát, vậy công tác quản lý và kiểm soát chất lượng hiện nay như thế nào, đứng ở góc độ Viện thú y thưa ông Trương Văn Dũng?
- Ông Dũng: Qua diễn biến dịch cúm gia cẩm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, mặc dù Chính phủ và Bộ NN&PTNT có những biện pháp và chỉ đạo rất quyết liệt. Trên thực tế chúng tôi họp giao ban hàng tuần thì thấy rằng vấn đề kiểm soát từ biên giới là hết sức khó khăn. Bời vì, biên giới của nước ta người ta không đi theo con đường chính ngạch mà phần lớn là đi theo con đường tiểu ngạch. Ví dụ, đối với Lào Cai cơ quan kiểm tra chúng tôi thấy có 400 đường tiểu ngạch khác nhau. Cho nên việc đó là việc hết sức khó khăn . Tuy nhiên, để mà làm cho vấn đề kiểm soát về chất lượng sản phẩm và công tác quản lý tôi cho rằng đối với chúng ta cần phải có thay đổi về mặt vĩ mô. Chúng ta cần phải phân định về quản lý nhà nước và các cơ quan kỹ thuật và hiện nay vẫn còn sự chồng chéo giữa cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan kỹ thuật. Tôi cho rằng cần phải có cơ quan quản lý nhà nước riêng và cơ quan quản lý kỹ thuật riêng và phải được độc lập với nhau. Cơ quan quản lý nhà nước là dựa trên cơ sở kết quả của cơ quan kỹ thuật để thực hiện quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, nó độc lập nên đảm bảo tính trách nhiệm là khác nhau và độ chính xác sẽ cao hơn.
!!
- PV: Có một thính giả đặt câu hỏi tôi cho rằng thiết thực và thực thế đó là thính giả Vũ Thị Minh Huệ ở Nam Định có đặt câu hỏi là rau củ quả, kể cả thực phẩm động vật tươi sống hiện nay được nhập khẩu ở Trung Quốc bày bán tràn lan được ướp tẩm hoá chất mà người tiêu dùng không hề biết, sử dụng những loại thực phẩm như thế này có hại như thế nào, tại sao không ai hướng dẫn cụ thể về vấn đề này? Xin hỏi ông Dũng.
- Ông Dũng: Việc này không phải không có cơ quan hướng dẫn về vấn đề này, vì vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có một quy định rất rõ về vấn đề quản lý VSATTP. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản về vấn đề này, phân định rất rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, trách nhiệm của Bộ NN & PTNT là gì. Vấn đề kiểm soát như TS Trần Đáng đã nói là cơ quan TW không thể bao quát toàn bộ các vấn đề được, mà trách nhiệm từng tỉnh là phải do Chủ tịch UBND tỉnh quy định và chịu trách nhiệm. Vấn đề này trong thời gian tới đây cần phải được phân định rõ, nếu như để xẩy ra trên địa bàn hoặc phạm vi của tỉnh mình thỉ chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm
- PV: Thưa TS Ttrần Đáng như ông Dũng vừa nói trách nhiệm của Bộ Y Tế cũng khá rõ ràng trong chủ trương mới này. Vậy những cái mới trong hướng dẫn người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm thực phẩm nhập khẩu những mặt hàng từ TQ về như thế nào?
- Ông Đáng: Trước hết phải hiểu thực phẩm nhập khẩu từ TQ không phải loại nào cũng có nguy cơ, vì hiện nay chúng tôi có tất cả các cửa khẩu đều có cơ quan kiểm dịch thú y, cơ quan kiểm dịch động thực vật, y tế, hải quan, bộ đội biên phòng, tất cả thực phẩm qua đó đều được kiểm tra. Ví dụ qua Tân Thanh một ngày có thế nói có hàng trăm xe hoa quả, các cơ quan kiểm tra an toàn mới cho nhập khẩu vào VN. Cái nguy hiểm là hàng hoá nhập lậu, ví dụ qua các đường tiểu ngạch, qua các đường mòn, một số gia cầm, nội tạng của động vật, nhất là hoá chất độc hại như thuốc diệt chuột , thuốc tăng trưởng, đó là những thứ nguy hiểm. Về phía kiểm tra nhà nước đã thống nhất và theo sự phân công của Chính phủ tất cả thực phẩm nhập khẩu vào nếu thuộc diện kiểm dịch động thực vật thì Bộ NN phải chịu trách nhiệm còn lại các thực phẩm khác thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm . Hai nữa là, tất cả các việc chống buôn lậu và xẩy ra tại trên địa phương thì hoàn toàn UBND các tỉnh các địa phương phải chịu trách nhiệm phối hợp thì mới có thể kiểm soát được.
- PV: Đối với các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm một trong những vấn đề quan trọng là kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó các sản phẩm đưa ra thị trường mới đảm bảo an toàn thực phẩm. Với CTy đồ hộp Hạ Long thưa ông Nguyễn Trung Hải làm thế nào để kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào trong chế biến?
- Ông Hải: Nguồn nguyên liệu thực phẩm chúng ta có thể kiểm soát được tốt nhất là chúng ta phải có được sự tập trung, có nghĩa là chúng tôi sẽ đưa toàn bộ hệ thống quản lý đến tận nơi các cơ sở chế biến và thậm chí cử những cán bộ giám sát thường xuyên ở những khâu quan trọng then chốt để hạn chế tối đa được ảnh hưởng của nguyên liệu đầu vào.
- PV: Thưa TS Trần Đáng Thủ tướng CP đã chỉ đạo thành lập ban thanh tra liên ngành chỉ đạo công tác VSATTP có 8 cục tham gia và ở rất nhiều bộ ngành, cụ thể vấn đề này như thế nào?
- TS Trần Đáng: Ở TW, thành lập ban chỉ đạo liên ngành, ở tỉnh cũng có ban chỉ đạo liên ngành. Các ban chỉ đạo liên ngành đều thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành còn khá lỏng lẻo. Cần có lực lượng thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới kiểm soát được thường xuyên vì ít khi đi được ngoài giờ. Hoạt động thực phẩm là hoạt động ngoài giờ, la hoạt động nửa đêm gà gáy, giết thịt lợn từ 5h sáng, chế biến thực phẩm từ tối. Liên ngành làm sao đi được vào các giờ đó. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ với Bộ Nội vụ là phải thiết lập, thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP. Điều này trong pháp lệnh VSATTP đã quy định, nhưng về mặt tổ chức là chúng ta chưa có.
- PV: Hiện nay, mức bình quân đầu tư cho công tác quản lý Nhà nước về VSATTP khoảng 500.000 đồng/người/năm. Điều này kéo theo cả hệ thống kiểm nghiệm VSATTP cũng không đạt tiêu chuẩn so với yêu cầu thực tế? Thực tế này như thế nào ở ngành Thú ý, thưa ông Trương Văn Dũng?
- Ông Dũng: Đất nước ta ai cũng nói vấn đề VSATTP là quan trọng nhưng mức đầu tư lại quá thấp. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội đầu tư 80 tỷ như năm vừa rồi bình quân mỗi người được 500.000 nghìn đồng, năm nay lên được 100 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi người dân được 1.100 đồng/năm không thấm vào đâu cả. Trong khi đó những chương trình khác như HIV, Dân số 450 tỷ, tại sao thực phẩm nó quan trọng như thế, nó rộng lớn như thế từ khâu nguyên liệu, từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nhập khẩu, chống buôn lậu mà lại đầu tư quá thấp thì làm sao có đủ nguồn lực để kiểm soát được cho nên chúng tôi luôn luôn kiến nghị tối thiểu phải được 1USD/người/năm thì mới có thể duy trì được kiểm soát tối thiểu. Chúng tôi tha thiết kiến nghị với Nhà nước là làm thế nào để đầu tư tăng lên bời vì tiền không đủ thì làm gì có trang thiết bị, làm gì có hoạt động kiểm soát ngoài giờ.
- PV: Thưa ông Trương Văn Dũng ông có những đề xuất gì mới khi ông Trần Đáng nói rằng lực lượng liên ngành thì khó có thể phối hợp thực hiện tốt các hiệu quả vấn đề ngăn chặn tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm?
-Ông Dũng: Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của TS Trần Đáng trong vấn đề thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đó là việc đột xuất khi cần mà thôi, nhưng mà cái quan trọng hơn là chúng ta cần phải phân định rõ trách nhiệm và không nên để khoảng trống trách nhiệm giữa bộ nọ và bộ kia . Hiện nay về vấn đề kiểm tra VSATTP thuộc lĩnh vực của Bộ NN & PTNT đối với thực phẩm, thú y người ta sẽ kiểm tra vấn đề vệ sinh thú y ở các cơ sở chăn nuôi và kiểm tra vệ sinh thú y ở cơ sở giết mổ. Sau khi giết mổ, lưu thông trên thị trường việc đó trước mắt là nhiệm vụ của Bộ Công thương và Bộ Y tế, đây là một câu hỏi rất lớn đang được Chính phủ chỉ đạo làm rõ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của các Bộ phải được rõ ràng. Cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, tỉnh về trách nhiệm này, TW không thể làm thay được, khi chính quyền địa phương không có biện pháp cụ thể để chỉ đạo quyết liệt tôi cho rằng tất cả các biện pháp, chính sách của TW đưa ra không đi vào cuộc sống
!!
- PV: Thưa TS Trần Đáng để đảm bảo phát triển bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng là chương trình quốc gia về VSATTP hướng tới là phấn đấu đến năm 2010 tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô công nghiệp của VN phải áp dụng hệ thống quy mô an toàn thực phẩm theo chuỗi và còn những mục tiêu quan trọng nào khác thưa TS Trần Đáng?
- Ông Đáng: Mục tiêu đến năm 2010 về đảm bảo VSATTP đã được thể hiện trong QĐ 43 của Thủ tướng CP ký ngày 20/2/2006 phê duyệt kế hoạch ATTP đến năm 2010 trong đó có rất nhiều các mục tiêu cơ bản. Mục tiêu thứ nhất là nâng cao nhận thức - là mục tiêu quan trọng nhất cho các nhóm đối tượng trứoc hết là cho các nhóm đối tượng quản lý, thứ hai cho người sản xuất, thứ ba cho ngưòi kinh doanh, bốn là cho người tiêu dùng. Mục tiêu số 1 là phải tăng lên, tất cả những người lãnh đạo, quản lý phải 100% hiểu biết về VSATTP, người sản xuất và người kinh doanh phải đạt tới 80-90% hiểu biết, người tiêu dùng cũng phải tới 60-70% , thứ hai tất cả các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm thuộc 10 nhóm nguy cơ cao thì phải áp dụng hệ thống HACCP bời vì đây là một hệ thống quản lý tiên tiến. Mục tiêu thứ ba là phải làm thế nào tất cả các cơ sở sản xuất dù là nhỏ, bởi vì có cơ sở nhỏ không thể áp dụng HACCP thì phải đảm bảo đủ điều kiện VSATTP trong đó điều kiện về cơ sở như nhà xưởng. Hiện nay ở trên địa bàn Hà Nội và các TP lớn tất cả các quán ăn chỉ được 5-6 m2 , ngồi chen chúc, ngồi cả ra vỉ hè , cống rãnh. Đấy là không đủ cơ sở, tại sao UB Phường vẫn cho hoạt động, có phải vì tính mạng của nhân dân hay không hay là vì lợi nhuận trước mắt. Cho nên chúng ta phải cân nhắc giữa sức khoẻ, tính mạng của con người với cái lợi nhuận trứoc mắt. Phải đủ điều kiện VSATTP mới cho kinh doanh thực phẩm.
- PV: HACCP là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá độ an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, được các tổ chức uy tín trên thế giới công nhận. Nhưng thực tế là sẽ có nhiều doanh nghiệp khó có thể thực hiện đúng quy trình HACCP . Tôi nói như thế vì thực tế là hiện nay số lượng các doanh nghiệp đạt được chứng chỉ HACCP không nhiều? Thưa ông Nguyễn Trung Hải, ông có ý kiến gi?
- Ông Hải: HACCP là tiêu chuẩn quản lý tiên tiến. Tất cả hàng hoá của Cty chúng tôi vào được thị trường Châu Âu thì cũng phải thực hiện HACCP. Tôi nghĩ rằng hệ thống này giúp cho các nhà quản lý, giúp cho các bộ phận chuyên môn chức năng nhìn thấy được các nguy cơ, nguy hại tác động đến những sản phẩm của mình. Theo quan điểm của chúng tôi hết sức chia sẻ ý kiến của TS Trần Đáng, đương nhiên các nhà chế biến thực phẩm phải áp dụng hệ thống HACCP. Điều đó giúp cho tất cả sản phẩm thực phẩm khi ra được người tiêu dùng là hết sức an toàn.
- PV: Liên quan đến vấn đề mà ông Hải nói thì có một thính giả là anh Trần Quốc Khánh ở đường Lương Khánh Thiện ở Hải Phòng xin hỏi: Thưa ông GĐ công ty Hạ Long xin ông cho biết bao lâu một lần công ty ông có lực lượng liên ngành về ATVSTP đến kiểm tra và kiểm tra những gì?
- Ông Hải: Việc này tuỳ thuộc vào cơ quan kiểm tra liên ngành, nhìn chung trong một năm ít nhất có 1 -2 lần xem xét kiểm tra những thông tin của công ty
.
- PV: Một giải pháp nữa được nhiều người ủng hộ là cần phải công bố thông tin trực tiếp, kịp thời, chính xác về ATVSTP tới người dân. Thời gian qua để thông tin đến người tiêu dung, Bộ Y tế đã có một khuyến cáo rất hay: “Hãy là người tiêu dùng thông thái!”.Nhưng để thông thái, thì người tiêu dùng cần phải “biết” trước đã, Vậy thưa ông Trương Văn Dũng, cách làm thế nào là hiệu quả nhất trong việc thông tin đối với người dân ?
- Ông Dũng: Vấn đề thông tin đến người dân, việc này trong phạm vi Bộ NN & PTNT và cũng như tỏng ban chỉ đạo phòng chống dịch hiện nay, chúng tôi cũng đề cấp nhiều đến vấn đề là phải truyền thông. Chúng ta phải tăng cường thông tin truyền thông để cho người dân hiểu biết về vấn đề này. Tuy nhiên nói là “Người tiêu dung thông thái” đó là cụm từ rất hay nhưng không đơn giản là như vậy vì người thông thái không có chuyên môn về vấn đề đấy thì ngưòi thông thái cũng không thể hiểu biết được. Trong Quy định của Bộ NN & PTNT cũng quy định rõ rằng tất cả các đơn vị chế biến thực phẩm đều phải ghi rõ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của mình. Trước hết là ngưòi thông thái khi mua các sản phẩm phải đọc thật kỹ các thông tin tiêu chuẩn chất lượng ở trên sản phẩm. Bởi vì nhà sản xuất họ đã phải đảm bảo về vấn đề đó.
- PV: Có một thính giả là anh Đoàn Anh Vũ ở Nam Định gọi điện đến để hỏi ông Trần Đáng: Ông vừa cho biết về tình hình mất vệ sinh thực phẩm sau khi đi kiểm tra là rất trầm trọng vậy xin hỏi ông biện pháp cấp bách ngay lập tức là gì?
- Ông Đáng: Trước mắt là chúng ta phòng ngừa ngay bệnh tả đang có nguy cơ lan rộng đặc biệt là các tỉnh sau lũ lụt. Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch số 998 ngày 16/11 vừa rồi là phải đẩy mạnh 3 hoạt động, tức là mở một chiến dịch tăng cường các biện pháp VSATTP để phòng ngừa phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm tức là phòng chống bệnh tả. Mở chiến dịch tuyên truyền làm cho mỗi người dân, mỗi gia đình hiểu rõ những thông điệp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và tự mình làm là ăn chín, uống sôi, diệt ruồi, rửa tay sạch, nếu ai cũng làm được như thế chắc chắn bệnh tả không thể lan, Thứ hai là duy trì và đẩy mạnh VSATTP, đây là thực hiện chỉ thị số 06 của thủ tướng, nếu không đủ điều kiện hãy tạm thời đóng cửa để tránh nguy cơ cho cộng đồng. Thứ ba là mở một chiến dịch thành kiểm tra đủ điều kiện thì cho hoạt động, không đủ điều kiện thì cho đóng cửa mà vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Đấy là những biện pháp cấp bách nhất, giao cho UBND các tỉnh, các huyện, các xã phải thực hiện. chỉ có như thế mới có thể kiểm soát được vấn đề ATTP.
- PV: Trong những trường hợp phát hiện vi phạm, ngoài biện pháp là xử phạt nghiêm. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt hiện nay là chưa đủ sức dăn đe? Thưa ông Trần Đáng, ông đề xuất cách thức xử phạt như thế nào đối với những trường hợp vi phạm ?
- Ông Đáng: Về hình thức xử phạt theo tôi nghĩ là mình không phải là chưa đủ hiện nay tương đối đủ. Hiện nay cũng tương đối đủ, ví dụ Xử phạt hành chính có nghị định 45, cao hơn nữa là Bộ Luật Hình sự điều 244 xử phạt đến 10 năm tù nếu vi phạm về VSATTP, chỉ có điều là mình hành pháp đến đâu, mình có thực thu đến đâu. Ví dụ, một người bán hàng trực tiếp không đeo găng tay hoặc là để tóc loà xoà, không có bảo hộ lao động hoặc là không dùng riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống không ai xử lý cả mà đó là trách nhiệm của UBND, của chính quyền địa phương tại sao vẫn để cái quán như thế hoạt động, những cái xử lý như thế vẫn chưa nghiêm, vấn đề ATTP thì chính quyền là chủ yếu còn các ngành các cấp khác là ban hành các điều kiện, các tiêu chuẩn, các quy định và hỗ trợ cho chính quyền để thực hiện các giải pháp chuyên môn, cho nên thực phẩm mà chính quyền địa phương không vào cuộc sẽ là thất bại.
- PV: Thưa ông Trương Văn Dũng theo quan điểm của ông mức xử phạt như thế nào sẽ là tốt nhất?
- Ông Dũng: Vấn đề xử phạt hiện nay TS Trần Đáng cũng có nêu tức là các khung xử phạt, trong quy
định nhà nước là cũng có. Ví dụ, như bên Thú Y chúng tôi căn cứ vào pháp lệnh thú y và nghị định của chính phủ về vấn đề xử phạt, nhưng qua thực tế trong 4 - 5 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy rằng khung xử phạt như thế là quá nhẹ không đủ sức để mà răn đe và như vậy cần phải sửa đổi nghị định này để nâng khung xử phạt mạnh lên. Cứ đánh vào kinh tế thì tức khắc sẽ tuân thủ
- PV: Vấn đề đạo đức kinh doanh cũng là vấn đề đặt ra với người sản xuất và người kinh doanh nữa, với góc độ là doanh nghiệp thưa ông Nguyễn Trung Hải vấn đề đạo đức kinh doanh được đặt ra như thế nào đối với công ty đồ hộp Hạ Long?
- Ông Hải: Với sứ mệnh của công ty chúng tôi là mang lại nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho toàn xã hội, cho cộng đồng. Hàng năm, hàng quý ở Cty chúng tôi đều có những chương trình để giáo huấn cho cán bộ từ lãnh đạo từ cao nhất cho đến toàn thể cán bộ nhân viên hiểu rằng chúng ta là những nhà nội trợ, phải đảm bảo tất cả các điều kiện an toàn vệ sinh cho toàn xã hội. Vấn đề đạo đức đối với ngành chế biến thực phẩm thì lại cực kỳ quan trọng, và chúng tôi luôn luôn xác định được đây là mục tiêu hàng đầu để cho toàn thể cán bộ công nhân hiểu và làm theo đúng nguyên tắc, đúng quy định của Nhà nước và pháp luật.
- PV: Trong quá trình chúng ta trao đổi có một thính giả là Cao Văn Liên ở TPHCM xin hỏi ông Trần Đáng như thế này: Thưa ông tôi nghe ông vừa nói là đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP rất ít tác dụng vậy theo ông có lên giải tán tổ chức này để tìm một hình thức khác và nhân sự khác hiệu quả hơn không?
- Ông Đáng: Đoàn kiểm tra liên ngành trước mắt không thể giải tán được, bởi vì không có cái gì thay thế được nó vẫn phải duy trì trong khi chờ đợi một đề án tổ chức về quản lý thanh tra kiểm nghiệm chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới thì chúng ta vẫn phải duy trì hoạt động kiểm tra liên ngành.
- PV: Tôi được biết dự kiến Bộ Y tế sẽ thành lập Cục ATTP, công việc này đến đâu rồi thưa Tiến Sĩ
- Ông Đáng: Hiện nay Bộ Y tế đã làm xong đề án và trình lên Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ đã đang chuẩn bị để trình Chính phủ
-PV:Là người trong ngành ông cho rằng việc thành lập một Cục an toàn thực phẩm như vậy thì có những thay đổi gì so với hiện nay hay không trong công tác quản lý VSATTP?
- Ông Đáng: Cái quan trọng là chúng ta phải có hệ thống tổ chức quản lý ở địa phương thế còn Cục An toàn Thực phẩm đã có từ năm 1999, nhưng nếu như ở tỉnh, ở huyện, ở xã mà không có lực lựợng chuyên trách về quản lý thì cũng sẽ thất bại. Cho nên trong đề án tới mà Bộ Y tế đã trình lên Bộ Nội vụ là phải thành lập chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm ở tỉnh, thành lập phòng an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc đội an toàn thực phẩm ở Huyện, mỗi một xã phường phải có 2 - 3 cán bộ chuyên trách về VSATTP, ngoài ra phải có thanh tra chuyên ngành năm ở cục, nằm ở chi cục, năm ở đội an toàn thực phẩm để thanh tra thường xuyên về công tác ATTP.
- PV: Thưa ông Trương Văn Dũng, biện pháp nào theo ông là quan trọng nhất trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay ?
- Ông Dũng: Đây là 1 câu hỏi rất lớn mà các cơ quan nhà nước đang phải xem xét. Cũng như TS Trần Đáng nói là chúng ta phải có một hệ thốg hoàn chỉnh. Biện pháp nào là quan trọng nhất , tôi nghĩ rằng biện pháp nào cũng sẽ quan trọng, nhưng tôi thấy cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan kỹ thuật về kiểm tra VSATTP phải độc lập với nhau để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. thứ hai là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. phạm vi kiểm soát, trách nhiệm của các Bộ có liên quan đến VSATTP phải cụ thể, rõ ràng không có khoảng trống. Thứ ba là trách nhiệm của chính quyền các địa phương phải được đề cao và rõ ràng, cái thứ tư là chế tài xử phạt đối với các hành vi, vi phạm về VSATTP phải đủ mạnh. Tiếp theo là công tác thông tin tuyên truyền phải rõ ràng, công khai, trung thực và chính xác.
- PV: Thưa ông Nguyễn Trung Hải với góc độ là một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm đồ hộp - một thực phẩm rất quan trọng trong thị trường thì ông có đề xuất biện pháp nào trong việc quản lý thực phẩm chê biến?
- Ông Hải: Đối với nhà chê biến sản xuất thực phẩm tôi nghĩ rằng việc bắt buộc chúng ta phải thực hiện chương trình HACCP thì chúng ta mới quản lý được hàng hóa, thực phẩm của chúng ta ra thị trường.
-PV: Trong 30 phút chúng ta trao đổi diễn đàn hôm nay có rất nhiều vấn đề đặt ra và cả trách nhiệm quản lý, trách nhiệm của người kinh doanh, trách nhiệm của người sản xuất và cả trách nhiệm của người tiêu dùng nữa trong vấn đề toàn xã hội đảm bảo VSATTP. Thưa quý vị và các bạn, thưa các vị khách mời thông điệp mới nhất của các tổ chứcnông lương thế giới- FAO và các tổ chức y tế thế giới gửi toàn thế giới báo động về ATTP và khẳng định người tiêu dùng có quyền được biết về những mối nguy cơ có thể gặp phải trong thực phẩm và có quyền được bảo vệ trước những mối nguy cơ đó. Tổ chức này cũng đang kêu gọi các nước cần thiết chặt hệ thống quản lý ATVSTP của mình và giám sát chặt chẽ các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Đối với nước ta, bên cạnh những giải pháp mà các vị khách mời đã đề xuất thì nhìn từ mọi phía dưới nhiều tác động thực phẩm vẫn chưa đảm bảo an toàn từ gốc, các cơ quan quản lý trong nhiều trường hợp vẫn chưa đủ sức kiểm soát, ngăn ngừa. Vì thế, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức bảo đảm và giữ gìn VSATTP của chính những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cả người tiêu dùng, đây cũng là vấn đề chúng tôi nhấn mạnh trước khi kết thúc diễn đàn. Diễn đàn Kinh tế hôm nay xin dừng tại đây.