Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm
14 | 07 | 2007
Thủ tướng vừa có chỉ thị về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg của Thủ tướng, vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động trực tiếp thường xuyên đến sức khoẻ của mỗi người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội, về lâu dài còn ảnh hưởng đến phát triển nòi giống dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bức xúc như việc chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng một số nơi rau quả bị ô nhiễm hoá chất độc hại; thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản của một số cơ sở sản xuất còn dư lượng kháng sinh, hóc môn; việc sử dụng các hoá chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm; việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, lễ hội, trường học, bệnh viện chưa được quản lý tốt, ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp vẫn xảy ra làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhân dân và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, du lịch, văn minh đô thị.

Tình trạng hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, hàng thực phẩm nhập lậu qua biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ; các vi phạm pháp luật chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao; các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm chủ yếu vẫn ở trình độ thấp; hệ thống tổ chức, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.

Do đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương thực hiện ngay 5 giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tình trên.

1. Tăng cường các biện pháp giáo dục truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và thực hành của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt chú ý giáo dục tuyên truyền cho nhân dân thay đổi những phong tục tập quán lạc hậu, phổ biến những kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn.

2. Khẩn trương kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý, hệ thống thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.

3. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, thuỷ sản; kiểm soát chặt chẽ rau quả, thịt, thuỷ sản nhập khẩu qua biên giới, tại các vùng sản xuất nguyên liệu, các chợ bán thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên việc chế biến và sử dụng thực phẩm tại khu công nghiệp và khu chế xuất, các trường học, các chợ, siêu thị, các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố.

4. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các vi phạm pháp luật; khắc phục ngay tình trạng buông lỏng quản lý, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong đơn vị mình, trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tái diễn do buông lỏng quản lý, không tuân thủ pháp luật, thì phải cách chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

5. Tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cơ bản kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cơ sở.



Thanh Vân
Báo cáo phân tích thị trường