Thế nhưng, tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP khoá XIII, ngày 11.12, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Đào Văn Bình vẫn đề nghị: "Người dân chỉ nên mua rau, thực phẩm ở những cửa hàng rau, thực phẩm an toàn, không nên mua ở chợ xanh, chợ cóc". Một lời khuyến cáo như đánh đố người tiêu dùng!
Năm 2015 may ra mới giảm được 40% ô nhiễm ở các hồ HN
Hai vấn đề nóng nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP ngày 11.12 là vấn đề ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nhìn chung, các câu hỏi chất vấn của các đại biểu đều liên quan khá sát đến đời sống người dân, nhưng câu trả lời của 2 vị phó chủ tịch UBND TP lại quá chung chung và chưa thực sự thuyết phục.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường và giải quyết ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, ĐB Nguyễn Việt Hưng mở màn bằng câu hỏi: Khi phát hiện hồ Văn Chương là một ổ phẩy khuẩn tả, chúng ta mới đi kiểm tra mức độ ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn TP và lúc ấy mới phát hiện tất cả các hồ đều đã ô nhiễm ở mức trầm trọng, vậy khi nào tất cả các hồ mới hết ô nhiễm?
Việc Sở VHTT đặt biển cảnh báo ô nhiễm không khí hoành tráng bằng bảng điện tử hết sức tốn kém - đặt ở ngã tư trước KS Daewoo, nhưng tấm biển này sống được có mấy ngày rồi chết luôn, vậy ai phải chịu trách nhiệm về việc đầu tư tốn kém này? Nhiều ĐB cũng đặt ra câu hỏi, việc ô nhiễm ở các làng nghề Hà Nội đã ở mức trầm trọng, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt cũng lạc hậu, gây ô nhiễm cho người dân quanh bãi rác, vậy TP giải quyết vấn đề này thế nào?
Trả lời những vấn đề này, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng: Ô nhiễm làng nghề chủ yếu là ở các làng nghề cũ, còn các dự án mới sau này đều có đánh giá tác động môi trường và biện pháp xử lý môi trường nên không bị ô nhiễm. Ông Khanh cũng cho rằng, việc xử lý rác thải của TP chủ yếu là công nghệ chôn lấp, đây là công nghệ phổ biến trên thế giới. Còn về cải thiện ô nhiễm hồ thì phụ thuộc vào nguồn tài chính, vì muốn xử lý nguồn nước để giảm 10% ô nhiễm các hồ TP thì mỗi năm phải mất 1.200 tỉ đồng.
Vì vậy, TP phấn đấu đến năm 2015 sẽ giảm được 40% ô nhiễm hồ. Hiện tại, TP đã thí điểm xử lý một số hồ như hồ Văn và tiến tới là sông Tô Lịch. Ông Khanh cũng khẳng định, không thể nào trả lời được câu hỏi đến bao giờ thì giải quyết xong việc ô nhiễm các hồ nước, vì phụ thuộc vào kinh phí.
Quản lý thực phẩm chưa hợp vệ sinh chỉ bằng... hô hào (!?)
Trả lời câu hỏi của các ĐB về vấn đề VSATTP, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình cho rằng: Một biện pháp để giải quyết được vấn đề VSATTP là tập trung giáo dục đến các hộ dân nên mua hàng ở các siêu thị, hàng có nhãn mác, có xuất xứ nguồn gốc để đảm bảo hợp vệ sinh.
Ông Bình khuyên: Người dân không nên mua rau, thực phẩm ở chợ xanh, chợ cóc vì ở những nơi đó không thể biết chất lượng an toàn như thế nào. Thế nhưng, theo thông tin mà chính ông Bình cung cấp thì cả Hà Nội mới có 70 cửa hàng bán thịt tươi đảm bảo vệ sinh an toàn, 1 chợ rau sạch và 100 cửa hàng rau an toàn. Nếu tính trung bình thì cứ 33km2 mới có một cửa hàng rau an toàn, như vậy lời đề nghị của ông Bình chả khác nào lời đánh đố người dân khi đi mua thực phẩm tiêu dùng.
Trước những trả lời của Phó Chủ tịch Đào Văn Bình, Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn đã bấm chuông đỡ lời. Ông Tuấn cho biết: Sở Y tế thường xuyên có các đoàn đi kiểm tra VSATTP. Kết quả kiểm tra đã cho công khai những địa điểm mất VSATTP. Về rau - củ - quả có nghi nhiễm hoá chất bảo quản độc hại, Sở Y tế cũng liên tục kiểm tra các siêu thị, các chợ, nhưng chưa phát hiện rau - củ - quả nhiễm chất bảo quản độc hại quá giới hạn cho phép, vì vậy người tiêu dùng có thể yên tâm.
Chưa dừng ở đó, một số ĐB tiếp tục đặt câu hỏi: Hàng ngày có hàng ngàn xe máy chở thịt lợn tươi sống vào TP, những thực phẩm này hầu hết chưa được kiểm tra VSATTP, vậy có cách nào để ngăn chặn được tình trạng này không?
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Văn Bình cho rằng: Thực phẩm không rõ nguồn gốc đi vào TP rất nhiều, kể cả thịt chó và thịt lợn. Việc này hầu như không kiểm soát được, vì người ta đi theo đường nhỏ, không có trạm kiểm soát. Cuối cùng, ông Bình kết luận: Giải pháp tốt nhất là tuyên truyền cho người dân sử dụng thực phẩm có địa chỉ rõ ràng, có nhãn mác ở trong các siêu thị.