Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Chết đứng" vì rau an toàn!
31 | 07 | 2008
Tân Phú Trung từng là “điểm nhấn” của TPHCM trong việc phát triển rau an toan, và là mô hình các tỉnh bạn đến tham quan, học hỏi. Thế nhưng hiện người trồng rau an toàn ở Tân Phú Trung đang lâm vào cảnh vừa bán, vừa…tháo chạy.
Rau an toàn ra... chợ cóc!

Chị Trần Thị Nhẫn (ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho biết: “Những ngày qua rau ế ẩm, bán không được nên lỗ dữ lắm. Cải ngọt trước bán 6-7.000 đ/kg nay còn 2.000đ”. Chị Nhẫn thuê 2.300m2 trồng các lọai rau dền, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt…theo kiểu lấy công làm lời, bán cho tổ hợp tác. Thời gian qua giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, rau trồng ra không bán được chị rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Chị Nhẫn nói: "Tổ hợp tác dựa trên đơn đặt hàng, chia đều số rau an toàn cần đặt hàng ngày cho các hộ trồng rau nhưng mỗi hộ chỉ vài kg. Hôm nào bán thêm ngoài chợ Tân Phú Trung không được thì chỉ vứt đi”.

Tương tự, chị Thao ở cùng địa bàn với chị Nhẫn cũng thuê đất trồng rau an toàn tâm sự: “Trước cắt rau an toàn mỗi ngày bán cả trăm kg, giờ bán cho tổ hợp tác 10-15 kg/ngày. Số rau an toàn còn lại đem ra ngoài chợ chen đẩy nhau mới bán hết 15-20kg để gỡ vốn. Mình trồng rau an toàn bán cho tổ hợp tác không được thì phải bán ngoài chợ chứ biết sao bây giờ!”. Nhưng chị Thao cũng cho hay, là ngay tại chợ Tân Phú Trung cũng đâu dễ gì rau an toàn vào được, vì nhiều mối bỏ về chợ này quá. rau an toàn đến lứa, không bán được đành cắt bỏ.

Những người trồng rau an toàn ở vùng này còn cho hay, tổ hợp tác khi có đơn đặt hàng sẽ cân đối các chủng loại rau rồi báo cho các hộ trồng rau an toàn số lượng cần từng ngày. Lâu nay vẫn làm thế không sao. Tuy nhiên, hai tháng qua người làm rau an toàn tiêu thụ được rất ít, trong khi các liếp rau an toàn cứ lớn theo thời gian cách ly thuốc. rau an toàn chờ tiêu thụ không được nên già cỗi, ra hoa trông rất xót ruột! “Bán một nửa, bỏ một nửa tiếc lắm nhưng biết sao bây giờ.

"Đẻ" mà không nuôi

“Đẻ” mô hình mà không nuôi được mô hình thì người trồng rau an toàn sẽ chết!”-một người trồng rau an toàn ở ấp Đình bức xúc nói. Không ai dám nghĩ HTX rau an toàn Tân Phú Trung luôn là mô hình điểm của TPHCM trong các “phong trào” giờ lại đang trong tình cảnh bi đát như vậy. Ông Nguyễn Quốc Toản-Chủ nhiệm HTX Tân Phú Trung xác nhận: “Hiện nay bình quân mỗi ngày lượng rau an toàn dư thừa mà người dân phải bỏ khoảng 1-1,5 tấn”. Theo ông Toản, kênh tiêu thụ rau an toàn của HTX ở hệ thống Metro-nơi Sở NN-PTNT làm cầu nối đã không còn như trước. Tình trạng “ép” giá đã xảy ra mà HTX không thể bỏ mặc xã viên nên không dám nhượng bộ với Metro trong việc hạ giá. Vì vậy rau an toàn từ chỗ đưa vào Metro 1-2 tấn/ngày giờ chỉ còn 300-350kg/ngày!

Phó Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tân Phú Trung- ông Vũ Thông lí giải thêm: “Khi có nhiều mô hình rau an toàn, HTX vận động người dân tham gia kí hợp đồng sản xuất rau an toàn lên đến 11ha. Đến nay dân thấy khó khăn buông rau an toàn, chỉ 30 xã viên bám trụ sản xuất rau an toàn trên diện tích 7ha. Nếu tình cảnh này còn diễn ra khả năng HTX phải ngưng họat động”. Còn ông Nguyễn Hòang- Tổ trưởng liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung bộc bạch: “Người làm rau an toàn không giàu chỉ đủ ăn, mong cuộc sống ổn định. Cung cầu không gặp nhau khiến người làm rau an toàn bấp bênh. Đây là năm khó khăn nhất với chúng tôi”. Nghe nói TPHCM chỉ mới đáp ứng 30% lượng rau sạch, vậy mà người làm rau an toàn lại “bí” khâu tiêu thụ, phải cắt bỏ có phải là nghịch lí?

Ông Nguyễn Hoàng-Tổ trưởng liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung, đơn vị thu mua rau an toàn nói: “Do nghỉ hè, thời tiết thuận nên nguồn cung rau an toàn quá nhiều đã xảy ra việc rớt giá, hàng bị dội. Hơn nữa, diện tích 10ha của Tân Phú Trung chỉ đáp ứng được 10 chủng loại rau an toàn, trong khi nhu cầu của siêu thị, nhà hàng, trường học rất đa dạng nên "cung không gặp cầu".





Nguồn: http://nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường