Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trồng giống bí xanh số 1 lãi ròng trên 3 triệu đồng/sào/vụ
25 | 07 | 2008
Từ năm 2007, Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm (CLT & CTP), thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương trồng thử nghiệm^ thành công giống bí xanh số 1 trên diện rộng hơn 55 ha ở 2 huyện Bình Giang và Tứ Kỳ với hàng trăm hộ tham gia đạt hiệu quả kinh tế rất cao.
Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cho biết, chỉ 55 ha mô hình thâm canh giống bí xanh số 1 ở một số xã của 2 huyện trong 2 năm 2007 - 2008 đã cho thu 5 - 5,5 tỷ đồng, lãi 3 - 3,5 tỷ đồng. Vụ xuân hè vừa qua gia đình bà Phạm Thị Hòa, một trong 127 hộ ở xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang tham gia mô hình, trồng thử 1 sào, cắt được gần 1.000 quả, ước khoảng 3 tấn, bán với giá bình quân 2.000 - 2.500 đồng/kg, thu khoảng 6 - 7 triệu đồng.

Ông Lê Văn Quang cũng ở xã Tráng Liệt trồng 2 sào, nhờ chăm sóc tốt cho thu hoạch 2 tấn/sào, bán được hơn 9 triệu đồng, phấn khởi cho biết: "Ngoài năng suất cao, giống bí xanh mới của Viện CLT & CTP cho chất lượng tốt hơn các giống địa phương. Quả thẳng đều, dáng đẹp, trọng lượng vừa phải (từ 2 - 2,5 kg/quả), ăn giòn và ngọt, không chua, thích hợp cho ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến mứt kẹo".

Chủ nhiệm HTX DVNN xã Tráng Liệt Nguyễn Văn Thực cho biết: Vụ xuân hè năm 2008, HTX trồng thử nghiệm 15 ha, năng suất đạt 1,5 - 2 tấn/sào, cho lãi ròng khoảng 3,2 triệu đồng/sào (tính ra đạt 88,6 triệu đồng/ha/vụ). Theo ông Thực thì giống bí xanh số 1 sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, thịt quả có màu xanh hơn các giống bí xanh khác. Từ vụ tới HTX sẽ khuyến cáo bà con mở rộng diện tích và đẩy mạnh thâm canh, xen canh, đưa giống bí xanh này vào cơ cấu giống cây trồng của HTX nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến và nâng cao mức sống của bà con.

TS. Đào Xuân Thảng, Phó viện trưởng Viện CLT & CTP cho biết: Giống bí xanh số 1 do Viện chọn tạo từ tập đoàn các giống bí xanh nhập nội. Quả dài 50 – 65 cm, ruột quả đặc, có màu trắng xanh, ăn giòn ngọt, không chua. Đây là một trong những giống bí xanh có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt cả 2 vụ xuân hè và thu đông ở các tỉnh vùng ĐBSH, thời gian sinh trưởng ngắn (100 - 110 ngày vụ thu đông và 110 - 120 ngày vụ xuân hè). Giống cho năng suất cao (50 - 55 tấn/ha vụ xuân hè và 45 - 48 tấn/ha vụ thu đông).

Theo khuyến cáo của Viện CLT & CTP, để có thể phát huy được hết tiềm năng năng suất và chất lượng của giống bí xanh số 1, ngoài kỹ thuật trồng bí xanh thông thường, bà con cần chú ý thêm một số khâu sau đây:

- Thời vụ: Vụ chính (xuân hè) gieo từ ngày 1 - 15 tháng 12 dương lịch, trồng từ đầu tháng 1 đến trung tuần tháng 2; vụ thu đông gieo từ 1-9 đến 5-10 trên chân đất mạ mùa, đậu tương hè, lúa mùa sớm (gieo trồng sớm từ 1 - 20/9 sẽ cho năng suất cao và ổn định hơn).

- Trồng bí có làm giàn, lên luống rộng 1,2 - 1,4 m; nếu để bò trên mặt luống, lên luống rộng 2,7 – 3 m.

- Lượng phân bón (tính cho 1 sào 360 m2): 6 - 7 tạ phân chuồng hoai mục + 6 – 8 kg urê + 6 kg kali clorua + 12 – 15 kg supe lân + 20 – 25 kg vôi bột nếu đất chua (pH<6).

- Bí xanh có thể trồng xen hoặc trồng thuần, do đó cách làm đất có khác nhau. Nếu trồng xen (gối sau rau đông xuân), khi cây trồng sắp thu hoạch thì gieo bí xanh, Khi thu hoạch cây trồng trước, cây bí đã có 3 - 4 lá thật thì làm đất bổ sung lên thành luống chính thức. Nếu không làm giàn thì xới toàn bộ mặt luống, làm cỏ, bón thúc hết phân hóa học, tưới đẫm nước rồi trải rạ. Khi cây bí dài 1m trở lên thì cho leo giàn. Khi dây dài 50 cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1 - 2 đốt lại chặn để cho ra thêm rễ phụ bất định tăng khả năng hút thu chất dinh dưỡng muôi quả sau này. Cứ 3 - 4 ngày lại chặn 1 lần và hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới nương dây cho leo giàn hoặc thả bò đều trên mặt luống.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường