Phải chăng nông dân sản xuất nông sản bán vào siêu thị là một hình mẫu của người nông dân Việt Nam hiện đại?
Một ngày, anh Triệu Công Đỉnh lại chở vào Metro Hương Lợi - Cần Thơ khoảng 200 kg rau lá và quả. Mùa dưa hấu hay dưa lê thì hàng tấn. Anh Đỉnh mới sản xuất được hơn chục loại rau xanh, trong khi nhu cầu của Metro Hưng Lợi gần trăm loại với khối lượng mỗi ngày khoảng 3.000 kg.
Giám đốc Metro Hưng Lợi - Cần Thơ Hồ Ngọc Chương cho biết: Anh Đỉnh là người nông dân ở ĐBSCL thành công nhất trong việc trở thành nhà cung cấp của Metro.
Anh Đỉnh nói: Cung cấp rau xanh cho Metro rất lợi ở giá cả ổn định, không có chuyện “được mùa dội chợ”. Đầu năm, anh đã có kế hoạch gieo trồng suốt cả năm, cụ thể từng tháng.
Tôi vào vườn rau xanh của anh. Đẹp như bức tranh. Từng thửa, từng luống thẳng tắp và cây trái đều đặn. Cảnh đồng quê trước kia thấy trong phim ảnh, nay thấy ở quê anh Đỉnh, khu vực Bình Thường A (phường Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ). Rau xanh anh Đỉnh chở đến siêu thị hàng ngày thực ra là của cả Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền mà anh làm chủ nhiệm.
Vùng đất này trước kia trồng lúa. Năm 2004, anh Đỉnh với 2 người bạn nông dân trồng thử mấy công dưa hấu và thành công. Họ phấn khởi mở rộng diện tích, đến tháng 7/2005 có 12 hộ nông dân đồng lòng thành lập hợp tác xã, diện tích 8 ha.
Thêm vài hộ nông dân chưa vào hợp tác xã nhưng sản xuất theo kỹ thuật của hợp tác xã tạo nên cánh đồng rau màu gần 10 ha. Trong đó, của anh Đỉnh có 1 ha và vợ chồng anh phải thuê thêm lao động, công sá trả theo ngày, nữ 30.000 đồng, nam 40.000 đồng. Cả hợp tác xã thuê hàng chục lao động.
Anh Đỉnh cho biết, một héc-ta một năm thu hoạch bình quân 155 triệu đồng, lãi 55 triệu đồng. Kỹ thuật canh tác họ học từ các cán bộ của trường Đại học Cần Thơ, Trạm Khuyến nông quận. Giống chỉ sử dụng loại F1 mua của các công ty giống như Trang Nông, Nông Hữu…
Tôi hỏi, tại sao hợp tác xã không để lấy giống cho vụ sau? Anh Đỉnh trả lời, giống tự túc như thế năng suất thấp và sản phẩm không đồng đều, màu sắc đậm nhạt khác nhau, không thể bán vào siêu thị, hiệu quả kinh tế thua giống mua.
Việc trồng dưa hấu ở đây được ươm mầm trong khay rồi mới đặt ra luống nên cây rất đều, mỗi cây chỉ để một trái nên trái cũng đều. Dưa lê còn được chăng dây cao hơn mặt đất khoảng gang tay để treo trái lên, không cho trái chạm đất.
Đặc biệt, công đoạn thu hoạch được coi trọng, rau trái cắt xong bỏ vào rổ, chở đi bán bằng thùng xốp, với một số trái còn gói giấy trắng cẩn thận. Thỉnh thoảng Chi cục Bảo vệ thực vật ở thành phố vào lấy mẫu những luống rau xanh chuẩn bị thu hoạch để kiểm tra độ “sạch”.
| |
Ruộng dưa lê | Dưa lê xếp vào thùng chuẩn bị đi siêu thị |
Trò chuyện với anh Đỉnh và những người nông dân ở hợp tác xã, tôi thấy họ khác người nông dân “truyền thống” ở chỗ chủ động trong sản xuất. Họ tính toán kinh doanh chứ không phải làm theo thói quen “lấy công làm lãi”.
Trồng cây gì cũng biết trước giá cả và dự tính được năng suất, họ có niềm tự tin của người làm chủ khoa học kỹ thuật, sản xuất được nông sản chất lượng cao, giá thành hạ nên không lo “đầu ra” chỉ mong ước có nhiều giống mới để có sản phẩm phong phú.
Hơn một năm thành lập, hợp tác xã đã đưa về thêm nhiều giống mới. Riêng bí đỏ có thêm 3 loại, trong đó đáng kể là bí đỏ cô tiên, chẳng những cho trái mà còn cho hoa bán rất có giá. L
oại bí đỏ này mỗi lá có một hoa, hầu hết hoa cái, khi một cây chỉ để 2-3 trái thì các hoa khác được hái bán, một công đất hái được 280 kg hoa bán gần 2 triệu đồng, bên cạnh trái bán hơn 6 triệu đồng.
“Hoa có bao nhiêu bán hết bấy nhiều, các nhà hàng đều thích” - Anh Đỉnh nói. Dưa lê do hợp tác xã trồng có năng suất 18 tấn/ha, giá 90.000 đồng/kg, 2 tháng là thu hoạch. Chỉ bón phân hữu cơ nên trái dưa lê đặt trên bàn cũng 6 tháng mới hư. Vì thiếu giống nên chưa mở rộng được diện tích dưa lê.
Năm 2006, hợp tác xã củng cố đê bao vững chắc, trồng rau xanh được cả mùa mưa, một điều khó ở ĐBSCL. Nay hợp tác xã đang làm nhà lưới để trồng được rau xanh cả khi mưa lớn, cả hợp tác khoảng 5.000m2, riêng anh Đỉnh 2.000m2.