Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 9.000 chợ các loại, trong đó 75% là chợ nông thôn, 25% là chợ thành thị và mới có 30/64 tỉnh thành có siêu thị. Vì thế, kênh phân phối hàng hoá qua siêu thị mới chiếm khoảng 10% doanh thu bán lẻ của cả nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang ngày càng có thói quen đi mua sắm ở siêu thị, dự báo kênh phân phối này sẽ chiếm từ 30-40% thị phần vào năm 2010 và 60% thị phần vào năm 2020.
Mở rộng mạng lưới kinh doanh
Trong khi các tập đoàn phân phối của nước ngoài như Metro, Big C, Parkson, Zen Plaza đang đẩy mạnh mở rộng hệ thống kinh doanh tại Việt Nam, thì các siêu thị trong nước cũng ráo riết phát triển hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố. Từ cuối năm 2007 đến nay, hàng loạt các siêu thị mới của Saigon Co.op, Maximax, Citimart được đưa vào hoạt động. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2008, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) đã khai trương 2 siêu thị tại quận Bình Tân (TP.HCM) và TP. Vũng Tàu. Nếu tính cả năm 2007, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động 9 siêu thị mới với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Trong năm nay, dự kiến Saigon Co.op sẽ khai trương tiếp các Co.op mart tại Biên Hoà (Đồng Nai), Tam Kỳ (Quảng Nam), thị xã Vị Thanh (Hậu Giang)…
Với mục tiêu địa ốc đến đâu, bán lẻ đến đó, Saigon Co.op kết hợp với Công ty VLXD và xây lắp thương mại BMC sử dụng mặt bằng tại các dự án cao ốc của BMC để mở siêu thị. Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn đưa ra những mô hình phân phối mới như chợ kết hợp với siêu thị, nhượng quyền thương mại những cửa hàng Co.op mart cho các hộ kinh doanh cá thể.
Tăng tốc không kém, Công ty Cổ phần An Phong, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Maximax cũng đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng mới 3 siêu thị. Hệ thống Citimart cũng vừa khai trương 1 siêu thị tại Hà Nội và dự kiến sẽ khai trương thêm 2 siêu thị mới tại TP.HCM vào tháng 5/2008 với tổng vốn đầu tư cho 3 siêu thị khoảng trên dưới 20 tỷ đồng.
Khẳng định năng lực cạnh tranh
Không chỉ phát triển về bề rộng, hệ thống siêu thị trong nước đang từng bước đầu tư chiều sâu, củng cố và khẳng định năng lực cạnh tranh của mình, cụ thể như cung cấp phong phú đa dạng về hàng hoá, dịch vụ trong một không gian mua sắm hiện đại với nhiều tiện ích. Bên cạnh đó, các chương trình chăm sóc khách hàng được hầu hết các siêu thị khai thác triệt để nhằm thu hút khách hàng. Vấn đề vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được coi trọng. Đặc biệt, giá cả tại các siêu thị luôn có sự ổn định hơn so với mặt bằng giá tại các kênh phân phối truyền thống. Trong tình hình giá cả biến động như hiện nay, đây là một thế mạnh khiến cho xu hướng mua sắm trong siêu thị của người dân ngày càng phổ biến.
Ngoài những ưu thế sẵn có, các hệ thống siêu thị đều có những “sách lược” riêng nhằm khẳng định năng lực cạnh tranh trong tình hình lạm phát tăng cao như hiện nay, mỗi hệ thống siêu thị đều thể hiện sự năng động trong những nỗ lực tự cứu mình. Trước tình trạng doanh số giảm do áp lực tăng giá, hệ thống Citimart đã mạnh dạn đầu tư một trung tâm bán sỉ trên 2.000 m2 (khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP. HCM) và được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2007. Ông Ngô Văn Hải, Giám đốc kinh doanh hệ thống Citimart, cho biết: Đây là một mô hình thí điểm đầu tiên nhằm tìm ra hướng đột phá mới cho hệ thống Citimart. Trung tâm bán sỉ sẽ giúp chúng tôi có thể tập trung một lượng hàng lớn duy trì hoạt động cho cả hệ thống, nhờ vậy tiết kiệm một phần chi phí vận chuyển khá lớn cho các nhà cung cấp. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, trung tâm bán sỉ đã giúp cho các nhà cung cấp tăng trưởng doanh số bình quân lên gấp 5 lần so với trước đây. Cũng nhờ đó tại đây luôn có một lượng hàng lớn để dự trữ góp phần bình ổn giá cho hệ thống siêu thị bán lẻ, giảm bớt áp lực tăng giá cho người tiêu dùng. Theo ông Hải, trong tương lai, mô hình trung tâm bán sỉ sẽ được nhân rộng và trong thời gian tới, sẽ có một trung tâm bán sỉ mới của Citimart được khai trương tại TP. HCM.
Khai thác lợi thế là đơn vị quốc doanh đầu tiên và duy nhất có nguồn vốn được hỗ trợ từ công ty mẹ trong việc thực hiện bình ổn giá, lại được sự hậu thuẫn nguồn hàng chiến lược dài hơi từ các công ty thành viên là những đơn vị sản xuất phân phối lớn như Cầu Tre, Vissan, thực phẩm công nghệ… siêu thị Sài Gòn luôn coi chiến lược về giá như một lợi thế cạnh tranh. Bà Đàm Chi Phương, Phó giám đốc kinh doanh Siêu thị Sài Gòn, cho biết: Chiến lược về giá luôn được siêu thị Sài Gòn coi trọng và luôn được điều tiết phù hợp với khu vực dân cư mà siêu thị phục vụ.
Để giữ chân khách hàng, ngoài các biện pháp nhằm bình ổn giá như đàm phán với nhà cung cấp, trữ hàng, kết hợp các chương trình kích cầu của nhà cung cấp, bắt đầu từ tháng 4/2008 hệ thống Maximax áp dụng một chương trình giá tốt nhất dành cho khách hàng trong mỗi 2 tuần cuối tháng, áp dụng giảm giá từ 10-40% luân phiên các mặt hàng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximax Cộng Hoà, cho rằng: Các hệ thống siêu thị trong nước luôn có sẵn thế mạnh về kinh nghiêm kinh doanh và phục vụ phù hợp tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng và mỗi hệ thống siêu thị luôn có biện pháp riêng để tăng sức cạnh tranh. Theo bà Thảo: để cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài, các siêu thị trong nước phải củng cố lại về nhân lực, tổ chức để tạo cho mình thế mạnh đón đầu.