Qua 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu đạt được trong cả năm từ 2005 trở về trước. Bình quân 1 tháng đạt gần 4 tỷ USD, trong đó mấy tháng nay đạt trên 4 tỷ USD, cao hơn mức xuất khẩu trong cả năm từ năm 1994 trở về trước.
So với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm nay tăng 19,4%, cao gấp 2,4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng cao đạt được ở cả khu vực trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn tốc độ tăng chung, một hiện tượng hiếm thấy. Điều đó chứng tỏ, các doanh nghiệp trong nước đã bước đầu tận dụng được cơ hội khi các nước WTO cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu Việt Nam khi nước ta gia nhập WTO.
Khu vực FDI tăng thấp hơn, nhưng chủ yếu do xuất khẩu dầu thô bị giảm; nếu không kể dầu thô thì các mặt hàng khác của khu vực này lại tăng cao nhất.
Qua 9 tháng, "Câu lạc bộ 1 tỷ USD" đã có 8 thành viên, đứng đầu là dệt may, tiếp đến là dầu thô.
Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đã mở rộng và quan tâm đến những mặt hàng có quy mô không lớn nhưng đã tăng với tốc độ cao để bù vào những mặt hàng chủ lực bị giảm sút hoặc tăng thấp. Đó là thủ công mỹ nghệ, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa, hạt tiêu, hạt điều...
Ngoài những thị trường truyền thống tăng cao, nhất là Anh, Mỹ, Australia, EU, còn mở rộng thị trường lên trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Với đà này, khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 47,5 tỷ USD. Khi đó, hệ số giữa kim ngạch xuất khẩu so với GDP sẽ đạt khoảng 67%, thuộc loại cao trên thế giới, ở châu Á và trong khu vực.
Nhờ xuất khẩu đạt quy mô và có tốc độ tăng khá, nên nhập khẩu có điều kiện tăng tốc và đạt quy mô khá, phục vụ đổi mới kỹ thuật - công nghệ, sản xuất và tiêu dùng ở trong nước cũng như sản xuất hàng xuất khẩu. Qua 9 tháng, tổng kim ngạch đã đạt 42,8 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.
Do nhập khẩu có quy mô lớn hơn và tăng cao xuất khẩu, nên nhập siêu 9 tháng đã lên đến 7,6 tỷ USD, tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (gấp 2,3 lần); tỷ lệ nhập siêu đã lên đến 21,6% cũng cao gấp đôi tỷ lệ của cùng kỳ (10,1%).
Mức nhập siêu này không những cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay mà còn cao hơn mức nhập siêu cả năm kể từ năm 2001.
Với đà này, mức nhập siêu cả năm có thể vượt trên 10 tỷ USD. Đây là một cảnh báo cần lưu ý.
Nguyên nhân chủ yếu của nhập siêu là do các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao lại có mức tăng không lớn và giá trị không cao, trong khi những mặt hàng có tỷ lệ gia công cao lại tăng cao; do nội địa hoá và phát triển công nghiệp phụ trợ chậm; do hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp...