Các chỉ số tương ứng về nhập khẩu là 37,6 tỉ USD và 29,9%. Nhập siêu 6,4 tỉ USD , với tỷ lệ bằng 20,5% kim ngạch xuất khẩu, vượt năm 2006 (chỉ có 5 tỉ USD và 12,5%). Vậy nên nhìn nhận vấn đề nhập khẩu và nhập siêu thế nào? Nhập khẩu tăng vì nhu cầu về máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu ngày càng tăng. Năm 2006, thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục với nhiều nhà đầu tư lớn từ trước đến thời điểm đó, nên năm nay sẽ phải nhập thiết bị, vật tư tạo hình hài cho các dự án này. Việc bắc cầu lớn, mở đường to, hiện đại hoá ngành vận tải, tăng năng lực ngành điện, xây công trình quốc gia, muốn có công nghệ sinh học mới để lai tạo giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, sơ chế trong các ngành nông lâm…đều phải nhập.
Để tăng trưởng xuất khẩu, việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho sản xuất hàng dệt may, da giày, đồ gỗ ngày càng tăng, nay còn phải nhập cá, tôm nguyên liệu từ Na uy, Canada, Myanma, Trung Đông… vì năng lực của các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh tăng 20% trong khi lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác chỉ tăng 7,6%. Sản lượng hạt điều thô chỉ đáp ứng 50% công suất của các nhà máy chế biến thành nhân điều xuất khẩu, nên đã phải nhập hạt điều thô từ Campuchia, Bờ biển ngà, Nigieria, Inđônêxia…
Tuy nhập khẩu tăng, song tỷ lệ máy móc thiết bị vật tư, nguyên phụ liệu trong tổng kim ngạch nhập khẩu thường trên dưới 95 %, nên cơ bản là nền nhập khẩu lành mạnh - lẽ đương nhiên trong giai đoạn tiền công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phản ánh mặt tích cực về thu hút đầu tư nước ngoài, về phát triển xuất khẩu, về chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu. Và ngay khi thành nước công nghiệp, hình thái trên vẫn tiếp diễn nhưng hàm lượng nhập khẩu kỹ nghệ sẽ cao hơn, để rượt đuổi trình độ của thế giới - đã tiến thêm bước mới, nếu không muốn tụt hậu hơn nữa.
Kim ngạch nhập khẩu bị đội lên còn do giá xăng dầu, phân bón, hoá chất, thép thành phẩm, phôi thép…thị trường thế giới đã hình thành mặt bằng mới. Cơ chế quản lý nhập khẩu ngày càng thông thoáng đã “lác đác” bị lợi dụng “rước về” rác thải, buộc phải tái xuất, gây lãng phí chung,..Với bối cảnh mở cửa, đời sống lên, thị hiếu sính dùng hàng ngoại càng được thể “lên nước”!. Đồ gỗ - trang trí nội thất được thế giới ưa chuộng vậy mà nhiều công sở, gia đình lại sắm sanh các thứ đắt tiền đó của nước ngoài. Hàng may mặc ê hề, mẫu mã cải tiến, giá cả phải chăng, nhưng giới trẻ vẫn “cập nhật thời trang” ngoại. Xe đạp Việt Nam xuất biên, còn xe Nhật, xe Trung Quốc cứ rong ruổi trên các nẻo đường. Chỉ có điều, trị giá hàng tiêu dùng nhập về chưa vượt quá 5 % tổng kim ngạch nhập khẩu, nhưng dù sao cũng làm nặng nề ấn tượng về nhập siêu - vốn tồn tại tất yếu trong nền ngoại thương đi lên từ điểm xuất phát thấp.
Nhập khẩu tăng làm nhập siêu tăng. Song nhập siêu còn phụ thuộc vào xuất khẩu vì nó là hiệu số giữa 2 loại kim ngạch trái chiều này. Nên phân giải nhập siêu phải “xăm soi” cả xuất khẩu mới công bằng.
Xuất khẩu cho đến năm 2006 tiến triển tốt, nên nhập siêu cũng êm theo. Còn từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tuy tiếp tục tăng nhưng không như mong muốn, gián tiếp đẩy nhập siêu tới 6,4 tỉ USD , tỷ lệ nhập siêu lên 20,5%, vượt cả năm 2006. Lượng xuất khẩu gạo và dầu thô không bằng năm ngoái. Thuỷ sản vật lộn với những rào cản do dư lượng chất kháng sinh.
Các loại nông lâm sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, qua trung gian, diện tích trồng trọt tiếp tục bị thu hẹp do làm cầu, mở đường, lập khu công nghiệp, đô thị hoá, nên không tăng đột biến. Hàng dệt may, da giày tỷ lệ gia công cao và không ít là các đơn hàng đơn giản, giá thấp mà vẫn rập rình bị áp thuế chống bán phá giá. Đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ sau chuỗi tăng trưởng ngoạn mục, đến năm nay gay gắt về nguyên liệu càng bộc lộ. Xe đạp và phụ tùng xe đạp đội sổ trong các mặt hàng tụt dốc.
Nhóm “mặt hàng khác” từng có hy vọng là ẩn chứa các “con bài” tiềm năng, nhưng khi lục vào thì đầu bảng lại là… tái xuất xăng dầu. Vật giá trong nước “âm thầm” leo thang, kể cả khi Nhà nước đã giảm thuế nhập khẩu, chắc chắn được “kính chuyển” vào giá thành hàng xuất khẩu làm cho sức cạnh tranh của nó chưa được cải thiện. Kết cục, trên đường đua trong 8 tháng qua, xuất khẩu luôn bị nhập khẩu qua mặt, làm lá chắn cho “cầu thủ” nhập siêu bứt lên.
Nhưng theo xu thế 2 tháng gần đây cùng chiêm nghiệm mọi năm, từ tháng 9 xuất khẩu sẽ khá lên, và theo dự đoán của các chuyên gia, cả năm xuất khẩu sẽ đạt mục tiêu 48 tỉ USD , khi ấy dù nhập siêu vẫn cao so với thời điểm hiện nay thì tỷ lệ chỉ dao động xung quanh 18%. Cũng theo kinh nghiệm, cùng với ngoại tệ từ xuất khẩu, còn nhiều nguồn vốn khác để thanh toán việc nhập hàng, nên tỷ lệ nhập siêu dưới 20% thì cán cân thành toán vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng cũng chính từ các lý do đó, giải mã về nhập khẩu và nhập siêu phải tính đến nhiều mặt, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài.
Phải lấy lại đà tăng trưởng cao của xuất khẩu, là giải pháp chủ yếu, vừa để “hạ nhiệt” tức thời nhập siêu vừa là chiến lược, tiến tới xuất khẩu cân bằng với nhập khẩu. Để thực hiện ý tưởng này, đã có hệ thống các giải pháp, từng được thực thi thành công trong những năm qua, nên thời gian tới phải “gia giảm liều lượng” thế nào để tiếp tục có hiệu quả cao.
Tập trung phát triển một số ngành sản xuất từng bước thay thế hàng nhập khẩu, chấm dứt việc xuất khẩu tài nguyên thô để nhập khẩu sản phẩm về dùng. Với khoáng sản và năng lực hiện có cần nâng cao sản xuất thép, phôi thép, tinh luyện kim loại màu và một số sản phẩm cơ khí chế tạo. Việc có các nhà máy khí điện đạm Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tầu, rồi Cà Mau sẽ giảm nhập khẩu phân bón. Khi các nhà máy lọc dầu vận hành sẽ có xăng dầu, hoá chất, phân bón, hạt nhựa, nhựa đường… nhãn hiệu Việt.
Phát triển các ngành công nghiệp phù trợ sản xuất phụ liệu dệt may, da giầy; các chi tiết bằng kim khí, nhựa, đá, da, giả da xen ghép trong sản xuất đồ gỗ; linh kiện, phụ tùng xe, máy, công trình…
Điều hành linh hoạt tỷ giá hối đoái, vừa thu hút được đầu tư nước ngoài, vừa khuyến khích doanh nghiệp hướng vào xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế được lạm phát.
Định hướng và kiểm soát việc sử dụng các nguồn vay nợ nước ngoài, các nguồn đầu tư trực tiếp, gián tiếp góp phần làm lành mạnh cán cân thanh toán trên nguyên tắc sử dụng vốn có hiệu quả. Mức dư nợ vay phải phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế hoặc số nợ phải duy trì ở mức an toàn, không gây ảnh hưởng xấu đến các chỉ số kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán.
Khích lệ kiều bào gửi kiều hối về nước đầu tư vào sản xuất, đáp ứng một phần nhu cầu nhập khẩu, giảm áp lực lên tỷ giá, lạm phát và tình trạng lưu hành tiền mặt ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng.
Các Hiệp hội ngành hàng tập hợp nhu cầu của các doanh nghiệp hội viên tìm nguồn nhập khối lượng lớn, không tranh mua, mua đơn lẻ dễ bị đội giá. Mở các “chợ” nguyên phụ liệu hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, với sự tham gia của các nhà cung cấp nước ngoài để các nhà nhập khẩu Việt Nam có nhiều sự lựa chọn.
Ưu tiên mời gọi đầu tư nước ngoài nhưng phải chọn đối tác mạnh, đầu tư vào công nghệ cao có kỹ thuật nguồn, thiết bị, máy móc tiên tiến, tránh nhập kỹ nghệ thải loại, sao chép.
Đưa vào hoạt động kịp thời các nhà máy, công trình; Quản lý định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu trong sản xuất; tiết kiệm mua sắm và sử dụng vật dụng nhập khẩu bằng mọi nguồn vốn.
Mở mang dịch vụ giao nhận - vận tải ngoại thương, giao hàng tận cảng người mua (tạm gọi là bán CIP) để tăng kim ngạch xuất; rồi nhận hàng mua từ cảng người bán (tạm gọi là mua FOB) để giảm kim ngạch nhập.
Thực hiện các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu phế liệu trong Thông tư Liên tịch Công Thương – Tài nguyên và Môi trường số 02, ngày 30 /8 /2007, tương thích với đặc thù của Việt Nam, đảm bảo thi hành Luật Bảo vệ Môi trường.