Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bùng nổ siêu thị ngoại
24 | 09 | 2008
Hàng loạt siêu thị của các tập đoàn phân phối nước ngoài đang ráo riết mở rộng hoạt động tại thị trường VN. Ngoài Metro Cash & Carry, Big C, Parkson... giờ đây xuất hiện thêm những “đại gia” mới như Lotte, GS Retail, Fresh Mart...
Một siêu thị mới mang tên Big C xuất hiện ở Q.Gò Vấp, TP.HCM giữa lúc cơ quan quản lý tuyên bố sẽ không cấp phép mới cho công ty 100% vốn nước ngoài nào trong thời điểm hiện nay đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.

“Tấn công” kiểu... Big C

Siêu thị này tọa lạc ở ngã năm Gò Vấp, góc Nguyễn Kiệm - Phạm Ngũ Lão. Khác với những “anh chị” của mình sinh ra trước đây, siêu thị Big C này xuất hiện rất lặng lẽ, không ồn ào khai trương, không múa lân đánh trống, không thông cáo báo chí...

Nhiều người cũng ngạc nhiên khi thấy siêu thị Big C này không đứng độc lập như những siêu thị khác mà được bọc dưới tấm áo “trung tâm thương mại” của một doanh nghiệp trong nước. Trên trang web của Big C VN cũng không thấy giới thiệu địa chỉ này. Lãnh đạo Sở KH-ĐT TP.HCM khẳng định chưa hề cấp phép mới cho một nhà đầu tư nước ngoài nào kinh doanh siêu thị mang tên Big C. Hồ sơ lưu của Sở KH-ĐT cũng không cho thấy một công ty liên doanh nào được thành lập. Thực tế một công ty có trụ sở tại Hà Nội là Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ phân phối tổng hợp cùng với Công ty Cavi Retail xin thành lập liên doanh để mở một trung tâm thương mại mang tên Big C nhưng đã rút hồ sơ hôm 14-8.

Một quan chức Bộ Công thương khẳng định bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phân phối ở VN trước đây, nếu muốn mở thêm cơ sở mới ngoài những cái đã được ghi trong giấy phép đều phải xin phép. Vậy làm thế nào mà Big C, một siêu thị nước ngoài, có thể mở cửa hoạt động ở Gò Vấp? Một cán bộ quản lý cao cấp của Big C thừa nhận đã nhượng quyền thương mại cho một công ty trong nước.

Nguồn tin không chính thức cho biết nhiều siêu thị Big C khác sẽ xuất hiện dưới hình thức này. Một chuyên gia trong lĩnh vực phân phối nhận xét: “Đi bằng con đường nhượng quyền thương mại là cách thức khá xa lạ đối với tập đoàn sở hữu thương hiệu Big C. Có lẽ họ đang ráo riết muốn bành trướng sự có mặt của mình ở thị trường VN trước khi các tập đoàn bán lẻ thế giới khác vào VN”.

Theo cam kết của VN khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong năm 2008 các nhà đầu tư nước ngoài muốn hoạt động tại thị trường VN trong lĩnh vực phân phối chỉ có thể dưới hình thức liên doanh, từ đầu năm 2009 họ mới được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực này.

“Nội” không theo kịp “ngoại”

Một quan chức Bộ Công thương, người từng tham gia trong đoàn đàm phán WTO, đánh giá: “Nếu các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường VN bằng con đường nhượng quyền thương mại thì không ai cản được”.

Hiện nay, ngoài hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry công bố lên kế hoạch mở 12 trung tâm ở VN, Big C và Parkson cũng lặng lẽ mở rộng sự hiện diện của mình, những siêu thị và trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài khác đang ráo riết chạy đua với thời gian. Chưa thấy động tĩnh của các đại gia đến từ Mỹ, nhưng ít nhất có hai thương hiệu Hàn Quốc là Lotte và GS Retail đang chuẩn bị cho hoạt động của mình ở TP.HCM và Bình Dương.

Lotte chuẩn bị đưa vào sử dụng một trung tâm lớn ở khu nam Sài Gòn, còn GS Retail sẽ xây mười trung tâm mua sắm ở Bình Dương trong hai năm tới. Gần đây người ta cũng thấy hệ thống cửa hàng Fresh Mart của Tập đoàn CP (Thái Lan) xuất hiện khắp ngã ba, ngã tư trên những trục đường quan trọng ở TP.HCM.

Một cán bộ phụ trách đầu tư của một hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại VN khẳng định: “Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào đã và đang hoạt động tại VN đều chỉ chờ thời điểm thích hợp là bung ra những siêu thị mới vì mọi thứ gần như khá thuận lợi cho kế hoạch phát triển dài hạn của họ”. Theo ông này, có ít nhất 3-4 siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài mọc lên trong nay mai.

Trong khi đó tốc độ mở siêu thị mới của các doanh nghiệp kinh doanh trong nước có dấu hiệu chững lại dù quỹ thời gian bảo hộ dành cho họ không còn nhiều. Bà Trần Thị Kim Quyên - phó tổng giám đốc Saigon Co-op kiêm giám đốc chuỗi Co-op Mart - cho biết theo kế hoạch, năm 2008 Saigon Co-op sẽ đầu tư thêm mười siêu thị, nhưng đến cuối tháng 8-2008, kế hoạch này chỉ mới thực hiện được 40%!

“Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công để góp phần giảm lạm phát. Vì thế Saigon Co-op cũng đã tiến hành chọn lọc lại danh mục đầu tư, lựa chọn những dự án tốt và có thể đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay để tập trung thực hiện” - bà Quyên nói.

Chuỗi siêu thị Vinatex Mart của Tập đoàn Dệt may VN lâu nay cũng chưa thấy mở thêm cái mới nào dù kế hoạch mở gần cả trăm siêu thị đến năm 2010. Một lý do nữa khiến việc đầu tư mở rộng siêu thị của doanh nghiệp trong nước chậm là sự biến động của thị trường bất động sản, giá vật liệu xây dựng tăng cao...

Metro muốn “cưới“ mama shop

Anh T. - chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, P.9, Q.Phú Nhuận - cho biết mỗi tháng hai lần vợ chồng anh ra siêu thị bán sỉ Metro An Phú ở Q.2 mua hàng về bán vì giá cả nhiều mặt hàng khá tốt. Tương tự như anh T., nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ khác hiện đang là khách hàng thường xuyên của Metro.

Theo một nghiên cứu của Bộ Công thương, hiện cả nước có trên 900.000 cửa hàng tạp hóa, chiếm khoảng 40% thị phần bán lẻ hàng tiêu dùng. Doanh số bình quân của một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở TP.HCM khoảng 200 triệu đồng/tháng. Chính vì thị phần và doanh số khổng lồ từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ (người nước ngoài hay gọi là “mama shop”) đã khiến Metro Cash & Carry không thể bỏ qua.

Ở TP.HCM, nhân viên của Metro Cash & Carry đến tận cửa hàng bán lẻ làm thẻ khách hàng, bất kể có giấy đăng ký kinh doanh hoặc không. Giám đốc một siêu thị trong nước nhận xét: “Nếu Metro “cưới” được các mama shop, rõ ràng sức ép cạnh tranh với các siêu thị trong nước là cực kỳ lớn”.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường