Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng nội “ngập” siêu thị
05 | 01 | 2009
Các siêu thị đang chuẩn bị cao điểm kinh doanh hàng tết. Điều đáng mừng siêu thị có chung tiếng nói ưu ái hàng nội địa, phục vụ đến trưa 30 tết. Đồng thời siêu thị cũng cố gắng ổn định giá, thậm chí giảm giá qua khuyến mãi, xóa dần suy nghĩ cứ tết là tăng giá, “giá tết mà”.

Hầu hết các siêu thị đều dự đoán sức mua hàng tại đây sẽ “bùng nổ” trong dịp tết.

Hàng nội là trên hết

Bà Dương Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại Big C, cho biết đến nay Big C hoàn tất việc trữ hàng, tập trung khai thác hàng nội địa, chủ yếu là bánh, kẹo, mứt, thịt, hàng may mặc... Trong đó, bánh kẹo hộp, hàng nội đã chiếm đến 90%. “Big C chi gần 120 tỉ đồng để trữ hàng, đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán để hỗ trợ nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, trong khuyến mãi, hàng nội được ưu ái hơn, ở vị trí tốt nhất, bắt mắt nhất” - bà Trang nói. Trong tổng số hơn 50.000 mặt hàng có mặt tại siêu thị, hàng nội địa chiếm 95%, tăng gần 5% so với hồi đầu năm.

Trong khi đó, siêu thị Metro cũng đã dự trữ hàng tết với tính toán sức mua dự kiến tăng bốn lần so với ngày thường. Bà Thanh Thủy, đại diện Metro, cho biết hàng nội vẫn được ưu tiên tại siêu thị với tỉ trọng trên 90%. Metro đã chủ động đặt hàng các nhà sản xuất, nhà cung cấp những sản phẩm đắt hàng trong dịp tết là trái cây, chả giò, chả lụa, xúc xích... Trong khi hàng ngoại nhập không có gì mới so với những năm trước thì hàng nội tiếp tục được ưu tiên trên các kệ của siêu thị. Ngay siêu thị vốn 100% nước ngoài mới mở là Lotte Mart cũng công bố đẩy mạnh “nội địa hóa” hàng hóa trong siêu thị, hàng nhập chiếm không quá 15%.

Xóa dần giá tết

Ít chỗ cho hàng Trung Quốc

Theo các siêu thị, hàng ngoại bị lép vế không chỉ với mặt hàng thực phẩm mà ngay cả những sản phẩm trước đây có thế mạnh như mặt hàng gia dụng và trang trí nhà. Năm nay, hàng Trung Quốc giảm mạnh, thay vào đó là hàng nội, nếu có hàng ngoại thì cũng là hàng nhập từ Thái Lan. Người tiêu dùng đã có sự lựa chọn cho mình những sản phẩm vừa túi tiền nhưng có chất lượng tốt.

Nằm trong chín doanh nghiệp tham gia bình ổn giá theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Saigon Co.op đã làm việc với các nhà cung cấp từ rất sớm và có kế hoạch dự trữ hoặc chốt hàng để đảm bảo đủ hàng bán với giá tốt nhất. Bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết trong số những mặt hàng thiết yếu được yêu cầu phải bình ổn giá, hàng nội chiếm khoảng 80%, tăng thêm 5% so với năm ngoái, chủ yếu tập trung ở nhóm hàng tiêu dùng và thực phẩm.

Trong đợt Tết dương lịch vừa qua, trong khi giá nhiều mặt hàng sốt như bia, nước ngọt, thủy hải sản ngoài thị trường biến động mạnh thì tại siêu thị giá vẫn bình ổn, thậm chí còn được giảm giá nhờ khuyến mãi. Các siêu thị tiếp tục “phát huy thành tích” với kế hoạch kinh doanh trong dịp Tết Kỷ Sửu đều hướng đến chính sách giá tốt.

Theo bà Nguyễn Phương Thảo - giám đốc Maximark Cộng Hòa, siêu thị bán nhiều hàng nội có nhiều điểm tích cực: kích thích sản xuất trong nước, có thể đàm phán giá bán theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Hàng tết tại Maximark sẽ không tăng giá, thậm chí nhiều mặt hàng như đường, lạp xưởng, nem, chả, giò lụa, giò thủ, bánh kẹo, trà... sẽ giảm giá 5-10%. Để có được mức giá này, một mặt siêu thị đàm phán với nhà cung cấp, đồng thời trích gần 2 tỉ đồng cho nhiều chương trình giá tốt, rút thăm trúng thưởng... Điển hình như giá thịt gia cầm, thịt heo - mặt hàng đang bán chạy trên thị trường và có xu hướng tăng cao từ đây đến cuối năm - vừa được siêu thị khuyến mãi giảm 10%. Theo đại diện Co.op Mart, ngay khi nhà cung cấp thông báo chương trình khuyến mãi, đơn vị đã lập tức điều chỉnh giá.

Chèo kéo khách đến siêu thị

Siêu thị mở cửa đến trưa 30 tết

Các siêu thị đều có chính sách tăng chiết khấu, khuyến khích mua hàng số lượng lớn. Tại Saigon Co.op, Big C sẽ dành mức ưu đãi chiết khấu từ 3-5% (tùy theo nhóm ngành hàng). Hầu hết siêu thị sẽ mở cửa phục vụ khách hàng đến trưa 30 tết. Điều này sẽ giúp phục vụ những khách hàng chưa kịp mua sắm tết và hạn chế tình trạng giá tăng vô lối ở các chợ vào những thời điểm siêu thị đóng cửa.

Để thu hút khách đến mua sắm, các siêu thị cố tạo ra những sản phẩm đặc trưng với giá hấp dẫn hơn. Bà Bùi Hạnh Thu cho biết ngoài việc kêu gọi nhà sản xuất tham gia giảm giá, siêu thị cũng cho ra nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Co.op Mart với chất lượng cao như: gạo thơm, dầu ăn, nếp, trứng gà - vịt, giò thủ, lạp xưởng, thịt nguội, chả lụa, bánh... được bán giá thật đặc biệt, rẻ hơn các sản phẩm cùng loại từ 5-30%. “Với lợi thế của mình, chúng tôi tiếp tục duy trì bình ổn giá các mặt hàng phục vụ tết với giá rẻ hơn thị trường cùng nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng kèm hàng góp phần mang lại nhiều lợi ích cộng thêm cho người tiêu dùng” - bà Thu nói.

Phần lớn các siêu thị đều chủ trương không kiếm lời nhiều từ những mặt hàng riêng của mình. Big C tăng cường mặt hàng “WOW! Giá hấp dẫn” được tiêu thụ mạnh trong dịp tết như bánh, lạp xưởng, dầu ăn, đồ uống, thịt nguội... Giá các mặt hàng này rẻ hơn 3-20%. Big C cũng tổ chức khuyến mãi “hoành tráng” khi giảm giá đến 50% cho gần 600 sản phẩm, cũng như nâng chất dịch vụ thông qua các dịch vụ xe buýt miễn phí, giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp... Citimart dành hẳn 2 tỉ đồng khuyến mãi bên cạnh 30 tỉ đồng dự trữ hàng hóa.

Sự cạnh tranh của các siêu thị sẽ giúp người tiêu dùng mua sắm tết hiệu quả hơn, bớt đi những cơn sốt giá vô lý do thói quen nói thách và “chặt chém” mùa tết.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường