Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia cầm ngoại xâm nhập thị trường
04 | 08 | 2007
Hiện thịt gà ngoại đang tràn vào TP.HCM với số lượng hơn 400 tấn/tháng (trước đó chỉ khoảng 100 tấn/tháng). Việc gia cầm ngoại chiếm gần 20% thị phần TP.HCM khiến người nuôi gia cầm công nghiệp và DN chế biến lo lắng…

Nội công ngoại kích

"Nội công" là dịch cúm gia cầm làm khổ sở dân chăn nuôi, làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thì đã quá rõ ràng. Còn "ngoại kích"? Bà Trương Thị Kim Châu, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11/2006, cánh, đùi gà ngoại đông lạnh do Cty Vinafood (Bình Dương) nhập vào TP.HCM hơn 475 tấn, tăng gấp 4 lần so với vài tháng trước. Thịt gà ngoại đa phần của Mỹ, Brazil và Argentina, trước chủ yếu bày bán ở các siêu thị, nhà hàng, nay đã bày nhiều ở các chợ lớn nhỏ trong TP. Theo tính toán của các chuyên gia thị trường, lấy mức trung bình 400 tấn/tháng thì mỗi ngày chừng 13 tấn đùi cánh đông lạnh được nhập khẩu. Trong khi đó theo Chi cục Thú y, hiện thị trường TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày hơn 41.000 con gia cầm, tương đương 60 tấn. Như vậy, cánh, đùi gà nhập khẩu đã chiếm xấp xỉ 20% thị phần.

Nhận định của Phòng Tổng hợp thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, đây là mức tăng khá chóng mặt. Trước đó, khoảng tháng 5/2006, thịt gà ngoại đông lạnh mới bắt đầu chia sẻ thị phần tại hai thị trường lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội. Trong vòng 4 tháng (tính đến đầu tháng 9/2006) trung bình mức nhập khẩu thịt gà chỉ khoảng 100 tấn/tháng. Theo tính toán của ông Phạm Văn Minh (GĐ Cty Kinh doanh giết mổ gia cầm Phú An Sinh) lúc này thì cánh đùi gà đông lạnh nhập khẩu mới chỉ chiếm 3 - 5% thị phần, không đáng ngại lắm! Tuy nhiên với mức tăng nói trên từ tháng 9 tới nay, giới kinh doanh gia cầm đã bắt đầu phập phồng.

Sẽ mất tiếp thị phần…

Phân tích của giới kinh doanh gia cầm cho thấy, có rất nhiều yếu tố để dự báo được điều này. Thực ra người tiêu dùng Việt Nam không thích ăn thịt gà đông lạnh, thậm chí cả gà ta nuôi công nghiệp vì thịt bở. Tuy nhiên khi bùng nổ cúm gia cầm cùng bệnh cúm ở người (H5N1) yếu tố VSATTP được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó đùi cánh gà ngoại nhập được Trung tâm Thú y vùng kiểm dịch đầu vào, Chi cục Thú y kiểm soát đầu ra. Vì vậy người tiêu dùng đã chấp nhận mà bằng chứng chính là sự tăng vọt lượng nhập khẩu như đã nói trên. Giá cả cũng là yếu tố song hành. Một DN nhập khẩu hé lộ, giá thịt gà ngoại nhập vào Việt Nam trung bình khoảng 11.000 đ/kg. Cộng thuế nhập khẩu, chi phí hải quan kiểm dịch, VAT... khoảng 30% thì giá thành sẽ khoảng 20.000 - 24.000 đ/kg đùi, cánh gà. Giá bán ra đến tay người tiêu dùng trung bình khoảng 35.000 đ/kg, rẻ gần một nửa so với đùi gà ta (loại gà công nghiệp chứ chưa nói gà thả vườn còn đắt hơn).

Việc Việt Nam gia nhập WTO chỉ còn tính từng ngày. Khi đó thuế nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Mỹ và các nước trong WTO vào Việt Nam giảm thì việc gia cầm ngoại càng có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Tất nhiên người tiêu dùng được lợi nhưng dân chăn nuôi và giới kinh doanh gia cầm nội e chừng nhường bước cho nhà nhập khẩu.


Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường