Theo báo Bưu điện Oa-sinh-tơn (Wasington Post), quyết định của FDA dựa trên hàng loạt những báo cáo chứng nhận chất lượng thịt, sữa gia súc nhân bản đã được tiêu thụ cho đến nay, và chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Giám đốc phụ trách thú y của FDA Xti-phơn F.Xun-lóp (Stephen F.Sundlof) tuyên bố: "Món ăn có nguồn gốc từ gia súc nhân bản chắc chắn có chất lượng tương tự như thức ăn thông thường. Một số chuyên gia cho rằng thịt và sữa từ gia súc nhân bản có chất lượng ngon và đồng đều hơn".
Mặc dù hiện tại, việc bán các sản phẩm từ gia súc nhân bản vẫn chưa được thông qua ở Mỹ, song FDA đã nêu vấn đề trên trước công luận từ tháng 10/2003, khi công bố báo cáo khẳng định rằng rủi ro trong tiêu thụ những sản phẩm này không lớn hơn so với thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, dư luận nước Mỹ vẫn có một số ý kiến phản đối với lý do đạo đức, vì cho rằng phương pháp trên tỏ ra tàn nhẫn với loài vật. Một số nhóm hoạt động cũng yêu cầu phải tiến hành nghiên cứu kỹ càng hơn về công nghệ được sử dụng để nhân bản gia súc, cũng như tiếp tục nghiên cứu chứng minh việc tiêu thụ rộng rãi những sản phẩm này không gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Trong khi đó, những người chủ trương nhân bản gia súc luôn muốn chứng minh mục tiêu kỹ thuật nhân bản tại Mỹ là "sao y bản chính", và không tiến hành bất cứ sự thay đổi nào đối với nguồn gien gốc.
Công nghệ nhân bản gia súc đang được áp dụng phổ biến tại Mỹ là hút nhân của các tế bào trưỏng thành, sau đó cấy vào trứng để tạo ra bào thai, và tạo ra con vật nhân bản. Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học Mỹ đã ứng dụng công nghệ trên để nhân bản hàng loạt gia súc các loại. Tuy nhiên, các chủ trang trại và công ty Mỹ đã cam kết không buôn bán thực phẩm khai thác từ gia súc nhân bản, chừng nào FDA chưa "bật đèn xanh" cho việc này, mặc dù nó hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngành chăn nuôi gia súc Mỹ