Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học
21 | 07 | 2007
Trong những ngày qua trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đều đăng tải thông tin về nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm ở nước ta, ngay sau đó Chính phủ đã có Chỉ thị cấm ấp mới, tái tạo đàn gia cầm nuôi thả rong đến tháng 2/2007. Tuy là vậy nhiều bà con nông dân vẫn còn duy trì việc nuôi mới đàn gia cầm điều này cho thấy nguy cơ tái dịch cúm gia cầm là rất cao.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện nay bà con nông dân muốn duy trì phát triển chăn nuôi gia cầm thì cần quan tâm áp dụng theo phương pháp an toàn sinh học. Bởi vì an toàn sinh học là tổng hợp các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh như virus, vi khuẩn... để bảo vệ đàn gia cầm an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học là cách tốt nhất góp phần hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra trong chăn nuôi.

Cuối tháng 9 vừa qua chúng tôi có dịp đến trang trại nuôi vịt giống của anh Trịnh Thế Thành, xã An Bình huyện Thoại Sơn áp dụng mô hình nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học. Tiếp chuyện với anh Trịnh Thế Thành chúng tôi có ghi nhận: Sau khi tham quan học hỏi nhiều mô hình nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học ở các nơi, anh về thiết kế cho mô hình chăn nuôi của mình. Với diện tích khoảng 6.000 mét vuông anh Thành lập vườn cây ăn trái và đào ao 2.500 mét vuông để nuôi cá, riêng trang trại nuôi vịt anh lót gạch tàu và bố trí nơi nghĩ ngơi cặp ao để khi vịt sau khi ăn xong xuống tắm, bố trí sân chơi và nơi để vịt đẻ. Năm 2.004, anh mua trên 750 con vịt giống siêu thịt, áp dụng biện pháp kỹ thuật mới theo phương pháp an toàn sinh học tức là nuôi nhốt, thực hiện tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ và hàng tuần phun thuốc sát trùng chuồng trại nên vịt phát triển tốt. Ngay thời điểm các nơi bùng phát dịch cúm gia cầm, nhưng nhờ nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học nên trang trại vịt của anh Thành không bị ảnh hưởng.

Với cách nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học anh Trịnh Thế Thành chẳng những kiểm soát được dịch bệnh trong trang trại mà còn tăng hiệu qủa kinh tế của mô hình. Trong năm 2.005, vịt đẻ đạt tỷ lệ trên 80% trong suốt 4 tháng liền, tiền lời từ sản phẩm gia cầm cũng đạt trên 20 triệu đồng, riêng hầm nuôi cá anh thả trên 80 ký cá giống như cá chép, mè vinh, cá rô phi thu hoạch trên 2 tấn cá thịt sau khi bán trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Thấy nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học kết hợp với nuôi cá đạt hiệu qủa năm nay anh Trịnh Thế Thành đầu tư tăng đàn vịt giống lên 1.500 con và thả gần 100 ký cá giống, tuy chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng khả năng anh sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Anh Lê Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình huyện Thoại Sơn cho biết, xã đã tổ chức giới thiệu mô hình nuôi vịt theo phương pháp an toàn sinh học trên cho các hộ chăn nuôi trong xã, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về phòng bệnh cúm trên gia cầm bằng nhiều hình thức như đài truyền thanh, tổ chức sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ để thông tin đến các hộ chăn nuôi, nhờ đó 20.000 con gia cầm trong xã được bà con nông dân áp dụng biện pháp tiêm phòng bệnh đúng qui trình của ngành thú y khuyến cáo.

Chị Nguyễn Thị Xoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, tuy áp dụng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học tốn khá nhiều chi phí đầu tư ban đầu, nhưng hiệu qủa mang lại là giảm công lao động chăn thả, kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đây sẽ là giải pháp tối ưu để có thể duy trì phát triển đàn gia cầm có kiểm soát trong tình hình dịch cúm có thể đến bất cứ lúc nào. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm sẽ là giải pháp tốt nhất và có hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh trong tình hình nguy cơ dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở nhiều nơi. Bà con nông dân cần quan tâm thực hiện biện pháp này góp phần giúp cho chăn nuôi gia cầm của mình tiếp tục phát triển .



Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Báo cáo phân tích thị trường