Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Nội: 85 tỷ đồng dự trữ hàng thiết yếu mùa bão
25 | 06 | 2011
Sở Công thương Hà Nội lên phương án đảm bảo nhu yếu phẩm dự trự tối thiểu trong 7 ngày cho khoảng 300.000 người trong mưa bão.

Sở Công thương Hà Nội vừa xây dựng phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân khắc phục hậu quả bão, lụt trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến 30/11/2011.

Trong phương án này, Sở Công thương Hà Nội dự tính “số nhu yếu phẩm dự trự có thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong 7 ngày cho khoảng 300.000 người tương đương 75.000 hộ dân bị ảnh hưởng.”

Trong đó, thành phố sẽ tạm ứng số vốn 85,050 tỷ đồng (lãi suất bằng 0%) cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, cấp phát cho nhân dân vùng bị thiên tai trên địa bàn thủ đô trong mùa mưa bão.

Các mặt hàng trong danh mục dự trữ bao gồm: mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…, nước sạch đóng chai hoặc bình, nến thắp sáng, Thực phẩm chế biến từ thịt và cá, sữa uống (hộp giấy); nước uống, muối, gạo, thịt, trứng, thủy hải sản tươi và đông lạnh, dầu ăn, rau củ tươi, ủng cao su, áo mưa, bạt che mưa các loại, đèn pin, pin đèn, đèn bão, phèn chua, dầu hỏa.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, rút kinh nghiệm từ cơn mưa lớn lịch sử gây ngập, úng diện rộng trên địa bàn thành phố năm 2008, một số huyện bị ngập, giao thông bị chia cắt khiến nhiều người dân thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu.

Trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng thủy văn, Sở Công thương đã đặt ra 12 tình huống giả định có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, qua đó đưa ra giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân thành phố.

Các tình huống trên bao gồm: tình huống phòng chống ngập úng khu vực nội, ngoại thành khiến hệ thống đê nội đồng đang phải chịu mức nước vượt mức báo động số 3 gây ngập ruộng lúa nhiều nơi từ 1-5 mét và mười tình huống vỡ các đoạn đê phải sơ tán dân cư trên các tuyến bị ảnh hưởng...

Đặc biệt tình huống động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ richter; với tâm chấn sâu 15-20 km liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy và số người bị ảnh hưởng khoảng 300.000 người cũng được Sở Công thương lên kế hoạch trong phương án này.

Ước tính, nhu cầu tiêu dùng trong một tháng của nhân dân thủ đô (khoảng 8 triệu dân) đối với 10 nhóm hàng thiết yếu là: Gạo tẻ 65.000 tấn/tháng; Thịt lợn 10.000 tấn/tháng; Thịt gà, vịt 3.500 tấn/tháng; Trứng gà,vịt 75 triệu quả/tháng; Thủy, hải sản tươi-đông lạnh 4.500 tấn/tháng; Thực phẩm chế biến từ thịt gia sức gia cầm là 4.000 tấn /tháng; Dầu ăn 3.1 triệu lít/tháng; Đường RE 3.000 tấn/tháng; Rau, củ tươi 75.000 tấn/tháng; Giấy vở học sinh 1.350 tập/tháng.

Một số mặt hàng tiêu dùng khác có nhu cầu tiêu dùng cao khi xảy ra tình huống mưa, bão như: ủng cao su, áo mưa, bạt che mưa các loại, đèn pin, pin đèn, đèn bão, phèn chua, dầu hỏa…

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhóm hàng thiết yếu phục vụ đảm bảo đời sống nhân dân trên sẽ được gắn kết với chương trình Bình ổn giá trên địa bàn thủ đô năm 2011.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn khác chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng trên tối thiểu 10%, đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố.

Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011

Thành phố tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ và bán hàng bình ổn giá năm 2011 là 475 tỷ đồng cho 10 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Gồm: Gạo trắng thường 6.400 tấn; thịt gia súc 1.350 tấn; thịt gia cầm 500; trứng gia cầm 8 triệu quả; thực phẩm chế biến 1.280 tấn, thủy hải sản đông lạnh 800 tấn; dầu ăn 800.000 lít; đường RE 250 tấn; rau, củ 2.500 tấn; giấy vở viết học sinh 1.350 triệu tập; đáp ứng bình quân 10% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng.


Theo Đức Duy

Vietnam+



Báo cáo phân tích thị trường