Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng tôm tại Đông Nam Á thấp, giá cổng trại có xu hướng tăng
26 | 09 | 2016
Trong quý 1/2016, nhập khẩu tôm của EU và các thị trường Đông Á tăng nhưng giảm tại Mỹ. Những người mua Trung Quốc khuấy đảo thị trường Đông Nam Á, thu mua trực tiếp tôm từ các trại nuôi ở mức giá cao. Trong khi đó, nguồn cung tôm nguyên liệu thô cho chế biến – xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Nguồn cung

Nhìn chung, nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước sản xuất chính, đặc biệt là tại châu Á, giảm. Tại Trung Quốc, sản xuất tôm nguyên liệu chậm lại mặc dù dịch bệnh tôm chết sớm đã được kiểm soát. Nông dân bị thua lỗ trong năm 2015 do bệnh tôm chết sớm không còn mặn mà với sản xuất tôm trong năm 2016. Theo báo cáo từ Trung Quốc, sản xuất đang phục hồi tại khu vực Hải Nam nhưng tại Trạm Giang và các khu vực khác, nguồn cung tôm giống chất lượng tốt rất thấp, chủ yếu do ô nhiễm môi trường.

Nguồn cung tôm nguyên liệu cũng hạn chế tại Ấn Độ. Tính đến tháng 6, sản xuất tôm trong nửa đầu năm 2016 vẫn thấp hơn mức trung bình tại Andhra và Tamil Nadu, hai bang sản xuất tôm thẻ chính tại Ấn Độ. Các hồ nuôi tôm tại Tamil Nadu bị thiệt hại nặng do những đợt nắng nóng gay gắt và dịch bệnh. Thu hoạch sớm chủ yếu là tôm nguyên liệu cỡ nhỏ (10gr/con), phục vụ cho thị trường nội địa vẫn mang lại giá cao cho nông dân và thương nhân nước này. Các nhà chế biến xuất khẩu tại Andhra và Tamil Nadu phải nhập nguồn tôm nguyên liệu từ Odissa và West Bengal để bổ sung do tình hình sản xuất tại các bang này tốt hơn.

Nguồn tôm nguyên liệu nội địa thiếu cũng là tình trạng diễn ra tại Việt Nam do hạn hán và xâm nhập mặn, cũng như dịch bệnh trên tôm. Theo Bộ NNPTNT (MARD), sản xuất tôm tại các tỉnh sản xuất chính là Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre rất yếu và vẫn chưa có các dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong tương lai gần. Từ tháng 5/6, thương nhân Trung Quốc đã lùng sục khắp Đông Nam Á, thu mua tôm nguyên liệu với giá cao tại Việt Nam và Thái Lan. Hệ quả là ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu tôm nội địa phải đối diện với tình hình thiếu tôm nguyên liệu nghiêm trọng.

Tình hình khả quan hơn tại Indonesia khi nước này cho biết một số dấu hiệu cải thiện sản xuất trong năm 2016. Nông dân nuôi tôm thẻ nghỉ nuôi trong năm 2015 thì nay có mật độ thả nuôi cao tại các khu vực phát triển sản xuất mới. May mắn là họ không phải chịu hạn hán nghiêm trọng, mặc dù dịch bệnh được báo cáo diễn ra rải rác trên khắp cả nước. Tron gkhi đó, Bộ Thủy sản Indonesia có kế hoạch phục hồi hoạt động nuôi tôm sú, đặc biệt là tại Northern Kalimantan (Tarakan). Mùa mưa tại Indonesia bắt đầu từ tháng 6.

Ecuador báo cáo sản xuất ở mức trung bình cao trong quý 1/2016. Tuy nhiên, kể từ trận động đất mạnh diễn ra vào tháng 4, nguồn cung tôm từ nước này cũng chậm lại.

Nhập khẩu

Năm 2015, tình trạng giá thấp triền miên trên thị trường tôm quốc tế, kéo dài tới tận tháng 3-4/2016, đã thúc đẩy nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn trong quý 1/2016. Nhập khẩu tôm tại Nhật Bản và EU đều tăng so với quý 1/2015. Tuy nhiên, Mỹ giảm nhập khẩu do tồn kho nội địa ở mức cao, hệ quả của nhu cầu tôm trong mùa đông năm 2015 giảm tại thị trường bán lẻ và dịch vụ ăn uống trong suốt mùa cuối năm.

Tại nhiều thị trường Đông Á, nhập khẩu tôm tăng để đáp ứng nhu cầu trong Tết Nguyên đán tháng 1-2. Như đã nhấn mạnh ở trên, sản xuất tại Trung Quốc và Đông Nam Á giảm theo chu kỳ. Dự báo sản xuất tôm trong nửa cuối năm 2016 sẽ không tốt bằng năm 2015. Về giá, tại châu Á, giá tôm nguyên liệu đã thoát đáy và bắt đầu tăng từ tháng 5. Ecuador đang tăng xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi thành lập văn phòng thương mại tại nước này vào năm 2015. Đáng chsu ý, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn tôm Ecuador, sau đó tái xuất sang Trung Quốc mà không qua gia công chế biến thêm.

Xuất khẩu

Trong quý 1/2016, top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới theo thứ tự là Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Argentina. Xuất khẩu từ Ecuador giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn gần 80.000 tấn, xuất khẩu của Ấn Độ giảm 4% xuống còn 71.700 tấn và xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm 4% còn 36.800 tấn.

Tại Thái Lan, sản xuất tôm trong quý 1/2016 phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái, và xuất khẩu cũng nhờ đó có tiến triển tích cực, tăng 20% về lượng lên 42.000 tấn. Xuất khẩu từ Argentina cũng tăng mạnh 72% lên 34.100 tấn. Số liệu sơ bộ từ Indonesia cũng cho thấy xuất khẩu tăng nhẹ trong cùng kỳ so sánh.

Nhật Bản

Giá tôm giảm dẫn tới tiêu dùng tôm tăng lên tại thị trường Nhật Bản trong năm 2016. Trong những tháng lễ hội mùa xuân vào tháng 4-5, nhu cầu bán lẻ tôm tăng vọt cùng với giai đoạn các siêu thị mở đợt giảm giá khuyến mại hàng năm. Tình hình này được phản ánh trong nhập khẩu tôm quý 1/2016 của Nhật Bản tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2015. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ là các nhà cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Nhật Bản.

Nhập khẩu tôm đông lạnh thô của Nhật Bản (nguyên vỏ, nguyên đầu nobashi và các sản phẩm bóc vỏ) tăng 17% trong giai đoạn trên. Phân khúc tôm chế biến GTGT cao chiếm 27% trong cơ cấu nhập khẩu tôm của Nhật Bản, chỉ tăng nhẹ.

Mỹ

Năm 2016 bắt đầu với lo ngại lớn về nhu cầu tôm bán buôn thấp trên thị trường Mỹ. Các thị trường dự trữ toàn cầu ở mức cao, dẫn đến cảnh báo về nhu cầu giảm trên thị trường Mỹ. Trong một chiến lược nhằm bình ổn thị trường bán buôn, hầu hết các cỡ tôm, từ các nguồn cung cấp đồng loạt hạ giá trong tháng 3, các nhà nhập khẩu giảm giá và chiết khấu cho các nhà bán buôn.

Chiến lược trên thành công do nhu cầu tăng lên và đạt trạng thái cân bằng so với tình trạng dư cung trước đây. Bất chấp việc thị trường đã diễn biến tốt hơn, nhập khẩu tôm giảm trong quý 1/2016 so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn cung giảm từ Ecuador, Indonsia và nhập khẩu từ Ấn Độ cũng giảm. Trong khi nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Việt Nam và Mexico tăng. Khuynh hướng giảm nhập khẩu tiếp diễn tới tận tháng 4.

Cho đến thời điểm này, khả năng cạnh tranh của những người mua Mỹ đang yếu đi trên thị trường do những người mua Nhật Bản và Trung Quốc đang chào mua giá cao hơn. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản đang tăng và thương nhân Trung Quốc đang ráo riết thu mua trên toàn châu Á. Nguồn cung tôm Ecuador sang Mỹ giảm và đang chuyển hướng sang các thị trường Đông Á.

EU

Trong quý 1/2016, nhập khẩu tôm của EU tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 74% lượng tôm nhập khẩu đến từ các nước ngoại khối.

Các thị trường nhập khẩu tôm quan trọng nhất trong EU là Tây Ban Nha (29.800 tấn), Pháp (25.200 tấn), Đan Mạch (21.899 tấn), Anh (18.500 tấn) và Hà Lan (16.400 tấn). So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 6,3% tại Tây Ban Nha và 3% tại Pháp, tăng 12% tại Đan Mạch và Anh, 3% tại Hà Lan. Đáng chú ý là một phần nhập khẩu tôm của Đan Mạch và Hà Lan được tái xuất sang các thị trường nội khối EU. Nhập khẩu tôm của Ý, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Hy Lạp cũng tăng.

Châu Á và các thị trường khác

Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan là các thị trường nhập khẩu tôm chính tại châu Á. Trong cùng kỳ, nhập khẩu tôm tăng mạnh tại tất cả các thị trường trên.

Tại Trung Quốc, xuất khẩu tôm giảm 4% nhưng nhập khẩu tăng mạnh 125% lên 31.100 tấn trong quý 1/2016. Nguồn cung cho thị trường Trung Quốc tăng từ tất cả các nước. Các nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc là Argentina (+500%), Canada (+75%), Ecuador (+500%), Thái Lan (+37%) và Ấn Độ (+41%). Tăng trưởng xuất khẩu mạnh trên thị trường Trung Quốc của các nhà cung cấp trên chủ yếu do nguồn cung nội địa tăng và nhu cầu trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán tại Trung Quốc tăng. Nhập khẩu qua biên giới từ Việt Nam và Myanmar cũng tăng nhưng không được ghi nhận nên không có số liệu báo cáo.

Việt Nam có thể là nước nhập khẩu tôm lớn nhất tại châu Á. Nhập khẩu tôm của Việt Nam từ 5 nhà cung cấp lớn nhất, bao gồm Ecuador và Ấn Độ đạt 50.000 tấn trong quý 1/2016, mặc dù nguồn cung từ cả hai nước này đều giảm nhẹ.

Tại Trung Đông, nhập khẩu tăng trong cùng kỳ, trong khi Úc giảm nhập khẩu do đồng đôla Úc yếu đi.

Nhu cầu nội địa tại các nước sản xuất tôm lớn cũng đang tăng. Ví dụ, tại Mexico, nguồn cung tôm nuôi tăng trong năm 2016 với phần lớn sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Sản xuất tôm sú tại Bangladesh cũng có thị trường nội địa tăng, do xuất khẩu giảm trong suốt 2 năm qua, cùng với giá tôm trên thị trường quốc tế đang giảm.

Triển vọng

Dự báo sản xuất tôm nuôi tại châu Á trong năm 2016 giảm trong năm 2016 do vấn đề dịch bệnh tiếp diễn tại Trung Quốc và hạn hán – mùa mưa đến muộn tại một phần Đông Nam Á. Sản lượng tôm của các nước cung cấp lớn trong những tháng tới có thể thấp hơn dự đoán.

Mặc dù Thái Lan dự kiến khôi phục sản xuất mạnh, với sản lượng đạt 300.000 tấn trong năm 2016, nhu cầu khu vực tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, sẽ làm nguồn cung cho các thị trường truyền thống, phát triển giảm trong thời gian tới.

Nhìn chung, Trung Quốc có thể tiếp tục ảnh hưởng lên thị trường toàn cầu và giá nếu sản xuất nội địa không cải thiện. Thị trường cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình nguồn cung tại Ấn Độ và Việt Nam, mà hiện không có nhiều tín hiệu tích cực. Do đó, sản xuất thấp và nhu cầu có triển vọng tăng tại châu Á, thị trường tôm toàn cầu có thể tăng giá trong các tháng cuối năm 2016.

Theo Globefish



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường