Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó vì... tôm
21 | 09 | 2008
Người nuôi tôm ở ĐBSCL và Quảng Nam đang gặp khó do tôm chết và giá giảm. Nguyên nhân là do nuôi tràn lan, cơ sở hạ tầng (ao nuôi, chất lượng tôm giống, kỹ thuật nuôi...) không đảm bảo... Tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua.
Dù ĐBSCL là vùng nuôi tôm sú lớn nhất nước với 538.800ha, sản lượng 160.000 tấn tôm/năm nhưng nghề nuôi tôm xem ra vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp.

Nuôi nhiều nên... chết

Mặc dù thời tiết không còn nắng nóng như những ngày hè nhưng hiện tôm vẫn chết ở ĐBSCL. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay có khoảng 120.000ha tôm bị thiệt hại với tỉ lệ 20-75%. Tại Cà Mau, nông dân thả nuôi trên 225.000ha chủ yếu với hình thức quảng canh nhưng có đến 56.789ha bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Thường ở xã An Lạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết tôm nuôi hai tháng bỗng lủi đầu chết đỏ ao. Vùng nuôi tôm quảng canh ở huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng có nhiều đầm tôm bị thiệt hại. Theo ông Nguyễn Văn Sử, xã Phước Long, nhiều nông dân nuôi tôm ở đồng Chó Ngáp đã... “gối vụ” đến ba lần vì tôm chết liên tục. Ông Sử cũng vậy, hai lần trước ông nhờ người quen mua giùm tôm giống trôi nổi ở Gành Hào và thị xã Bạc Liêu, thả hơn ba tháng đầm tôm vẫn... “êm ru”. Khi đặt nò kiểm tra chỉ bắt được vài con nhỏ bằng ngón tay vì tôm đã chết sạch. Vụ gần đây, ông mua tôm có chất lượng hơn nhưng năng suất cũng không cao. Nuôi 2ha tôm quảng canh nhưng chỉ thu hoạch được trên 200kg. Đầu năm đến nay thu được 16 triệu đồng nhưng vốn hết 14 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Khởi - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tôm chết là do thời tiết không thuận lợi, môi trường nước nhiều nơi bị ô nhiễm và con giống kém chất lượng. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cũng kết luận diện tích nuôi tôm sú phát triển ồ ạt ở ĐBSCL đã ảnh hưởng đến môi trường nên khó kiểm soát dịch bệnh.

Chưa hết, người nuôi còn gặp khó do giá tôm liên tục giảm trong khi chi phí, nhất là thức ăn thủy sản, tăng cao. Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần chế biến thủy sản Sao Ta, hiện tiêu thụ tôm sú rất chậm. Giá tôm thẻ chân trắng thấp hơn tôm sú nên người tiêu dùng chọn tôm thẻ chân trắng. Hiện nay các nước trong khu vực nuôi nhiều tôm thẻ chân trắng làm giảm nhu cầu tôm sú. Ông Nguyễn Văn Khởi cho biết nông dân thả nuôi đồng loạt, thu hoạch đồng loạt làm cung vượt cầu, giá giảm. Theo ông Khởi, để không bị thua lỗ, nông dân nên thả tôm một vụ ăn chắc hoặc thực hiện mô hình tôm - lúa.

Nợ vì tôm

Vùng ven biển xã Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) một thời nổi tiếng tôm giống cả nước hiện mang tiếng nuôi đâu lỗ đấy. Hiện những dãy hồ tôm sát biển từ thôn Quảng Gia sang hồ Quảng Tây, Hà My Đông A-B... phơi đáy. Những trại tôm giống khóa cổng, không một bóng người. Một số hồ nuôi tôm đã bị phá bỏ. Phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã Điện Dương Lê Văn Khuê cho biết” “Cao điểm có khoảng 100 trại nuôi tôm, năm ngoái còn 80 trại nhưng đến năm nay giảm gần một nửa. Cuối mùa chỉ còn 1-2 trại cầm cự hoạt động”. Có nhiều trại không bán được tôm giống đành phải... thả xuống biển.

Người nuôi thua lỗ vì nhiều nguyên nhân. Giá tôm giống giảm mạnh trong khi chi phí lại tăng 15-20%. Thị trường thu hẹp do nhiều tỉnh đã sản xuất tôm giống, một số nơi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì có hiệu quả kinh tế cao hơn. Làng tôm sú giống không chuyển đổi kịp nên ứ hàng.

Trong khi đó người nuôi tôm đang oằn mình vì nợ. Khu vực Bãi Đầm thôn Long Thạnh - vùng nuôi tôm lớn nhất Tam Hòa - chỉ lác đác chòi có bóng người trong số hơn 100 chòi canh tôm. Hầu hết các hồ tôm đã bị bỏ hoang. Ông Trương Công Bình, phó chủ tịch UBND xã Tam Hòa, cho biết vụ một cả xã thả nuôi trên dưới 300ha, năng suất bình quân của mỗi hecta hơn 2 tạ..., thua be bét nhất từ trước đến nay. Sang vụ hai chỉ có 105ha trong hơn 540ha mặt nước được thả nuôi. Nhưng dịch bệnh đã tấn công các đồng tôm. Nhiều người bỏ cuộc giữa chừng, mặc kệ tôm sống chết trắng hồ.

Theo thống kê ban đầu, hiện 1.300 hộ nuôi tôm xã Tam Hòa đang nợ các ngân hàng, cơ sở cung ứng giống, thức ăn nuôi tôm khoảng 12 tỉ đồng. Trước đây, để được vay bà con đem hồ tôm ra thế chấp. Bây giờ con tôm hết thời, ao hồ mất giá theo, bán không ai mua, người dân “bó tay” trả nợ.

Ông Trương Công Bình cho biết: “Hơn một nửa số hộ xã Tam Hòa nuôi tôm đang lâm nợ (1.300/2.200 hộ). Lãnh đạo xã đã kiến nghị các ngân hàng khoanh nợ cho bà con nhưng chưa có kết quả. Chưa biết sắp tới sẽ phải giải quyết thế nào”.

N.DIỆN - VIỆT HÙNG - VÕ TRƯỜNG

Thận trọng bỏ tôm sú qua tôm thẻ chân trắng

Hiện một số nông dân ĐBSCL đang chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại Cà Mau, một số doanh nghiệp nuôi thử nghiệm thành công tôm thẻ chân trắng với năng suất đạt 8 tấn/ha. Với giá bán 64.000 đồng/kg, giá thành 30.000 đồng/kg, người nuôi thu lãi ròng 34.000 đồng/kg. Cà Mau đang quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng từ nay đến năm 2010 trên diện tích 10.820ha, tập trung ở vùng nuôi tôm sú kém hiệu quả. Tại Bạc Liêu, theo kế hoạch của ngành thủy sản, từ nay đến năm 2010 sẽ phát triển khoảng 10.000ha tôm thẻ chân trắng.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng chọn được tôm thẻ chân trắng giống sạch bệnh để nuôi đó là lối ra cho nghề nuôi tôm ở ĐBSCL. Nhưng ông Nguyễn Văn Khởi cho rằng nông dân cần phải thận trọng vì chương trình giống ở VN chưa có mà phải nhập tôm giống bố mẹ từ các nước trong khu vực. Hiện nhiều tỉnh không khuyến khích nuôi tôm thẻ chân trắng vì vốn đầu tư cao, nguy cơ dịch bệnh.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường